Hội chứng Wellen là gì? Nguyên nhân và triệu chứng gặp trong hội chứng Wellen
Hội chứng Wellen được xem là giai đoạn tiền nhồi máu cơ tim. Vì vậy mà việc nhận biết các triệu chứng của hội chứng này có ý nghĩa quan trọng, giúp bạn phòng ngừa được những biến chứng tim mạch nguy hiểm. Vậy nguyên nhân, triệu chứng thường gặp trong hội chứng Wellen là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết sau đây.
Hội chứng Wellen là gì?
Hội chứng Wellen lần đầu tiên được mô tả bởi Zwaan cùng cộng sự vào năm 1982 khi nhóm này nhận thấy một biểu hiện đặc biệt ở những người bệnh bị đau thắt ngực không ổn định và có nguy cơ cao tiến triển thành nhồi máu cơ tim thành trước. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, biểu hiện ECG đặc biệt này hiện diện ở 18% bệnh nhân nhập viện do cơn đau thắt ngực không ổn định, 75% bệnh nhân đã không can thiệp động mạch vành qua da và đã tiến triển thành nhồi máu cơ tim cấp thành trước trong vài ngày tới vài tuần sau khi nhập viện.
Một nghiên cứu tiền cứu lớn hơn sau đó cũng của nhóm tác giả này công bố vào năm 1989 cho thấy rằng hội chứng Wellen có ở 14% bệnh nhân nhập viện vì cơn đau thắt ngực không ổn định. Trong cả 2 nghiên cứu, tất cả bệnh nhân có chụp mạch vành cho thấy có sự tắc nghẽn đoạn gần động mạch liên thất trước (LAD), trong khi xét nghiệm men tim bình thường hoặc chỉ tăng nhẹ.
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng biểu hiện ECG của hội chứng Wellen báo hiệu một nhóm bệnh nhân nguy cơ cao, ở giai đoạn sớm của nhồi máu cơ tim cấp do hẹp động mạch liên thất trước. Động mạch này cung cấp máu cho thành trước của tim, gồm hai tâm thất và phần trước của vách liên thất. Tắc nghẽn động mạch liên thất trước nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới rối loạn chức năng thất trái, nguy cơ cao dẫn tới xung huyết tim, thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân của hội chứng Wellen
Hội chứng Wellen được xem như giai đoạn tiền nhồi máu cơ tim. Chính vì vậy, nguyên nhân của hội chứng Wellen cũng là những nguyên nhân gây bệnh mạch vành, bao gồm:
- Xơ vữa động mạch vành.
- Co thắt động mạch vành.
- Tăng nhu cầu oxy cơ tim.
- Giảm oxy máu toàn thân.
Các yếu tố nguy cơ gây hội chứng Wellen cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành, bao gồm:
- Tiền sử hút thuốc lá nhiều.
- Mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, rối loạn lipid máu.
- Tuổi cao.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tim mạch sớm.
- Tâm lý căng thẳng, lo lắng, stress kéo dài.
Các thể lâm sàng trong hội chứng Wellen
Chuỗi các sự kiện sau đây được cho là xảy ra trên những bệnh nhân có hội chứng Wellen:
- Tắc nghẽn đột ngột động mạch liên thất trước (LAD) gây nhồi máu cơ tim thành trước thoáng qua. Người bệnh biểu hiện bằng triệu chứng đau ngực, vã mồ hôi. Giai đoạn này nhiều khi không được ghi nhận kịp trên điện tâm đồ.
- Tái tưới máu LAD. Điều này có thể do cục máu đông tự ly giải hay do dùng aspirin trước khi nhập viện. Khi đó, người bệnh hết đau ngực, ST giảm chênh lên, sóng T trở nên 2 pha hoặc sóng T đảo ngược. Hình ảnh sóng T giống hình ảnh tái tưới máu bằng PCI thành công.
- Nếu động mạch vẫn được tái thông, theo thời gian, sóng T này sẽ tiến triển từ sóng T 2 pha thành sóng T nghịch đảo sâu.
- Tuy nhiên, tình trạng tưới máu mạch vành không ổn định và động mạch liên thất trước có thể bị tắc nghẽn bất cứ lúc nào. Và nếu điều này xảy ra, sóng T sẽ chuyển từ sóng 2 pha hay sóng T nghịch đảo thành sóng T dương chiếm ưu thế. Đây là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim ST chênh lên tối cấp và thường kèm theo cơn đau thắt ngực tái phát, tuy nhiên những thay đổi trên ECG thường xuất hiện trước các triệu chứng.
- Nếu động mạch vẫn bị tắc, sẽ tiến triển thành nhồi máu cơ tim ST chênh lên thành trước.
Chuỗi sự kiện này không chỉ xảy ra ở chuyển đạo trước tim mà còn có thể thấy ở các chuyển đạo dưới hoặc thành bên.
Triệu chứng và chẩn đoán hội chứng Wellen
Các triệu chứng trên lâm sàng và ECG thường gặp ở người mắc hội chứng Wellen bao gồm:
- Cơn đau thắt ngực đang hoặc đã xảy ra gần đây: Nếu cơn đau thắt ngực diễn ra trong vài giờ vừa qua, có thể không có các dấu hiệu đặc trưng của hội chứng Wellen trên điện tâm đồ. Thời gian đau ngực càng dài, khả năng biểu hiện đặc trưng trên điện tâm đồ của hội chứng Wellen càng cao.
- Men tim bình thường hoặc chỉ tăng nhẹ: Điều này có thể gây nhầm lẫn trong chẩn đoán. Chính vì vậy, xét nghiệm men tim kết hợp với đánh giá các biểu hiện trên điện tâm đồ là vô cùng quan trọng.
- Không quan sát thấy sóng Q bệnh lý ở các chuyển đạo trước ngực.
- Không có ST chênh lên hoặc ST chênh lên ít dưới 1mm. Trong cơn đau, ST chênh lên điển hình, phù hợp với nhồi máu cơ tim thành trước. Tuy nhiên, ngoài cơn đau ngực, ST thường chênh nhẹ dưới 1mm.
- Không mất diễn tiến sóng ở các chuyển đạo trước tim. Bởi nhồi máu cơ tim thành trước vẫn chưa xảy ra, diễn tiến sóng ở các chuyển đạo trước tim vẫn hoàn toàn bình thường.
- Bất thường sóng T đặc trưng. Sự thay đổi sóng T là tiêu chuẩn chẩn đoán quan trọng nhất trong hội chứng Wellen, bao gồm 2 type: Type 1 thường gặp nhất (trong 75% trường hợp) là sóng T đảo ngược và đối xứng sâu ở V2 - V3, trong khi type ít gặp hơn (25% trường hợp) là sóng T 2 pha ở V2 - V3.
Chẩn đoán hội chứng Wellen không hề đơn giản bởi bệnh nhân thường không có triệu chứng đau ngực khi tới thăm khám, men tim có thể bình thường hoặc chỉ tăng nhẹ và những biến đổi trên điện tâm đồ không đặc hiệu. Chính vì vậy, theo dõi điện tâm đồ lặp lại nhiều lần là điều vô cùng cần thiết cho chẩn đoán. Độ nhạy, độ đặc hiệu và giá trị tiên lượng của các biểu hiện ECG trong hội chứng Wellen lần lượt là 69%, 89% và 86%.
Bên cạnh đó, để tránh chẩn đoán nhầm, trước khi kết luận hội chứng Wellen, cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác, bao gồm:
- Block nhánh phải hay phì đại thất phải.
- Bệnh thuyên tắc mạch phổi.
- Phì đại thất trái.
- Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn.
- Tăng áp lực nội sọ.
- Điện tim bình thường ở trẻ em.
- Hình ảnh sóng T đảo ngược còn tồn tại ở trẻ vị thành niên.
- Hạ Kali máu.
- Hội chứng Brugada.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng Wellen, nắm được nguyên nhân, triệu chứng thường gặp trong hội chứng Wellen, từ đó có cho mình phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Nếu như bạn còn thắc mắc nào về hội chứng này, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa. Chúc bạn nhiều sức khỏe và đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà Thuốc Hà An nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Timmachhoc.vn