Olanzapine


Phân loại:

Dược chất

Mô tả:

Tên thuốc gốc (Hoạt chất) 

Olanzapine (Olanzapin)

Loại thuốc

Thuốc an thần/Thuốc chống loạn thần.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén bao phim: 2,5 mg; 5 mg; 7,5 mg; 10 mg, 15 mg; 20 mg.
  • Viên nén phân tán: 5 mg; 10 mg; 15 mg; 20 mg. 
  • Thuốc tiêm bắp (IM): 10 mg.
  • Viên nén: 2,5 mg; 5 mg; 7,5 mg; 20 mg.

Dược động học:

Hấp thu

Hấp thu nhanh qua đường uống và gần như hoàn toàn qua ống tiêu hóa. Sinh khả dụng đạt 60% do chuyển hóa lần đầu qua gan. Nồng độ đỉnh trong máu đạt khoảng 5 – 8 giờ. 

Khi tiêm bắp, nồng độ trong máu đạt đỉnh sau khoảng 15 – 45 phút với nồng độ đạt gấp 5 lần so với khi uống. 

Phân bố

Phân bố nhanh và nhiều vào các mô, trong đó có thần kinh trung ương. Thể tích phân bố khoảng 1000 ng/L. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương khoảng 93%, chủ yếu liên kết với albumin và acid alpha-1-glycoprotein. Olanzapine và chất chuyển hóa liên hợp glucuronide qua được nhau thai và sữa mẹ.

Chuyển hóa

Chuyển hóa ở gan thông qua CYP1A2 (chủ yếu), CYP2D6, sau đó được liên hợp với acid glucuronic. Hai chất chuyển hóa chính là 4’-N-demethyl olanzapine và 10-N-glucuronide không có hoạt tính.

Thải trừ

Thời gian bán thải (đường tiêm bắp và đường uống) khoảng 30 giờ (dao động từ 21 – 54 giờ). Olanzapin được đào thải qua nước tiểu (57%) và phân (30%), dưới dạng chất chuyển hóa, một phần nhỏ (7%) dưới dạng nguyên vẹn.

Dược lực học:

Olanzapine là thuốc an thần và là dẫn chất của dibenzodiazepine, thuốc ít làm tăng tiết prolactin, ít gây loạn vận động muộn khi điều trị kéo dài đồng thời có hiệu quả trên cả các biểu hiện dương tính, âm tính và ức chế của tâm thần phân liệt. Cơ chế chống loạn thần có liên quan đến tính đối kháng ở các thụ thể serotonin typ 2 (5-HT2A, 5-HT2C), typ 3 (5-HT3), typ 6 (5-HT6) và dopamine ở hệ thần kinh trung ương. Olanzapine có tác dụng ức chế và làm giảm đáp ứng đối với thụ thể 5-HT2A, liên quan đến tác dụng chống hưng cảm của thuốc. Ngoài ra, olanzapine còn làm ổn định tính khí do một phần ức chế thụ thể D2 của dopamine. Olanzapine dùng tiêm bắp để điều trị cơn động kinh cấp một phần do tác dụng an thần hơn tác dụng gây ngủ.

Olanzapine còn có tác dụng đối kháng với các thụ thể muscarine (M1, M2, M3, M4 và M5) giúp giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp, nhưng xuất hiện tác dụng không mong muốn. Olanzapine cũng có tác dụng đối kháng thụ thể H1 của histamin và thụ thể alpha-1 adrenergic gây ngủ gà, hạ huyết áp tư thế.



Chat with Zalo