Hội chứng Alzheimer: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phòng ngừa và điều trị
Hội chứng Alzheimer khiến não bộ dần mất đi khả năng điều khiển các cơ quan chức năng trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong. Cùng Nhà Thuốc Hà An theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về hội chứng này nhé!
Hội chứng Alzheimer là gì?
Hội chứng Alzheimer là một trong những dạng phổ biến gây nên tình trạng suy giảm trí nhớ với tỷ lệ lớn ở người cao tuổi. Alzheimer có sức ảnh hưởng nặng nề đến thói quen sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của những người mắc phải. Nguồn cơn của Alzheimer là sự thiếu hụt các nơron thần kinh, synap trong vỏ não cùng một số vùng dưới vỏ.
![Hội chứng Alzheimer: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phòng ngừa và điều trị 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_alzheimer_nguyen_nhan_dau_hieu_nhan_biet_phong_ngua_va_dieu_tri_1_06c025865d.jpg)
Hiện tượng này có tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới, một phần là vì phụ nữ có tuổi thọ dài hơn. Tuy nhiên chúng ta cần có sự phân biệt rõ ràng giữa Alzheimer với hiện tượng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Bởi 2 loại này đều có sự tương đồng về mức độ ảnh hưởng, cũng như biểu hiện chung của từng loại.
Các giai đoạn của hội chứng
Giai đoạn tiền lâm sàng
Đây là giai đoạn diễn ra trước khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Chính vì thế, người mắc phải hội chứng này thường không được phát hiện và chẩn đoán ở giai đoạn này. Bởi những dấu hiệu lúc này chưa thực sự rõ ràng:
- Người bệnh gặp trở ngại trong việc ghi nhớ các sự kiện vừa diễn ra không lâu.
- Suy giảm sự tập trung, khả năng chú ý.
- Khả năng nhận thức bị thiếu hụt, tuy nhiên các hành vi xã hội ít nhiều chưa có sự thay đổi.
Giai đoạn nhẹ
Ở giai đoạn này, khi các biểu hiện của bệnh nhân bắt đầu có những chuyển biến nhẹ như:
- Mức độ ảnh hưởng của việc suy giảm trí nhớ ngày càng lan rộng. Người mắc hội chứng thường xuyên phải lặp lại cuộc trò chuyện, quên vị trí hay cách sử dụng của một đồ vật nào đó.
- Gặp một chút khó khăn đối với việc diễn đạt ngôn từ trong quá trình nói chuyện. Sự lưu loát trong khi nói và viết dần bị ảnh hưởng xấu bởi tính tác động của hội chứng này.
- Một triệu chứng mà người bệnh thường dễ bỏ qua trong tiến trình của bệnh, đó là khả năng phối hợp vận động. Điều này có thể biểu hiện thông qua hoạt động đi lại, họ dễ vấp ngã hơn lúc trước hay khó giữ thăng bằng...
Giai đoạn nặng
Khi bước sang giai đoạn nặng cũng là lúc hội chứng được phát hiện, các dấu hiệu trở nên rõ ràng, dễ nhận biết hơn:
- Vấn đề điển hình của người mắc Alzheimer trải qua giai đoạn này đó là không thể nhận ra người thân. Việc sợ tiếp xúc với các hoạt động xã hội cũng ngày càng trở nên đáng lo ngại.
- Tâm lý thay đổi thất thường: Nảy sinh cảm giác tiêu cực, dễ nóng nảy, mức độ căng thẳng kéo dài, có xu hướng phản kháng lại sự chăm sóc của người thân...
- Khả năng đọc viết dần mất đi, họ không thể nói chuyện một cách bình thường vì khó xác định ngôn từ diễn đạt.
- Một số người bệnh xuất hiện triệu chứng ảo giác và thường xuyên đi lang thang.
![Hội chứng Alzheimer: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phòng ngừa và điều trị 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_alzheimer_nguyen_nhan_dau_hieu_nhan_biet_phong_ngua_va_dieu_tri_2_bfe37d1629.jpg)
Giai đoạn rất nặng
Với người mắc hội chứng Alzheimer ở giai đoạn rất nặng thì không chỉ họ mà cả người chăm sóc cũng bị ảnh hưởng theo. Chăm sóc người bị Alzheimer vô cùng khó khăn, thậm chí là đã phải trải qua những cảm xúc vô cùng căng thẳng bởi:
- Cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào những người xung quanh vì không thể vận động và sinh hoạt như thường ngày.
- Các khối cơ bị thoái hóa và có chiều hướng liệt hoàn toàn, điều này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh mất đi khả năng tự ăn uống.
- Cuối giai đoạn khả năng tử vong ngày càng cao với nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Alzheimer
Mặc dù dưới sự phát triển của y học hiện đại, thế nhưng căn nguyên của hội chứng Alzheimer vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số giả thuyết cơ bản được các chuyên gia nhận định và phân tích như sau:
- Quá trình tích tụ của amyloid beta ngoại bào và các đám rối tơ thần kinh nội bào. Chúng từ từ lan rộng và hình thành các mảng xung quanh tế bào não.
- Hoạt động của các tế bào thần kinh bị ngưng đọng do thiếu sự thúc đẩy của quá trình dẫn truyền thần kinh. Nguồn gốc dẫn đến vấn đề này được các chuyên gia giải thích là bởi tác động của quá trình lão hóa. Điều này cũng nói lên phần nào lý do tại sao Alzheimer xảy ra nhiều nhất ở người cao tuổi.
- Rối loạn quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa trong cơ thể.
Các tác nhân gia tăng nguy cơ mắc Alzheimer
Theo báo cáo thống kê năm 2019 về số lượng bệnh nhân mắc Alzheimer, khoảng 50 triệu người đang phải chịu ảnh hưởng từ căn bệnh này. Có thể thấy rằng có rất nhiều yếu tố dẫn đến một người mắc Alzheimer, không chỉ phụ thuộc vào tuổi tác. Các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài tác động đến tình trạng bệnh mà chúng ta có thể kể đến như:
- Tuổi tác: Đây là tác nhân trọng yếu gây ra nguồn cơn của bệnh, từ sau 65 tuổi thì nguy cơ mắc hội chứng Alzheimer càng cao.
- Một người cũng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng cao hơn so với những người khác nếu trong gia đình trước đó có người thân mắc Alzheimer.
- Người có tiền sử chấn thương vùng đầu hoặc rối loạn não bẩm sinh như mắc phải hội chứng Down.
- Lối sống thiếu lành mạnh cùng chế độ ăn uống không khoa học.
- Những người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp cao, lượng cholesterol trong máu cao, những người có tâm lý lo lắng, căng thẳng kéo dài thì nguy cơ chịu tác động của bệnh cũng sẽ nhiều hơn.
- Tỉ lệ mắc bệnh ở nhóm đối tượng lao động trí óc thấp hơn các nhóm khác. Nguyên nhân là bởi họ luôn ở trong môi trường thúc đẩy thực hiện các hoạt động kích thích não bộ. Trong khi đó khả năng mắc bệnh cao hơn lại ở những người ít giao tiếp xã hội, hay ở trong một môi trường làm việc giao tiếp mức độ thấp.
Phòng ngừa ảnh hưởng của hội chứng Alzheimer
Tham gia các hoạt động trí tuệ
Dành 15 - 20 phút mỗi ngày cho việc rèn luyện trí não thông qua việc thực hiện các hoạt động như: Đọc sách, chơi cờ, học ngoại ngữ, chơi nhạc cụ… Điều này góp phần gia tăng sự tập trung, giảm thiểu căng thẳng, stress khi làm việc trong môi trường áp lực kéo dài.
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Xây dựng một thực đơn gồm nhiều nhóm chất dinh dưỡng chính là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra đối với các bệnh nhân Alzheimer:
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin E bởi khả năng chống oxy hóa, chống gốc tự do của dưỡng chất này. Có thể kể đến như ngũ cốc nguyên hạt, đậu phộng, đậu tương...
- Việc tiêu thụ nhiều acid béo omega 3 có khả năng giảm sự xâm nhập của các mảng beta - amyloid lên vỏ não: Các loại dầu cá như dầu cá hồi, cá ngừ, quả óc chó tươi, rong biển.
- Tăng cường vitamin B9 và B12 trong chế độ ăn bởi khả năng hình thành DNA, duy trì tế bào thần kinh khỏe mạnh.
Duy trì giấc ngủ
Trong quá trình ngủ, não bộ sẽ tiến hành lọc các synapse nhằm giúp cho việc truyền tin trở nên dễ dàng, dọn bớt các beta amyloid để không tạo mảng vón. Chính vì thế mà việc ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày là cơ sở giúp phòng bệnh hữu hiệu. Đồng thời hãy xây dựng cho bản thân thói quen ngủ lành mạnh, thông qua việc cố định thời gian ngủ và thức dậy. Bên cạnh đó cần hạn chế sử dụng chất kích thích hay tắt các thiết bị di động trước giờ ngủ 2 tiếng...
Rèn luyện thể chất
Đối với việc giảm thiểu ảnh hưởng của Alzheimer lên cơ thể, rèn luyện thể thao cũng đóng góp một phần trọng yếu trong việc đẩy máu và oxy dồi dào lưu thông lên não. Theo phân tích của Tổ chức nghiên cứu & Phòng ngừa Alzheimer, dành 30 phút mỗi ngày tập thể dục và tối thiểu 5 ngày/tuần sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh lên đến 50%.
Giao tiếp xã hội
Khi bước vào giai đoạn tiền lâm sàng, một trong những biểu hiện dễ nhận thấy ở các bệnh nhân đó là sự cản trở các hoạt động giao tiếp. Thông qua đó, để cải thiện tình trạng của bệnh nhân hay ngăn chặn khả năng mắc Alzheimer của mỗi người, chúng ta cần thực hiện:
- Thể hiện sự quan tâm, thu hút người bệnh tham gia vào các cuộc trò chuyện.
- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để phối hợp trao đổi thông tin nhiều hơn.
- Giữ nhịp độ nói chuyện vừa phải, không lặp lại câu từ quá nhiều để người bệnh có thể bắt kịp tốc độ nói.
![Hội chứng Alzheimer: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phòng ngừa và điều trị 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_alzheimer_nguyen_nhan_dau_hieu_nhan_biet_phong_ngua_va_dieu_tri_3_05634f1b06.jpg)
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc được nghiên cứu trên thị trường hiện nay đều chưa có khả năng điều trị dứt điểm ảnh hưởng của Alzheimer. Nhưng chúng có thể làm chậm tiến trình của bệnh và cải thiện tốc độ ảnh hưởng của các triệu chứng:
- Thuốc kháng cholinesterase làm giảm tốc độ thủy phân acetylcholin ở cả synap thần kinh trung ương và ngoại vi. Hay memantine, một chất kháng thụ thể N - methyl - D - aspartate giúp đẩy mạnh dẫn truyền synap.
- Sử dụng thuốc điều trị nội khoa đồng diễn đối với các bệnh nhân có tiền sử về tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường...
- Điều trị bằng thuốc đối với các bệnh nhân gặp vấn đề tâm lý như mất ngủ hay rối loạn cảm xúc, hành vi...
- Uống vitamin E liều lượng lớn (1000 IU lần/ngày) giúp trì hoãn quá trình thoái hóa myelin.
Bài viết trên đây là những thông tin cơ bản nhất về hội chứng Alzheimer. Hy vọng rằng với những chia sẻ hữu ích này, bạn đã có thêm những kiến thức y khoa cần thiết. Đừng quên đồng hành cùng Hà An Pharmacy trong những bài viết tiếp theo nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec, Medlatec