Giải đáp: Bà bầu ăn rau ngổ được không và những điều cần lưu ý
Trong thời kỳ mang thai, dinh dưỡng của mẹ bầu là vấn đề luôn cần được quan tâm. Nhiều người thắc mắc mẹ bầu có ăn khoai sọ được không, có ăn được hồng xiêm hay rau ngổ được không. Trong bài viết này, gia đình sẽ tìm hiểu kỹ xem bà bầu ăn rau ngổ được không để xây dựng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho phù hợp.
Tổng quan về rau ngổ
Rau ngổ là loại cây thân thảo, mềm xốp, bên trong chứa nhiều nước, nhiều nhánh nhỏ, lá có hình răng cưa, chủ yếu mọc ở vùng ao hồ. Các tên khác của loại cây này bao gồm ngổ trâu, ngổ thơm…. Rau ngổ có tên khoa học là Enydra fluctuans lour.
![Giải đáp thắc mắc: Bà bầu ăn rau ngổ được không và những điều cần lưu ý 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Giai_dap_thac_mac_bau_an_rau_ngo_duoc_khong_va_nhung_dieu_can_luu_y_1_0975945573.jpg)
Rau ngổ chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau: 93% nước, 2.1% protein, vitamin B và vitamin C, tinh dầu thơm và caroten. Đây là một loại cây gia vị có thể ăn sống. Ngoài ra, rau ngổ còn được coi là vị thuốc trong Đông Y vì chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Bộ phận được sử dụng nhiều nhất của cây là lá non.
Những công dụng của rau ngổ đối với sức khỏe
Các hợp chất phân lập và chiết xuất thô của rau ngổ có các hoạt tính dược lý như chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn, tẩy giun và chống tiêu chảy… Ngoài ra, trong rau ngổ còn chứa tinh dầu, flavonoid, isoflavone glycoside, steroid… có khả năng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Giải độc, thanh nhiệt.
- Sát trùng đường tiêu hóa.
- Phòng ngừa và chống lão hóa.
- Lợi tiểu.
- Ngăn ngừa ung thư.
- Hỗ trợ điều trị viêm kết mạc, sỏi thận, đau bụng, gan nhiễm mỡ, thủy đậu…
![Giải đáp thắc mắc: Bà bầu ăn rau ngổ được không và những điều cần lưu ý 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Giai_dap_thac_mac_bau_an_rau_ngo_duoc_khong_va_nhung_dieu_can_luu_y_2_335a2a9dca.jpg)
Mẹ bầu ăn rau ngổ được không?
Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ, phụ nữ sau sinh ăn rau ngổ sẽ tốt hơn trong khi mang thai vì loại rau này có tác dụng chống băng huyết đồng thời tăng tiết sữa.
Trên thực tế, phụ nữ mang thai vẫn có thể ăn rau ngổ, nhưng nên ăn với lượng vừa phải, ít nhất có thể (mỗi lần tối đa 10g) và không nên dùng quá thường xuyên. Đặc biệt với các mẹ bầu có thể trạng yếu, thai IVF hay từng có tiền sử sảy thai, dọa sảy, sinh non thì khuyến khích không được dùng.
![Giải đáp thắc mắc: Bà bầu ăn rau ngổ được không và những điều cần lưu ý 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_dap_ba_bau_an_rau_ngo_duoc_khong_va_nhung_dieu_can_luu_y_1_400f7247c0.jpg)
Một số rủi ro về sức khỏe khi bầu ăn quá nhiều rau ngổ
Mẹ bầu chỉ nên thêm một lượng nhỏ rau ngổ khi chế biến các món ăn để giảm bớt cảm giác “nhớ vị”, tuyệt đối không nên vì ngon miệng mà dùng quá mức an toàn nhằm chủ động phòng chống một số rủi ro sức khỏe dưới đây:
- Tăng nguy cơ sảy thai: Chúng ta biết rằng rau ngổ có đặc tính sinh trưởng trong môi trường ruộng nước, vũng lầy nên nguy cơ nhiễm sán, nhiễm khuẩn khá cao. Chính vì vậy, nếu mẹ bầu tiêu thụ loại rau này với liều lượng cao (nhất là ăn sống trực tiếp) có thể sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi, thậm chí làm tăng nguy cơ sảy thai.
- Dễ bị rối loạn tiêu hóa: Phụ nữ mang thai thường được xếp vào nhóm đối tượng có hệ tiêu hóa khá nhạy cảm nên lựa chọn thực phẩm và chế biến luôn cần tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Theo đó, các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến cáo cần phải ăn chín uống sôi, tránh ăn quá nhiều các loại rau sống như rau ngổ để tránh bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài.
- Gây dị ứng: Nếu quan sát kĩ, các mẹ sẽ nhận thấy phần thân của rau ngổ tập trung khá nhiều lông tơ – đây được xem như một trong những yếu tố gây ngứa ngáy, dị ứng nghiêm trọng. Vì vậy, nếu mẹ bầu bị dị ứng thì nên cẩn thận khi dùng loại thảo mộc này để hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của bản thân và thai nhi.
![Giải đáp thắc mắc: Bà bầu ăn rau ngổ được không và những điều cần lưu ý 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Giai_dap_thac_mac_bau_an_rau_ngo_duoc_khong_va_nhung_dieu_can_luu_y_4_b0840df26e.jpg)
Mẹ bầu ăn rau ngổ cần lưu ý những điều gì?
Bên cạnh việc cân đối hàm lượng rau ngổ trong khẩu phần ăn hàng ngày, mẹ bầu cần tuân thủ những lưu ý an toàn dưới đây khi sử dụng rau ngổ:
- Ngâm và rửa sạch kỹ lưỡng: Sau khi đã chọn mua rau ngổ tươi, nguồn gốc rõ ràng cần ngâm và rửa rau trong nước muối pha loãng khoảng 20 - 30 phút để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, giun sán, lớp lông tơ bám trên thân nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Nấu chín trước khi ăn: Theo trên, thực phẩm nấu chín là lựa chọn tốt nhất cho phụ nữ mang thai, vì vậy phương pháp nấu chín cũng được khuyến khích với rau ngổ.
- Dừng ăn rau ngổ khi sức khỏe có dấu hiệu bất thường: Khi sử dụng thực phẩm trong thời kỳ mang thai, hãy lưu ý luôn theo dõi tình trạng sức khỏe và để ý những dấu hiệu bất thường để nhanh chóng điều chỉnh thực đơn cho phù hợp. Do đó, nếu thấy mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa thì nên ngưng sử dụng rau ngổ và thăm khám bác sĩ chuyên môn.
Gợi ý một số cách nấu rau ngổ tốt cho bà bầu
Phụ nữ mang thai nên tránh ăn quá nhiều rau ngổ, chỉ nên ăn một lượng ít và đã nấu chín. Mẹ bầu có thể ăn rau ngổ theo một trong những cách sau:
Lươn om rau ngổ
Lươn cung cấp hàm lượng photpho lý tưởng cho mẹ bầu, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu khoáng chất trong thai kỳ. Lươn om rau ngổ có mùi vị thơm ngon mẹ bầu không thể bỏ qua.
Các bước tiến hành như sau:
- Bước 1: Lươn làm sạch rồi rửa qua giấm và nước muối để bớt mùi tanh và sạch nhớt. Tiếp theo, cắt lươn thành từng miếng nhỏ rồi ướp với nước mắm và hạt nêm trong khoảng 30 phút. Ngổ cắt bỏ rễ, rửa sạch rồi ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 phút. Sau đó vớt ra để ráo, thái nhỏ. Sả rửa sạch, băm nhỏ.
- Bước 2: Cho sả và ớt vào chiên vàng.
- Bước 3: Tiếp theo cho nước cốt dừa và lươn vào nồi đun trên lửa nhỏ khoảng 15 phút thì tắt bếp.
- Bước 4: Lấy một chiếc nồi khác, xếp rau mùi vào đáy nồi. Sau đó cho lươn vào, đun khoảng 5 phút rồi tắt bếp.
- Bước 5: Thưởng thức thành phẩm.
Chân giò giả cầy
Giò heo rất tốt cho mẹ bầu vì vừa cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết, vừa giúp mẹ tăng tiết sữa. Cách làm cũng rất đơn giản và không tốn nhiều thời gian.
Các bước tiến hành như sau.
- Bước 1: Nướng sơ chân giò heo rồi ướp với ớt bột, tương ớt, đường, hạt nêm, mắm tôm, riềng trong khoảng 1 tiếng. Ngổ rửa sạch, ngâm nước muối loãng 5 phút, vớt ra, thái nhỏ.
- Bước 2: Cho chân giò đã ướp vào xào.
- Bước 3: Tiếp theo, cho nước dừa vào ninh trong khoảng 2 tiếng.
- Bước 4: Nêm gia vị vừa ăn rồi cho rau ngổ vào đun thêm 3 phút nữa thì tắt bếp.
- Bước 5: Thưởng thức thành phẩm.
Cháo lươn
Cháo lươn rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu nên có thể cho thêm rau ngổ vào cháo để giảm bớt mùi tanh và cải thiện mùi vị. Mẹ bầu có thể đưa cháo lươn vào thực đơn hàng tuần để tăng cường và nâng cao sức khỏe trong thai kỳ.
Các bước tiến hành như sau.
- Bước 1: Lươn rửa sạch với muối, luộc sơ qua, lọc bỏ xương. Gạo rang vàng và nấu thành cháo. Hành tím bóc vỏ và cắt lát mỏng. Ngổ rửa sạch, ngâm nước muối loãng 5 phút rồi thái nhỏ. Đậu phụ rửa sạch và cắt miếng vừa ăn.
- Bước 2: Chiên đậu phụ.
- Bước 3: Cho dầu ăn vào chảo, đợi dầu sôi thì cho hành tím vào phi vàng, sau đó cho thịt lươn, nước mắm và hạt nêm vào đảo nhẹ, tắt bếp.
- Bước 4: Đợi cháo chín thì cho lươn, đậu phụ chiên và rau ngổ vào nấu thêm 3 phút là có thể thưởng thức.
Bí đỏ xào rau ngổ
Bí ngô chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin rất tốt cho mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Nếu không có rau ngổ thì món ăn sẽ không được ngon và trọn vị.
Các bước tiến hành như sau:
- Bước 1: Bí đỏ gọt vỏ, bỏ hạt, rửa sạch và cắt thành miếng vừa ăn. Ngổ rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng khoảng 5 phút rồi cắt nhỏ. Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
- Bước 2: Xào bí đỏ với rau ngổ, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
- Bước 3: Thưởng thức thành phẩm.
Mang thai là một hành trình thú vị. Sự xuất hiện của thiên thần nhỏ làm thay đổi cuộc sống của người mẹ, kể cả việc ăn uống. Mẹ bầu không chỉ ăn cho bản thân mà còn cho con. Do đó, mọi thứ mẹ bầu ăn đều phải bổ dưỡng và được lựa chọn cẩn thận. Vì vậy, không chỉ vấn đề mẹ bầu ăn rau ngổ được không mà với các loại thực phẩm khác cũng cần được tìm hiểu kỹ lưỡng. Chỉ khi đó, mẹ bầu mới có thể lên một thực đơn một cách khoa học, ngon miệng giúp có một thai kỳ khỏe mạnh.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp