Làm gì khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò đối với cả mẹ và bé
Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng khá phổ biến, khoảng 2 - 7% trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi gặp phải trường hợp này. Với các triệu chứng khá giống với các bệnh lý về tiêu hóa và hô hấp khác, ba mẹ rất dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua. Do đó, bài viết dưới đây sẽ đưa ra các dấu hiệu nhận biết cũng như làm gì khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò?
Dị ứng đạm sữa bò là gì?
Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh trở nên quá mẫn cảm với đạm trong sữa bò. Đây là một dạng dị ứng xảy ra nhiều nhất ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì với trẻ nhỏ, sữa bò là thực phẩm lạ đầu tiên có protein mà trẻ hấp thu với số lượng lớn, đặc biệt là những trẻ đã từng dùng sữa công thức trước đó.
Khi cơ thể của trẻ nhận diện sai lầm thành phần protein có trong sữa bò là có hại sẽ tự động sản sinh ra kháng thể miễn dịch IgE giúp vô hiệu hóa các protein này. Có hai loại protein chính trong sữa bò gây ra dị ứng đạm sữa bò là casein và whey. Các kháng thể IgE tiếp xúc với các protein này trong sữa bò sẽ nhận ra và báo hiệu cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamine và các hóa chất trung gian gây dị ứng. Chính những chất này gây ra dấu hiệu dị ứng với đạm sữa bò.
Nguyên nhân chính xác của dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Nhưng theo nghiên cứu dị ứng có thể do di truyền, trẻ có nguy cơ bị dị ứng sữa cao nếu ba mẹ có tiền sử dị ứng thức ăn.
![Làm gì khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò đối với cả mẹ và bé 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/trieuchungvacachphongnguadiungsuaotre_63e047d5e7.jpeg)
Triệu chứng dị ứng đạm sữa bò tức thời
Dị ứng đạm sữa bò có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau từ nhẹ đến nặng tùy theo cơ địa mỗi trẻ. Các triệu chứng phổ biến nhất là các triệu chứng về hô hấp, trên da và các triệu chứng về hệ tiêu hóa thường xuất hiện muộn hơn sau 2 đến 48 giờ sau khi uống sữa bò.
Các triệu chứng này xuất hiện khá sớm sau khi trẻ uống sữa bò:
- Khó thở sưng môi, mặt và lưỡi.
- Bệnh chàm trên da là một dạng gây viêm da dị ứng.
- Phát ban, nổi mề đay, ngứa.
- Nôn trớ sau khi uống sữa.
- Có dấu hiệu tiêu chảy.
Triệu chứng dị ứng đạm sữa bò muộn:
Các triệu chứng này thường xuất hiện muộn hơn nhưng thường nặng hơn và kéo dài. Khi trẻ có các biểu hiện dưới đây cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị và giảm các triệu chứng nguy hiểm:
- Đau quặn bụng.
- Nổi mề đay, mẩn ngứa, đỏ.
- Ho khan, ho kéo dài, thở khò khè.
- Nôn mửa, tiêu chảy.
Các triệu chứng dị ứng đạm sữa bò giống các bệnh dị ứng khác nên có thể gây nhầm lẫn cho ba mẹ. Do đó ba mẹ không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Trong trường hợp trẻ bị dị ứng đạm sữa bò nhưng không có biểu hiện gì điển hình nên ba mẹ không biết. Trẻ ăn phải thực phẩm dễ gây dị ứng này về lâu dài có thể bị thiếu máu, mệt mỏi, chậm lớn,...
![Làm gì khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò đối với cả mẹ và bé 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/lam_gi_khi_tre_bi_di_ung_dam_sua_bo_doi_voi_ca_me_va_be_2_05f5b9cbf4.jpeg)
Làm gì khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò?
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi
Nếu trẻ sơ sinh dưới 6 tháng có các triệu chứng dị ứng đạm sữa bò thì mẹ đang cho con bú nên có chế độ ăn không đạm sữa bò, có thể loại bỏ hoặc không trứng và đậu nành. Với chế độ ăn này, mẹ nên chú ý bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể.
Đối với trẻ không được bú sữa mẹ, lời khuyên ở đây là trẻ nên sử dụng thức sữa công thức đạm sữa bò thủy phân hoàn toàn hoặc sữa uống công thức axit amin. Ba mẹ cũng sẽ tìm thấy những loại sữa tương tự có dòng chữ "công thức không gây dị ứng" và "công thức thủy phân toàn phần/hoàn toàn/tích cực trên bao bì (công thức axit amin)".
Với trẻ trên 6 tháng tuổi
Ngoài sữa, các loại thực phẩm có chứa thành phần từ sữa bò cũng nên được loại bỏ khỏi chế độ ăn của trẻ như phô mai, sữa bột, váng sữa, sữa chua,... Bánh ăn dặm, bột ăn dặm có thành phần đạm whey, đạm sữa bò, đạm casein.
Khi mua đồ ăn dặm cho bé, ba mẹ nên lưu ý kỹ thành phần có trong sản phẩm. Một số thực phẩm không chứa thành phần đạm sữa bò nhưng được làm với sữa như bánh quy, bánh bông lan, pudding,... Do đó ba mẹ cũng cần lưu ý, tránh cho trẻ sử dụng.
Đối với những bé không thích uống sữa công thức thì có thể khuyến khích bé ăn dặm nhiều hơn. Điều cần lưu ý là dị ứng đạm sữa bò chỉ mang tính chất tạm thời và có thể sẽ chấm dứt khi trẻ được 1 - 3 tuổi. Từ 1 tuổi trở lên hoặc tùy theo tình hình sức khỏe có thể cân nhắc cho trẻ ăn dặm lại các sản phẩm dinh dưỡng có chứa đạm sữa bò. Nếu không có triệu chứng nào xảy ra, trẻ có thể ăn chế độ ăn bình thường gồm sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò.
Cách phòng tránh dị ứng đạm sữa bò cho trẻ
Hiện nay, cách tốt nhất để ngăn ngừa dị ứng đạm sữa bò là cho trẻ bú sữa mẹ. Vì sữa mẹ là cách an toàn nhất để bảo vệ trẻ khỏi các trường hợp dị ứng thức ăn có thể xảy ra, các protein từ sữa mẹ làm cho trẻ dung nạp tốt nhất và chứa các thành phần bảo vệ hệ tiêu hóa non nớt của trẻ khỏi các nguồn protein lạ.
Dành cho các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ và bé thuộc nhóm dị ứng cơ địa, mẹ nên cho bé sử dụng sữa có đạm sữa bò thủy phân hoàn toàn hoặc sữa công thức có axit amin để giảm thiểu tình trạng dị ứng với đạm sữa.
![Làm gì khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò đối với cả mẹ và bé 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/lam_gi_khi_tre_bi_di_ung_dam_sua_bo_doi_voi_ca_me_va_be_3_dcf94f77b7.jpeg)
Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất là 6 tháng đầu đời là cách tốt nhất để phòng ngừa dị ứng đạm sữa bò và tốt cho sự phát triển của trẻ. Vậy nên làm gì khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò? Nếu bé có các triệu chứng dị ứng với đạm sữa bò thì phụ huynh nên đưa trẻ đi bệnh viện để khám và xét nghiệm. Các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị và chăm sóc an toàn cho trẻ.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp