Bệnh lý suy van tĩnh mạch là gì? Những bài tập điều trị suy van tĩnh mạch chân hiệu quả
Suy van tĩnh mạch là một vấn đề phổ biến và dự kiến sẽ tăng cao do nhiều yếu tố khác nhau. Các ảnh hưởng của bệnh này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh. Trong bài viết dưới đây của Hà An Pharmacy, chúng ta sẽ khám phá chi tiết hơn về căn bệnh suy van tĩnh mạch cùng các bài tập giúp điều trị và ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.
Bệnh suy van tĩnh mạch là thế nào?
Bệnh suy van tĩnh mạch là tình trạng mà tĩnh mạch ở chân không thực hiện chức năng đưa máu về tim một cách hiệu quả. Các van trong tĩnh mạch chân có trách nhiệm ngăn máu chảy ngược, bắt đầu mất khả năng hoạt động đúng cách trong trường hợp suy van tĩnh mạch mạn tính.
Hiện tượng này dẫn đến sự chảy ngược của một phần máu xuống chân, làm giảm chức năng của hệ tĩnh mạch chi dưới. Kết quả là máu bị ứ lại ở tĩnh mạch, tạo ra những biến đổi trong huyết động và cấu trúc mô xung quanh.
![Bệnh lý suy van tĩnh mạch là gì? Những bài tập điều trị suy van tĩnh mạch chân hiệu quả 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_ly_suy_van_tinh_mach_la_gi_nhung_bai_tap_dieu_tri_suy_van_tinh_mach_chan_hieu_qua_1_58e606c98f.jpg)
Các triệu chứng thường gặp bao gồm cảm giác nặng chân, nhức mỏi, sưng chân, tê chân, thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như lở loét chân không lành, chàm da, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, chảy máu, huyết khối tĩnh mạch sâu, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây bệnh suy van tĩnh mạch
Mặc dù nguyên nhân chính của bệnh suy van tĩnh mạch vẫn chưa rõ ràng nhưng có một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần vào việc tổn thương chức năng của các van một chiều trong hệ tĩnh mạch ngoại biên.
Các yếu tố bao gồm sự xuất hiện của huyết khối tĩnh mạch sâu, giới tính nữ, quá trình thoái hóa do tuổi tác (đặc biệt là sau 50 tuổi), tư thế sinh hoạt không đúng, thiếu vận động, béo phì, làm việc trong môi trường ẩm thấp, di truyền, tiền sử huyết khối.
![Bệnh lý suy van tĩnh mạch là gì? Những bài tập điều trị suy van tĩnh mạch chân hiệu quả 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_ly_suy_van_tinh_mach_la_gi_nhung_bai_tap_dieu_tri_suy_van_tinh_mach_chan_hieu_qua_2_9793b440f1.jpg)
Những bài tập điều trị suy van tĩnh mạch chân hiệu quả
Thực hiện đều đặn các bài tập dưới đây sẽ giúp người bệnh giảm bớt tình trạng suy giãn tĩnh mạch, ngăn chặn biến chứng do bệnh gây ra. Các động tác cần thực hiện nhẹ nhàng, đều đặn, hít thở đều trong quá trình tập.
Bài tập điều trị bệnh suy van tĩnh mạch khi nằm
Ở tư thế nằm, người bệnh có thể tập các bài tập dưới đây:
- Gập và duỗi khớp cổ chân: Nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khoảng 30 đến 50 độ trên mặt giường, sau đó thực hiện động tác duỗi khớp cổ chân và gập khớp cổ chân từ 10 đến 15 lần. Sau khi hoàn thành, đưa chân trái về vị trí ban đầu và lặp lại với chân phải. Tập mỗi ngày 2 đến 3 lần.
- Xoay khớp cổ chân: Nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khoảng 30 đến 50 độ, sau đó thực hiện động tác xoay khớp cổ chân từ phải sang trái và từ trái sang phải từ 10 đến 15 lần. Đưa chân trái về vị trí ban đầu và lặp lại với chân phải. Tập mỗi ngày 2 đến 3 lần.
- Đạp xe đạp: Nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, nâng cả hai chân lên khỏi mặt giường, gập khớp háng và khớp gối, sau đó thực hiện động tác như đang đạp xe đạp với cả hai chân từ 10 đến 15 lần. Sau khi hoàn thành, đưa cả hai chân về vị trí ban đầu. Tập mỗi ngày 2 đến 3 lần.
Bài tập điều trị bệnh suy van tĩnh mạch khi ngồi trên ghế
Người bệnh ở tư thế ngồi trên ghế nên áp dụng các bài tập điều trị bệnh suy van tĩnh mạch sau:
- Nâng cẳng chân: Ngồi trên ghế sao cho cả hai chân sát trên sàn nhà, lưng thẳng, trọng lượng đều chia đều lên mông và chân. Thực hiện động tác nâng cẳng chân lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng chân, sau đó đưa chân về vị trí ban đầu. Lặp lại đối với cả hai chân từ 10 đến 15 lần. Tập mỗi ngày 2 đến 3 lần.
- Nhón gót chân: Ngồi trên ghế với độ cao phù hợp, thực hiện động tác nhón gót chân (nâng chân lên cho đến khi khớp cổ chân duỗi thẳng chỉ còn các đầu ngón chân sát sàn nhà), luân phiên giữa chân trái và chân phải, sau đó cả hai chân cùng một lúc từ 10 đến 15 lần. Tập mỗi ngày 2 đến 3 lần.
- Xoay khớp cổ chân: Ngồi trên ghế với hai chân đặt trên sàn nhà, nâng mũi bàn chân phải lên để chỉ có gót chân sát sàn nhà, sau đó thực hiện động tác xoay khớp cổ chân từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong từ 10 đến 15 lần. Đưa chân phải về vị trí ban đầu và lặp lại đối với chân trái. Tập mỗi ngày 2 đến 3 lần.
Bài tập điều trị bệnh suy van tĩnh mạch khi đứng
Bên cạnh tư thế nằm và ngồi trên ghế thì người bệnh cũng nên áp dụng bài tập ở tư thế đứng:
- Gập và duỗi khớp cổ chân: Đứng thẳng, nâng một chân lên và thực hiện động tác gập và duỗi khớp cổ chân từ 10 đến 15 lần. Sau khi hoàn thành, đưa chân về vị trí ban đầu và lặp lại với chân kia. Tập mỗi ngày 2 đến 3 lần.
- Xoay khớp cổ chân: Đứng thẳng, nâng một chân lên và thực hiện động tác xoay khớp cổ chân từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong từ 10 đến 15 lần. Đưa chân về vị trí ban đầu và lặp lại với chân kia. Tập mỗi tuần 2 đến 3 lần.
- Nhấc cao chân bước tại chỗ: Đứng thẳng và thực hiện bước tại chỗ khoảng 15 đến 20 bước, nâng chân cao hơn so với bước đi thông thường. Tập mỗi ngày 2 đến 3 lần.
- Bước đi bằng mũi bàn chân: Đứng thẳng, nâng gót chân lên để đứng bằng mũi bàn chân, rồi bước đi khoảng 15 đến 20 bước. Tập mỗi ngày 2 đến 3 lần.
![Bệnh lý suy van tĩnh mạch là gì? Những bài tập điều trị suy van tĩnh mạch chân hiệu quả 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_ly_suy_van_tinh_mach_la_gi_nhung_bai_tap_dieu_tri_suy_van_tinh_mach_chan_hieu_qua_3_b23694caef.jpg)
Biện pháp phòng tránh bệnh suy van tĩnh mạch
Đối với những người chịu ảnh hưởng của bệnh suy van tĩnh mạch, chế độ dinh dưỡng cần được quan tâm đặc biệt. Bệnh nhân nên chú trọng đến khẩu phần ăn hàng ngày để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất.
Các nguồn thực phẩm như rau quả tươi, ngũ cốc giàu chất xơ là lựa chọn lý tưởng. Bên cạnh đó cần hạn chế lượng chất béo trong chế độ ăn uống, giữ cân nặng ổn định vì thừa cân và béo phì cũng có thể làm giảm lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể.
Đồng thời, việc tăng cường hoạt động vận động là cực kỳ quan trọng. Đi bộ thường xuyên, tránh mang vác nặng, chạy tại chỗ khi đứng nhiều, thực hiện thể dục nhẹ nhàng như bơi lội hay xe đạp khiêu vũ đều là những biện pháp hiệu quả. Tập trung vào các hoạt động có động tác nhịp nhàng và tránh những hoạt động đòi hỏi cử động mạnh và chuyển động đột ngột.
![Bệnh lý suy van tĩnh mạch là gì? Những bài tập điều trị suy van tĩnh mạch chân hiệu quả 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_ly_suy_van_tinh_mach_la_gi_nhung_bai_tap_dieu_tri_suy_van_tinh_mach_chan_hieu_qua_4_cd63a7558a.jpg)
Như vậy, Hà An Pharmacy vừa chia sẻ tới bạn đọc những bài tập điều trị suy van tĩnh mạch chân hiệu quả. Hy vọng các bạn sẽ áp dụng để cải thiện tốt bệnh tình của mình. Nếu có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào ở chân bạn nên tới ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị sớm, nhằm ngăn chặn những biến chứng có thể xảy ra.