Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh gì? Cách phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý thường xảy ra ở các bộ phận như cẳng chân, đùi hoặc vùng xương chậu. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể gặp ở não, gan, ruột, thận hoặc cánh tay trên cơ thể. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Hà An Pharmacy để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và cách phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu nhé!
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
Huyết khối tĩnh mạch sâu có tên tiếng Anh là Deep Vein Thrombosis (DVT), xảy ra khi xuất hiện các cục máu đông (huyết khối) trong các tĩnh mạch sâu ở vị trí chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Tĩnh mạch là các mạch máu liên kết với nhau và trải dài khắp các bộ phận trên cơ thể. Chúng có nhiệm vụ vận chuyển máu từ các cơ quan, các mô về tim. Tĩnh mạch sâu là những tĩnh mạch nằm sâu trong các cơ quan và cách xa bề mặt da.
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phải bệnh lý này, bao gồm:
- Trước và sau khi phẫu thuật.
- Chấn thương.
- Không di chuyển trong thời gian dài như ngồi lâu, đi xe đường dài hoặc máy bay.
- Mắc bệnh ung thư hoặc trong quá trình điều trị ung thư.
- Tuổi cao.
- Trong quá trình mang thai và trong 4 - 6 tuần đầu sau sinh.
- Béo phì.
- Suy tĩnh mạch.
- Mắc một số bệnh lý như viêm ruột, suy tim hoặc suy thận.
- Sử dụng các biện pháp ngừa thai có chứa estrogen hoặc thực hiện liệu pháp hormone trong điều trị chứng mãn kinh.
- Hút nhiều thuốc lá.
- Rối loạn đông máu gây ra cục máu đông.
- Đặt ống catheter trong lòng tĩnh mạch chính.
![Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh gì? Cách để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/huyet_khoi_tinh_mach_sau_la_benh_gi_cach_de_phong_ngua_huyet_khoi_tinh_mach_sau_1_25badd5541.jpg)
Mặt khác, chỉ có khoảng 50% số bệnh nhân mắc huyết khối tĩnh mạch sâu có xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng thường xảy ra tại bắp chân, đùi hoặc mắt cá chân như:
- Đau nhức chân thường xuyên khi đứng hoặc đi bộ.
- Sưng phù ở chân.
- Phù các mạch máu ở bắp chân.
- Có cảm giác nóng tại vùng chân bị sưng đau.
- Da bị bầm đỏ.
Phương pháp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu
Để có thể chẩn đoán chính xác bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu, các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà bạn đang gặp phải, thăm khám các vùng da bị sưng phù hoặc đổi màu. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm máu D/dimer: Đây là loại xét nghiệm để kiểm tra một loại protein được tạo ra bởi các cục máu đông - D/dimer. Hầu hết ở những bệnh nhân mắc phải tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu mức độ nặng đều có nồng độ D/dimer tăng.
- Siêu âm Doppler: Đây được xem là một xét nghiệm tiêu chuẩn trong việc chẩn đoán căn bệnh này. Qua hình ảnh siêu âm sẽ thấy được tình trạng máu chảy qua tĩnh mạch tại vị trí đang nghi ngờ có huyết khối trên cơ thể, từ đó giúp phát hiện ra cục máu đông. Xét nghiệm này có thể được tiến hành nhiều lần trong ngày để theo dõi cục máu đông có đang phát triển hoặc xuất hiện thêm hay không.
- Chụp X-quang tĩnh mạch: Trong chụp X-quang tĩnh mạch sẽ sử dụng thuốc cản quang để thấy rõ được hình ảnh các tĩnh mạch lớn ở chân nhằm hỗ trợ bác sĩ tìm ra cục máu đông. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ được thực hiện sau khi đã siêu âm tĩnh mạch mà không tìm ra vấn đề.
- Chụp cộng hưởng từ: Xét nghiệm này được chỉ định nhằm chẩn đoán các huyết khối nằm trong tĩnh mạch tại ổ bụng.
![Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh gì? Cách để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/huyet_khoi_tinh_mach_sau_la_benh_gi_cach_de_phong_ngua_huyet_khoi_tinh_mach_sau_2_1f268f6b30.jpg)
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sẽ được thực hiện một số xét nghiệm khác nếu có nghi ngờ cục máu đông nằm trong tĩnh mạch phổi như:
- Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Nhằm xác định có cục máu đông nào di chuyển đến phổi không.
- Thử nghiệm thông khí - tưới máu (V/Q): Nhằm đo lường thể tích không khí cũng như lưu lượng máu di chuyển qua phổi để đưa ra chẩn đoán có mắc chứng thuyên tắc phổi không.
Cách phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
Việc điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu nhằm mục đích:
- Ngăn ngừa sự phát triển của cục máu đông lớn hơn.
- Ngăn ngừa tình trạng cục máu đông bị vỡ ra và di chuyển đến phổi.
- Giảm nguy cơ hình thành các cục máu đông ở những cơ quan khác trong cơ thể.
- Phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh lý này, điều quan trọng là người bệnh cần phải tuân thủ theo một số thay đổi trong lối sống nhằm kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn và ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông khác. Các biện pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu nên được áp dụng, bao gồm:
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Những loại thực phẩm giàu vitamin K như rau cải xoăn, rau bina hay các loại rau xanh khác… có thể gây cản trở hiệu quả của thuốc warfarin trong quá trình điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về các loại thuốc đang dùng và chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe.
![Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh gì? Cách để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/huyet_khoi_tinh_mach_sau_la_benh_gi_cach_de_phong_ngua_huyet_khoi_tinh_mach_sau_3_5ee49d3389.jpg)
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định
Bác sĩ điều trị sẽ đưa ra cho bạn thời gian điều trị cũng như liệu trình điều trị bệnh. Từ đó, bạn sẽ phải tuân theo các hướng dẫn trong quá trình điều trị. Nếu người bệnh đang sử dụng một số loại thuốc với mục đích làm tan cục máu đông, họ cần phải thực hiện xét nghiệm kiểm tra mức độ đông máu thường xuyên.
Theo dõi tình trạng chảy máu
Chảy máu hoặc xuất hiện máu bầm dưới da có thể là một trong những tác dụng phụ của thuốc làm loãng máu. Nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ. Bên cạnh đó, hãy chú ý đến các hoạt động có thể gây bầm tím hoặc chảy máu, bởi đôi khi chỉ là một chấn thương nhỏ cũng có thể trở nên trầm trọng khi đang sử dụng loại thuốc này.
Hạn chế ngồi yên một chỗ
Nếu bạn phải nằm trên giường và không di chuyển trong một khoảng thời gian dài, ví dụ như sau tai nạn hoặc phẫu thuật, bạn nên cố gắng vận động và di chuyển càng sớm càng tốt nhằm làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu còn phải nằm trên giường, hãy cố gắng thay đổi tư thế nằm và có thể nâng cao giường để tập ngồi trước khi bước xuống giường tập đi.
Quản lý cân nặng và tập thể dục
Béo phì luôn là một yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý, trong đó có căn bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Do đó, việc kiểm soát trọng lượng cơ thể và tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ là một biện pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu hiệu quả. Điều này giúp bạn quản lý được cân nặng tốt hơn và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, nhất là những người ít di chuyển, ngồi nhiều.
![Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh gì? Cách để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/huyet_khoi_tinh_mach_sau_la_benh_gi_cach_de_phong_ngua_huyet_khoi_tinh_mach_sau_4_e037a189dd.jpg)
Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên bạn đọc đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán cũng như cách phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu. Hãy truy cập vào website của Hà An Pharmacy để biết thêm những kiến thức hay về lĩnh vực sức khỏe nhé!
Vũ Ánh
Nguồn tham khảo: medlatec.vn