Không dung nạp nhiệt là gì? Điều trị như thế nào?
Người bệnh không dung nạp nhiệt thường xuất hiện những phản ứng bất thường đối với nhiệt độ bên ngoài như: Đổ mồ hôi, lo lắng,... Không dung nạp nhiệt không phải là một căn bệnh nhưng lại là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm mà người bệnh không thể bỏ qua! Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị triệu chứng này nhé!
Không dung nạp nhiệt là gì?
Không dung nạp nhiệt là triệu chứng chung để chỉ những phản ứng bất thường với sự chênh lệch nhiệt độ. Người mắc phải tình trạng này thường trở nên mẫn cảm với nhiệt độ quá cao, đặc biệt là trong ngày hè nóng bức.
Thông thường, khi nhiệt độ bên ngoài tăng lên đột ngột, cơ thể sẽ tự điều chỉnh nhiệt độ bằng cách duy trì sự cân bằng giữa nóng và lạnh. Lúc này, vùng dưới đồi chính là cơ quan chỉ huy quan trọng giúp não bộ phát đi tín hiệu hạ nhiệt độ của cơ thể xuống qua dây thần kinh. Nhờ đó mà con người có cơ chế tiết mồ hôi vào mùa hè.
Tuy nhiên, với những người không thể dung nạp nhiệt, việc điều chỉnh nhiệt độ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), không chịu được nhiệt có mối quan hệ mật thiết với các bệnh lý liên quan đến nhiệt. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, tình trạng đột quỵ do nhiệt đã gây ra hơn 600 ca tử vong mỗi năm.
Triệu chứng không dung nạp nhiệt
Tùy vào thể trạng của mỗi người bệnh và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mà mỗi người lại có nhiều cảm nhận khác nhau về chứng không dung nạp nhiệt. Tuy nhiên, các triệu chứng chủ yếu bao gồm:
- Cảm thấy rất nóng ở nhiệt độ ấm vừa phải.
- Mồ hôi ra nhiều hơn bình thường.
- Không đổ mồ hôi khi nóng.
- Kiệt sức và mệt mỏi khi thời tiết ấm áp.
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao bất thường.
- Thay đổi tâm trạng khi quá nóng.
Với những người mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh đa xơ cứng, các triệu chứng bệnh có thể xấu đi khi nắng nóng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, họ còn có thể cảm thấy đau đầu, chóng mặt, yếu sức, chuột rút, buồn nôn và nhịp tim tăng lên nhanh hơn.
Nguyên nhân không dung nạp nhiệt
Trên thực tế, người không chịu được nhiệt thường bắt nguồn từ chứng rối loạn chuyển hóa máu, ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ. Dưới đây là một số điều kiện làm tăng tỷ lệ rối loạn chức năng chuyển hóa, trong đó có phản ứng của cơ thể với nhiệt độ:
- Bệnh tiểu đường;
- Rối loạn sử dụng rượu;
- Bệnh Parkinson;
- Hội chứng Guillain Barre;
- Bệnh ti thể.
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, một số lý do sau cũng có thể gây ra cảm giác khó dung nạp nhiệt độ:
- Độ tuổi: Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn tuổi thường nhạy cảm hơn với nhiệt. Ở người già, việc khó dung nạp nhiệt độ có thể gây đột quỵ.
- Sử dụng thuốc: Thuốc kháng cholinergic dùng để điều trị nhiều bệnh tâm thần và bệnh Parkinson có thể làm gián đoạn quá trình tiết mồ hôi và tăng nhạy cảm với nhiệt độ. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý về vấn đề này khi uống thuốc dị ứng, huyết áp và thuốc thông mũi.
- Rối loạn xử lý cảm giác: Căn bệnh này khiến người bệnh bị rối loạn về cảm nhận của giác quan.
- Bệnh đa xơ cứng: Ảnh hưởng đến chức năng của lớp vỏ bảo vệ hoặc myelin của các dây thần kinh trong hệ thần kinh trung ương.
- Các vấn đề về hệ thống nội tiết: Khi mắc bệnh cường giáp hoặc bệnh Graves, tuyến giáp sẽ sản sinh ra một lượng lớn hormone thyroxine. Sự dư thừa hormone khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể tăng lên, dẫn đến nhiệt độ cơ thể cao hơn bất thường.
Làm sao để điều trị tình trạng không dung nạp nhiệt?
Để cải thiện chứng không dung nạp nhiệt, các bác sĩ cần tập trung điều trị dứt điểm các bệnh lý tiềm ẩn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản sau để tăng khả năng chịu nhiệt của bản thân. Đó là:
- Tránh làm việc và hoạt động dưới ánh nắng trực tiếp, đặc biệt là khi trời nắng.
- Ở trong môi trường mát mẻ.
- Uống đủ 2 lít nước/ngày.
- Mặc quần áo rộng rãi, sáng màu, được làm từ các loại vải thoáng khí như: Cotton, lụa,... để làm mát cơ thể.
- Tắm nước mát, tắm bồn hoặc bơi trong hồ bơi.
- Hạn chế xông hơi.
- Không ngồi trước quạt hoặc dưới máy lạnh khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
- Kiểm soát nghiêm ngặt lượng đường trong máu.
- Tránh sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn như: Cà phê, rượu, bia,...
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
- Nghỉ ngơi khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như: Buồn nôn, chóng mặt, ngất xỉu, chuột rút, đau đầu,...
Không dung nạp nhiệt chính là dấu hiệu báo hiệu sức khỏe tổng thể của bạn đang bị giảm sút nghiêm trọng. Vì vậy, bạn hãy thăm khám định kỳ để đảm bảo sức khỏe luôn ổn định nhé!