Giải mã nguyên nhân gây ra hội chứng sợ yêu
Hội chứng sợ yêu (hay tên khoa học là Philophobia) là hội chứng tâm thần có đặc điểm nổi bật là người bệnh bị ám ảnh, lo lắng quá mức với tình yêu, bao gồm cả cả những rung cảm xuất phát từ chính bản thân người bệnh.
Hội chứng Philophobia khiến bản thân người bệnh sợ hãi khi bước vào một mối quan hệ và đôi khi còn gây ra cảm giác thiếu thốn tình thương hoặc bản thân bị cô lập với thế giới xung quanh. Theo các chuyên gia tâm lý, hội chứng sợ yêu có một vài các đặc điểm tương đồng với hội chứng rối loạn ràng buộc xã hội thiếu kiềm chế DSED.
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng sợ yêu?
Theo chuyên gia tâm lý, để tạo được một mối quan hệ vững chắc cần có đủ ba yếu tố trụ cột gồm:
- Yếu tố đầu tiên là tình yêu, sự quan tâm và sự gắn kết giữa hai người.
- Yếu tố thứ hai là sự hoà hợp trong chuyện vợ chồng.
- Yếu tố thứ ba là trách nhiệm của hai người trong mối quan hệ.
![Giải mã nguyên nhân gây ra hội chứng sợ yêu 02](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_ma_nguyen_nhan_gay_ra_hoi_chung_so_yeu_03_63253a08e1.png)
Nếu thiếu sót một trong ba yếu tố này, mối quan hệ sẽ rất dễ lung lay, đổ vỡ. Do đó, một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng sợ yêu xuất phát từ chính tâm lý lo sợ mối quan hệ thiếu một trong ba điều trên. Đặc biệt, những người từng trải qua mối quan hệ “độc hại” trong quá khứ hoặc phải chứng kiến sự đổ vỡ trong hôn nhân của cha mẹ từ nhỏ sẽ có xu hướng lo sợ quá mức. Những tổn thương tâm lý hình thành từ quá khứ này không thể kiểm soát được. Dần dần nó “ăn sâu” vào trong tâm trí và kéo dài tới hiện tại rồi gây ra những tác động tiêu cực trong tương lai.
Một nguyên nhân khác đó là sự ham vui, không muốn bị ràng buộc hay sợ phải chịu trách nhiệm đang xuất hiện ở một bộ phận người trẻ. Chính tâm lý này khiến họ không muốn bị trói buộc vào một mối quan hệ yêu đương cụ thể và nghiêm túc.
Nguyên nhân thứ ba xuất phát từ những rối loạn lo âu khiến nhiều người xuất hiện khuynh hướng ngăn cản bản thân bộc lộ các cảm xúc chân thật nhất của mình. Đồng thời không cho phép bản thân “mở cửa trái tim” đón nhận người khác bước vào cũng như bản thân dấn thân vào một mối quan hệ nào đó. Dần dà những suy nghĩ tiêu cực này trở thành tiền đề cho sự xuất hiện của hội chứng Philophobia.
Hội chứng sợ yêu có các dấu hiệu nhận biết nào?
Dấu hiệu nhận biết của hội chứng sợ yêu sẽ có sự khác biệt giữa mỗi người bệnh. Có người sẽ xuất hiện cảm giác sợ hãi hoặc hoảng sợ dữ dội, có người sẽ bị tim loạn nhịp, khó thở hoặc buồn nôn. Tuy nhiên, tựu chung lại hội chứng sợ yêu có một vài dấu hiệu nhận biết phổ biến sau đây:
- Cảm thấy không thoải mái và bị bó buộc trong một mối quan hệ nhất định.
- Không thể mở lòng và tin tưởng đối phương tuyệt đối.
- Luôn lo sợ bản thân sẽ bị tổn thương.
- Không thể quên những chuyện trong quá khứ.
![Giải mã nguyên nhân gây ra hội chứng sợ yêu 01](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_ma_nguyen_nhan_gay_ra_hoi_chung_so_yeu_01_115496c1ae.jpeg)
Hội chứng sợ yêu có thể điều trị được không?
Với những trường hợp mắc hội chứng sợ yêu thể nhẹ, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị “tự phơi nhiễm”. Tức là để người bệnh tiếp xúc dần với chính những sự kiện, địa điểm hay cảm giác hình thành nên nỗi sợ của họ. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể sẽ chỉ định sử dụng song song một vài loại thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm.
Với các trường hợp nặng hơn, các bác sĩ sẽ dành nhiều thời gian để tìm hiểu người bệnh, cũng như tư vấn các phương pháp trị liệu tâm lý. Trong đó liệu pháp Cognitive Behavioral Therapy (CBT) được đánh giá có hiệu quả cao nhất trong điều trị hội chứng Philophobia. Liệu pháp Cognitive Behavioral Therapy (CBT) sẽ tập trung tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng sợ yêu ở người bệnh. Qua đó, dần dần chuyển đổi các suy nghĩ tiêu cực thành những điều tích cực hơn.
![Giải mã nguyên nhân gây ra hội chứng sợ yêu 03](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_ma_nguyen_nhan_gay_ra_hoi_chung_so_yeu_02_3401beb0bf.jpeg)
Bên cạnh việc điều trị cùng bác sĩ tâm lý, chính người bệnh cũng phải cho mình cơ hội để tự “giải thoát” bản thân mình. Bạn cần sẵn sàng đối mặt với chính nỗi sợ hãi của mình. Tiếp đó, bạn cũng đừng mãi “ăn mày quá khứ”, đừng tự dằn vặt hay tự làm khổ bản thân mình bởi những chuyện đã qua. Hãy tự nhắc nhở bản thân mình nỗi sợ đó là câu chuyện của quá khứ và bạn cần phải sống cho hiện tại, tương lai của chính mình.
Cuối cùng, hãy thử mở cửa trái tim mình một lần nữa. Nếu nỗi sợ hãi vẫn thường trực trong bạn, hãy coi nhau là bạn bè trước, dành thời gian tìm hiểu về đối phương. Điều này cũng sẽ giúp bạn cảm nhận được tính cách của người còn lại cũng như làm chắc chắn thêm độ vững bền trong mối quan hệ của hai người.
Để có một cuộc sống thật vui vẻ, an yên và hạnh phúc, bạn đừng ngần ngại chia sẻ câu chuyện và cảm xúc của bản thân. Nếu cảm thấy chưa thể mở lòng được với ai, hãy tìm tới sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý. Suy cho cùng, ai cũng cần yêu và được yêu. Bởi tình yêu chính là “liều thuốc” giúp mỗi chúng ta trưởng thành hơn.
Hà An Pharmacy hy vọng rằng những thông tin về hội chứng sợ yêu được chia sẻ trên đây sẽ phần nào có ích cho mọi người.