Viêm khớp xoay vai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Vậy nguyên nhân, triệu chứng cũng như các biện pháp điều trị viêm khớp xoay vai là gì? Để cùng tìm hiểu về vấn đề này, bạn hãy theo dõi nội dung dưới bài viết sau.
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp xoay vai
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương tại gân cơ chóp xoay, trong đó có thể kể đến như do thiếu máu nuôi gân, thoái hóa gân, sử dụng khớp vai quá mức. Ngoài ra, sự chấn thương ở vùng vai cũng có thể gây ra tình trạng viêm. Điển hình như việc chống tay khi té ngã hay ngã đè lên tay sẽ gây rách gân cơ hoặc đụng dập chóp xoay. Trong một số trường hợp nhất định, viêm khớp xoay vai có thể không tìm rõ được nguyên nhân cụ thể.
Đối tượng có nguy cơ bị viêm khớp xoay vai
Viêm khớp xoay vai thường xảy ra tại một số nhóm đối tượng như:
- Người lớn tuổi, đặc biệt là những người trên 40 tuổi.
- Người thường xuyên hoạt động cánh tay như thợ sơn, thợ mộc hay chơi các bộ môn thể thao như cầu lông, bóng chày.
- Người mà tiền sử gia đình đã bị chấn thương từ trước.
Triệu chứng thường gặp của viêm khớp xoay vai
Thời gian đầu, triệu chứng của viêm khớp xoay vai thường khá nhẹ nên bệnh nhân thường chủ quan và không chủ động trong việc điều trị. Một số triệu chứng điển hình mà bệnh nhân có thể gặp phải là:
- Xuất hiện những cơn đau ở mức độ nhẹ ngay cả khi nghỉ ngơi lẫn hoạt động.
- Đau nhức và sưng viêm khớp ở phía trước ở trên khớp vai.
- Xuất hiện những cơn đau lan từ phía trước của khớp vai xuống mặt ngoài ở cánh tay.
- Xuất hiện những cơn đau đột ngột khi nâng cánh tay hoặc chạm vào vùng vai.
- Có tiếng kêu lách tách mỗi khi hoạt động khớp vai.
Khi không chủ động điều trị kịp thời, tình trạng bệnh lý sẽ tiến triển ngày càng nặng hơn. Lúc này, bệnh nhân sẽ gặp phải một số triệu chứng như xuất hiện các cơn đau về đêm khiến cho bệnh nhân bị mất ngủ, giảm tầm vận động của cánh tay, yếu cơ. bên cạnh đó, người bệnh còn gặp những bất tiện và khó khăn khi thực hiện những hoạt động sinh hoạt hàng ngày như mặc quần áo, chải tóc…
Phương pháp điều trị viêm khớp xoay vai
Để điều trị viêm khớp xoay vai, bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp điều trị như sau:
Điều trị không can thiệp phẫu thuật
Một số phương pháp điều trị không can thiệp đến phẫu thuật phải kể đến như:
- Nghỉ ngơi hợp lý: Bệnh nhân nên dành thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế những hoạt động gây ảnh hưởng đến vai như giơ tay cao quá đầu khi làm việc hay chơi thể thao.
- Sử dụng các loại thuốc chống viêm, giảm đau không Steroid.
- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu nhằm tăng cường sức mạnh cho khớp vai, tăng cường khả năng vận động.
- Tiêm corticoid: Corticoid có tác dụng chống viêm tại chỗ nhưng có thể khiến cho bệnh nhân gặp phải những tác dụng không mong muốn. Để việc tiêm thuốc corticoid mang lại hiệu quả cao và không gây ra nhiều vấn đề biến chứng, yêu cầu bác sĩ thực hiện phải có chuyên môn và kinh nghiệm.
- Điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu: Đây là phương pháp được đánh giá khá an toàn do sử dụng máu tự thân, nhờ vậy mà giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh và tránh trường hợp không tương thích. Không chỉ vậy, phương pháp này còn giúp kích thích sự phục hồi của những tế bào mô bị thương tổn, tái tạo lại chức năng hoạt động của khớp vai, điều trị đau chóp xoay khớp vai hiệu quả.
Điều trị viêm khớp xoay vai bằng phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị không phẫu thuật như trên đem lại hiệu quả không cao, các bác sĩ sẽ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật nhằm điều trị viêm khớp xoay vai. Theo đó, việc phẫu thuật sẽ có tác dụng làm rộng phần khoang dưới mỏm ở cùng vai. Khi ấy, bác sĩ sẽ lấy bó túi hoạt dịch viêm và tạo hình mõm cùng vai. Đây được gọi là phẫu thuật giải chèn ép, được thực hiện bằng cách nội soi khớp vai hoặc mổ hở.
Nội soi khớp vai: Bằng việc sử dụng các loại dụng cụ chuyên biệt, bác sĩ sẽ thông qua những đường mổ chỉ khoảng vài milimet để thực hiện việc thăm khám cũng như đánh giá được những sự thương tổn ở trong khớp vai. Tiếp theo đó, bác sĩ sẽ bỏ túi hoạt dịch và mài bỏ phần gai xương. Một số thương tổn khác như rách một phần chóp xoay, viêm gân cơ nhị đầu… cũng sẽ được khắc phục thông qua việc thực hiện phẫu thuật này.
Mổ hở khớp vai: Bác sĩ sẽ rạch mở một đường mổ ở phía trước của khớp vai để xử lý những thương tổn một cách trực tiếp.
Theo đó, đa số những trường hợp điều trị viêm khớp xoay vai bằng phẫu thuật nên cần đến khoảng thời gian từ 2 đến 4 tháng để phục hồi. Tại những tuần đầu tiên sau khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần đeo thêm một chiếc địu nhằm giảm căng thẳng và áp lực cho phần khớp vai. Khi nhận thấy vai hết đau, bệnh nhân có thể thực hiện những bài tập co duỗi hoặc các bài tập khác theo sự chỉ định của các bác sĩ.
Những đặc điểm của viêm khớp xoay vai đã được cung cấp đầy đủ thông qua bài viết trên. Hy vọng với nguồn thông tin hữu ích này, bạn sẽ vận dụng vào thực tế để điều trị bệnh lý của mình nhé.
Lê Hồng
Nguồn tham khảo: Tổng hợp