Người tiểu đường bị hạ đường huyết và cách điều trị
Đối phó với tình trạng đường huyết tăng cao khi mắc tiểu đường đã là thách thức không hề nhỏ với bạn. Vậy người tiểu đường bị hạ đường huyết nên làm gì?
Hạ đường huyết là gì?
Hạ đường huyết là khi nồng độ đường (glucose) trong máu giảm xuống dưới 3.9 mmol/l (70 mg/dl). Ở người bệnh tiểu đường, hạ đường huyết là một biến chứng cấp tính nguy hiểm rất khó đoán. Nếu không thể phát hiện và xử lý kịp thời, hạ đường huyết sẽ là trở thành mối đe dọa không nhỏ tới tính mạng.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết?
Hạ đường huyết có thể là phản ứng phụ khi sử dụng insulin hoặc các loại thuốc uống hạ đường huyết khác để kích thích cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn. Hai nhóm thuốc làm tăng nguy cơ hạ đường huyết ở người tiểu đường là sulfonylureas (amaryl) và glinides (meglitinides).
Ngoài ra, một số yếu tố sau đây cũng góp phần làm tăng nguy cơ người tiểu đường bị hạ đường huyết như:
- Năng lượng không đủ so với nhu cầu: Là khi cơ thể cần năng lượng nhưng không có đủ, ví dụ bạn ăn ít hơn bình thường, bỏ qua bữa ăn hoặc tập thể dục nhiều hơn.
- Kiêng hoàn toàn tinh bột, đường: Một số người bệnh có chế độ ăn kiêng quá khắt khe, không sử dụng thực phẩm có tinh bột, đường sẽ khiến đường huyết hạ xuống rất thấp
- Sử dụng rượu - đồ uống có cồn có xu hướng làm hạ lượng đường trong máu
- Đang bị ốm bệnh: Có thể làm chỉ số đường huyết lên xuống thất thường, tăng hoặc giảm.
Triệu chứng hạ đường huyết?
Bạn có thể gặp một vài hoặc tất cả các dấu hiệu người tiểu đường bị hạ đường huyết sau đây:
- Choáng váng, xây xẩm mặt mày
- Đói lả
- Đổ mồ hôi
- Tim đập loạn nhịp
- Khó tập trung, dễ cáu gắt
- Mệt mỏi
- Mờ mắt
- Mất ý thức tạm thời
- Co giật
- Hôn mê
Hầu hết mọi người đều có một số cảnh báo trước khi bệnh hạ đường huyết xảy ra. Nhưng đối với một số người tiểu đường bị hạ đường huyết có thể gây ra rất ít hoặc không có triệu chứng cảnh báo trước, cho đến khi bất tỉnh đột ngột hoặc sốt co giật.
Phòng ngừa hạ đường huyết ở người tiểu đường
Hiểu rõ các nguyên người tiểu đường bị hạ đường huyết có thể giúp bạn dự phòng biến chứng này:
- Làm quen với các triệu chứng cảnh báo hạ đường huyết. Nhận ra các dấu hiệu để điều trị một cách nhanh chóng. Khi nghi ngờ, hãy đo đường huyết ngay.
- Luôn mang theo một vài viên kẹo ngọt, bánh quy… bên mình để phòng khi hạ đường huyết cần dùng tới.
- Đo đường huyết thường xuyên, ít nhất 3 lần trong ngày: ngay khi ngủ dậy, sau khi ăn 2h và trước khi đi ngủ. Nếu đường huyết trước khi đi ngủ thấp hơn 8 mmol/l, hãy ăn một bữa ăn nhẹ (chẳng hạn như một miếng trái cây).
- Thực hiện theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng và duy trì thói quen ăn uống thường xuyên. Một số người thường có triệu chứng hạ đường huyết khi đói tức là ngay trước khi một bữa ăn chính. Để tránh điều này, bạn nên ăn đồ ăn nhẹ (chẳng hạn như một miếng trái cây) để ổn định nồng độ đường trong máu.
- Cẩn thận khi tập thể dục: tập thể dục làm giảm nồng độ glucose trong máu. Do đó, bạn có thể ăn nhẹ trước và sau khi tập.
- Rượu làm giảm lượng đường trong máu giống như insulin nên bạn cần hạn chế đồ uống có cồn trước khi đi ngủ.
Người bệnh tiểu đường bị hạ đường huyết thường xuyên sẽ rất nguy hiểm, bởi não bộ luôn trong tình trạng không đủ năng lượng hoạt động. Vì vậy, khi bị hạ đường huyết, điều quan trọng là bạn cần xem xét lại kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường, tham khảo ý kiến của chuyên gia để được tư vấn giải pháp phòng ngừa dài hạn.
Thu Hà