Xước giác mạc ở trẻ em nên làm gì?
Đa số trẻ em đều rất tinh nghịch, nên việc chấn thương ở mắt là trường hợp rất hay gặp ở trẻ khiến cha mẹ khó xử trí. Tình trạng phổ biến nhất thường xảy ra là xước giác mạc ở trẻ em. Tình trạng này cần được xử lý nghiêm ngặt vì vết thương hở từ các vật đâm xuyên có thể nhanh chóng dẫn tới nhiễm trùng, đe dọa thị lực. Các bậc phụ huynh nên lưu ý về cách xử trí để giảm tối đa biến chứng và nguy hiểm cho thị lực của các bé.
Xước giác mạc ở trẻ em là gì?
Trẻ bị xước giác mạc là hiện tượng thường thấy do dụi mắt hay do dị vật gây ra. Giác mạc là bộ phận trong suốt, ở ngoài cùng của mắt đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ mắt. Giác mạc cùng với thủy tinh thể và đồng tử hội tụ ánh sáng giúp mắt nhìn thấy được sự vật, sự việc xung quanh. Không chỉ mỏng mà giác mạc còn nằm ngoài cùng nên rất dễ bị tổn thương.
![xước giác mạc ở trẻ em là gì?](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xuoc_giac_mac_o_tre_em_nen_lam_gi_2_630f142877.png)
Các tổn thương có thể do cát, bụi vào mắt hoặc do va chạm, các vật, đồ chơi làm xước giác mạc. Các vết thương nông thì không nguy hiểm nhưng vết thương sâu là mối nguy cho sức khỏe đôi mắt của trẻ.
Dù tổn thương nhẹ hay nặng, các bậc phụ huynh nên biết cách xử lý vì nếu không điều trị kịp thời có thể gây viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc hoặc thậm chí dẫn đến suy giảm thị lực hay mất thị lực vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây xước giác mạc ở trẻ
Có rất nhiều tình huống trong cuộc sống dẫn đến nguyên nhân trẻ bị xước giác mạc:
- Móng tay dài, bút hay cọ trang điểm, tập giấy quẹt vào mắt.
- Dụi mắt quá mạnh.
- Dính phải bụi bẩn, cát, mùn cưa, tro hoặc một số vật lạ bay vào mắt.
- Trẻ có thể tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày. Những chất này có thể bay vào mắt.
- Không cho trẻ mang kính bảo hộ khi tham gia thể thao hoặc các hoạt động có nguy cơ cao.
- Trẻ sống hay đến nơi có nhiều khói thuốc lá.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị xước giác mạc
Đối với trẻ thường chưa đủ kiến thức để nhận biết triệu chứng ở chính mình và cũng không phải trẻ em cũng biết cách bày tỏ hay nói chuyện với cha mẹ. Do đó, nếu trẻ không nói, các bậc phụ huynh nên lưu ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ:
- Trẻ thấy khó chịu ở mắt như cộm trong mắt, khó mở mắt.
- Mắt bé bị đỏ và đau, có thể nặng hơn là đi kèm với chảy nước mắt, đau rát ở mắt.
- Trẻ khó cử động ở mắt.
- Thường dùng tay che một bên hay 2 bên mắt.
- Thị lực có thể bị ảnh hưởng.
- Trẻ khó chịu khi nhìn thấy ánh sáng, không chịu được ánh sáng chói.
![Dấu hiệu xước giác mạc ở trẻ em](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xuoc_giac_mac_o_tre_em_nen_lam_gi_1_004cf19638.png)
Cách xử trí và điều trị xước giác mạc ở trẻ em
Xử trí khi trẻ có dị vật vào mắt
Với những dị vật có kích thước nhỏ như cát, bụi,... các bậc phụ huynh có thể bình tĩnh mà xử lý cho trẻ.
- Không được dụi hay cố dùng giấy, bông để lấy dị vật ra. Điều này khiến nguy cơ nhiễm trùng tăng và vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn.
- Bảo trẻ chớp mắt vài lần để nước mắt đẩy dị vật ra ngoài
- Nếu vẫn không đẩy được dị vật, phụ huynh có thể kéo mi mắt trên của trẻ xuống để mi mắt dưới giúp chải và gạt sạch bụi bẩn.
- Đặt bé nằm ngửa và trấn an bé. Sau đó, dùng các ngón tay banh rộng mắt của bé, nhỏ nước muối sinh lý hay các loại thuốc có tác dụng rửa mắt.
- Nếu vẫn không khắc phục được thì bảo bé không được động đậy mắt hay dùng tay dụi mắt rồi nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ xử lý và điều trị.
Điều trị cho trẻ bị xước giác mạc
Sau khi thăm khám, kiểm tra và giúp bé loại bỏ dị vật, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp để điều trị cho trẻ.
Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với các loại thuốc nhỏ mắt hay thuốc mỡ để phòng tránh nhiễm khuẩn mắt. Có thể sẽ quấn băng kín mắt để tránh ánh sáng làm ảnh hưởng.
Nếu vết rách nhỏ thì chỉ cần 1 - 3 ngày có thể khỏi. Còn những trẻ bị nặng hơn thì cần thời gian nhiều hơn để phục hồi.
![Điều trị xước giác mạc ở trẻ em](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xuoc_giac_mac_o_tre_em_nen_lam_gi_3_48f1e33525.png)
Trong quá trình điều trị, các bậc phụ huynh nên lưu ý ở trẻ:
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Không cho trẻ sờ, dụi mắt.
- Đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra nếu có dấu hiệu bất thường xuất hiện như đau nhiều hơn, kích ứng nhiều hơn.
- Cho trẻ đeo kính bảo hộ khi ra ngoài.
- Cho trẻ em kính râm khi đi dưới trời nắng hoặc nơi có nhiều ánh sáng vì sẽ làm mắt bé nhạy cảm.
- Không nên cho trẻ mang kính áp tròng cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ.
Phòng ngừa tình trạng xước giác mạc ở trẻ
Các bậc phụ huynh nên dạy trẻ về tầm quan trọng của mắt và thị lực để tránh bé dụi mắt làm mắt dễ nhiễm trùng và tăng nguy cơ xước giác mạc.
- Không nên cho trẻ dùng đồ chơi, cây, hay các đồ chơi đưa lên mắt, quạt vào mắt.
- Dạy bé dù có ra ngoài đi học hay đi chơi cũng nhớ tầm quan trọng của đôi mắt để giảm nguy cơ tổn thương.
- Cắt móng tay cho trẻ thường xuyên.
- Nếu nhà có vườn, nên tỉa cây để tránh quẹt vào mắt trẻ.
- Tập thói quen đeo kính bảo hộ/ kính râm khi ra ngoài cho trẻ để bảo vệ mắt.
- Thường xuyên dùng thuốc nhỏ mắt chăm sóc và bổ sung dưỡng chất cho mắt.
- Chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ.
- Khi trẻ đi học, nên hướng dẫn trẻ cách sử dụng các đồ vật dễ làm tổn thương mắt như bút, kéo, dây thun, mắc áo,...
- Nếu trong nhà có hóa chất, chất tẩy rửa nên để khu vực an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em.
Qua bài viết, hy vọng giúp bạn nắm được một số kiến thức xước giác mạc ở trẻ em. Điều này làm ảnh hưởng đến thị lực của bé. Cho nên các bậc phụ huynh nên theo dõi và giáo dục các bé để tránh tổn thương cho mắt. Chúc các bé và gia đình luôn vui khỏe và hạnh phúc.
Thy Võ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp