Hỏi đáp về bệnh thủy đậu và cách chữa trị
Mặc dù thủy đậu không phải là căn bệnh quá xa lạ, nhưng có rất nhiều người vẫn còn thắc mắc về phương pháp và quá trình chữa trị cũng như cách phòng ngừa căn bệnh này như thế nào. Dưới đây sẽ là một số hỏi đáp về thủy đậu phổ biến được nhiều người quan tâm.
1. Vệ sinh cơ thể trong thời gian bị thủy đậu như thế nào
![Hỏi đáp về bệnh thủy đậu và cách chữa trị 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_dap_ve_thuy_dau_va_cach_chua_tri_1_b2fb961647.jpg)
Có rất nhiều người nghĩ rằng, khi bị bệnh thủy đậu thì người bệnh phải kiêng nước, kiêng gió, và mặc kín. Nhưng đây hoàn toàn là một suy nghĩ sai lầm, vì khi không sử dụng nước để vệ sinh cơ thể cũng như mặc đồ quá kín sẽ khiến người bệnh đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em có thể xảy ra nhiễm trùng huyết nếu không được vệ sinh đúng cách.
Trong thời gian mắc bệnh, người bệnh nên chú ý vệ sinh sạch sẽ cơ thể bằng nước ấm, tuy nhiên không nên tắm rửa quá lâu. Đối với trẻ em, nên cắt sạch móng tay, hoặc đeo bao tay để trẻ không thể tự cào vỡ các nốt phỏng khiến chúng lây lan sang những vùng da khác. Sau khi vệ sinh sạch sẽ, người bệnh nên mặc những trang phục rộng và thoải mái, và nghỉ ngơi ở những nơi thoáng mát, sạch sẽ không có nắng gắt và gió lộng. Bên cạnh đó, người bệnh nên thường xuyên bôi thuốc do các bác sĩ chỉ định lên những vùng da có xuất hiện nốt thủy đậu trên cơ thể.
2. Bệnh thủy đậu lây lan qua đường nào
Giống như bệnh sởi, thủy đậu cũng là căn bệnh gây ra bởi virus vì thế đường lây lan chủ yếu của căn bệnh này là thông qua đường hô hấp hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh. Do có thể lây lan nhanh chóng vì những nguyên nhân đơn giản, thủy đậu rất dễ dàng bùng phát và trở thành căn bệnh khó kiểm soát.
![Hỏi đáp về bệnh thủy đậu và cách chữa trị 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_dap_ve_thuy_dau_va_cach_chua_tri_2_691c96a362.jpg)
Để phòng tránh bệnh thủy đậu, tuyệt đối không nên sử dụng chung những vật dụng cá nhân như quần áo, khăn mặt, khăn tắm với người bệnh. Người bệnh cũng nên hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, hạn chế ho, hắt hơi ở những nơi đông người. Ngoài ra, khi mắc bệnh, người bệnh không nên gãi vào những lên những vùng da có nốt phỏng, vì lúc này dịch sẽ chảy ra có thể vô tình dây vào những người khác khiến virus thủy đậu phát tán.
3. Sau khi bị thủy đậu có bị để lại sẹo hay không
Khi mắc bệnh, có một thời điểm, các nốt phỏng nổi trên khắp cơ thể, từ tay, chân, vùng bụng, da đầu, khiến cho người bệnh có cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Mọc hàng loạt các nốt phỏng như vậy khiến người bệnh lo lắng về việc cơ thể sau khi khỏi bệnh có bị để lại sẹo hay không. Thông thường, sau 1 tuần thì những nốt phỏng trên cơ thể sẽ tự bong vảy và gần như không để lại sẹo. Thế nhưng, có rất nhiều người khó chịu vì ngứa nên đã làm vỡ các phỏng nước, gây nhiễm khuẩn và để lại những vết sẹo lõm trên cơ thể.
Vậy làm thế nào để không để lại sẹo sau khi bị thủy đậu? Cách duy nhất để không rơi vào trường hợp này chính là không gãi, chà xát khiến các phỏng nước bị vỡ và nhiễm khuẩn. Khi cơ thể bạn quá khó chịu và ngứa, người bệnh nên tới gặp bác sĩ để được khám và kê đơn thuốc phù hợp. Nếu khi hết bệnh mà trên cơ thể vẫn có những vết sẹo mờ, người bệnh có thể áp dụng một phương pháp dân gian chính là sử dụng nghệ, bôi lên những vị trí xuất hiện nốt phỏng trước đó, sau một thời gian sẽ giúp làm da trở lại mịn màng như ban đầu.
![Hỏi đáp về bệnh thủy đậu và cách chữa trị 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_dap_ve_thuy_dau_va_cach_chua_tri_3_d0b8ff06ee.jpg)
Uyên