Nấm họng thực quản và những điều cần biết
Nấm họng thực quản là tên bệnh còn khá xa lạ với một số người, đây là bệnh do nấm gây tổn thương, viêm thực quản. Bệnh khá dai dẳng, có triệu chứng không đặc trưng vẫn có thể điều trị dứt điểm nếu tuân thủ lịch khám và phát hiện điều trị sớm. Để rõ hơn về bệnh này, mọi người cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Nấm họng thực quản là bệnh gì?
Thực quản là phần trên hệ tiêu hóa. Với hình dạng là ống giúp chứa thức ăn và các chất lỏng đi từ họng xuống dạ dày. Các tuyến ở thực quản sẽ tiết ra chất nhầy để làm ẩm đường dẫn và thức ăn có thể dễ dàng di chuyển. Một khi thực quản bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và gây khó chịu cho người bệnh, nhất là khi nuốt.
![Nấm họng thực quản](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nam_hong_thuc_quan_va_nhung_dieu_can_biet_2_d010e17377.png)
Trong đó, bệnh nấm thực quản cũng là bệnh thường gặp ở thực quản. Bệnh xuất hiện bởi sự nhiễm trùng do chủng nấm Candida gây ra ở thực quản. Bệnh này còn có tên gọi khác là nấm Candida thực quản hay viêm thực quản.
Nấm Candida là loại nấm có hình ảnh điển hình qua xét nghiệm nội soi là các màng nhầy màu trắng hoặc vàng. Loại nấm này sống hoại sinh và phát triển nhất ở khoang miệng, thực quản, thanh quản, ruột, âm đạo. Khi môi trường và điều kiện thuận lợi, nấm sẽ tấn công và phát triển gây nên bệnh nấm ở thực quản.
Triệu chứng của nấm thực quản
Trong số các ca bệnh thì hầu hết các bệnh nhân đều không xuất hiện triệu chứng đặc trưng. Một số hầu như không cảm nhận thấy triệu chứng bất thường để đi khám bệnh. Bệnh chỉ biểu hiện các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác của đường hô hấp. Chẳng hạn như: Ho dai dẳng, ngứa, đau rát, khó nuốt, đau ngực sau xương ức, và cảm nhận mức độ đau nhiều khi nuốt thực phẩm.
![Triệu chứng của nấm họng thực quản](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nam_hong_thuc_quan_va_nhung_dieu_can_biet_4_1c0d91eda4.png)
Nấm họng thực quản có gây nguy hiểm không?
Bệnh không có triệu chứng đặc trưng nên bệnh nhân thường khó phát hiện sớm. Do đó, nếu cảm thấy ho hay đau rát một vài ngày không khỏi nên đến bệnh viện/cơ sở kiểm tra.
Nếu mắc nấm thực quản mà không được điều trị kịp thời sẽ lây lan và biến chứng ở những cơ quan lân cận khác như thanh quản,... thậm chí nấm có thể tấn công vào nội tạng, toàn thân rất nguy hiểm.
Nguyên nhân gây nấm họng thực quản
Nấm Candida thường tấn công và gây bệnh đối với những người có sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu. Hệ miễn dịch kém không thể bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của nấm, nên chúng có điều kiện sinh sôi, phát triển, tấn công khoang miệng, họng, thực quản,...
Ngoài ra, cũng có một số yếu tố gia tăng nhiễm nấm Candida thực quản:
- Người cao tuổi (Tuổi trung bình của người thường nhiễm nấm thực quản là 55 tuổi).
- Nhiễm HIV/AIDS.
- Bệnh nhân ung thư, hóa trị, xạ trị vùng cổ.
- Bệnh nhân ghép tạng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị.
- Người bị đái tháo đường.
- Người bị suy tuyến thượng thận.
- Người dùng kháng sinh corticoid thời gian dài, bao gồm cả corticoid dạng hít để kiểm soát bệnh hen suyễn.
- Bên cạnh đó, người thường xuyên uống rượu bia, dùng chất kích thích thích cũng gia tăng mắc nấm thực quản.
Chẩn đoán và điều trị nấm họng thực quản
Chẩn đoán nấm thực quản
Để xác định thực quản có nhiễm nấm hay không, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm:
Nội soi thực quản: Để thực hiện, bác sĩ dùng thiết bị nội soi có gắn camera để thu hình ảnh bên trong thực quản. Nếu nhiễm nấm, sẽ cho kết quả các đám hay mảng nhầy trắng bám trên thành thực quản mà không bị rửa trôi bằng nước.
Nuôi cấy bệnh phẩm để xác định nấm gây bệnh: Phương pháp này thực hiện kết hợp giữa nội soi và sinh thiết để lấy được mẫu bệnh phẩm. Sau khi lấy mẫu bác sĩ sẽ nuôi cấy và định danh loài nấm, đến khi có kết quả sẽ chẩn đoán cho bệnh nhân và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Điều trị nấm thực quản
Tùy mức độ nhiễm nấm và sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, các phương pháp điều trị bệnh đều dùng thuốc kháng nấm, nhất là thuốc fluconazole dạng uống. Nếu những trường hợp nặng sẽ thực hiện truyền tĩnh mạch.
Nếu bệnh nhân dùng thuốc fluconazole không thuyên giảm, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng nấm khác để điều trị.
Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu tại Việt Nam thì liệu trình điều trị nấm họng thực quản có thể tăng hiệu quả khi kết hợp dùng 2 loại thuốc fluconazol toàn thân và nystatin tại chỗ.
![Điều trị nấm họng thực quản](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nam_hong_thuc_quan_va_nhung_dieu_can_biet_5_8312f2e50c.png)
Điều trị nấm khó vì lớp vỏ chitin của nấm khó ngấm thuốc và hầu hết các loại thuốc kháng nấm đều có hại với gan. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị, dùng đúng liều, đúng lượng, đúng thuốc để thuyên giảm tình trạng và rút ngắn thời gian điều trị.
Đồng thời, trong thời gian điều trị, bệnh nhân không nên ăn đồ ngọt, dầu mỡ, cay nóng, nước ngọt có gas hay các thức uống chứa cồn.
Phòng ngừa nấm họng thực quản
Một trong những cách phòng ngừa nấm lây nhiễm chính là cải thiện lối sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe, thể trạng.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kỹ lượng.
- Kết hợp súc họng bằng nước muối hay xịt họng để sát trùng, sát khuẩn, kháng nấm.
- Thay đổi chế độ ăn uống bằng cách cân đối dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe như rau củ quả, thịt cá tươi. Điều này giúp đảm bảo nguồn dinh dưỡng, nhất là vitamin và khoáng chất.
- Bổ sung các thực phẩm tăng cường sức đề kháng như sữa chua, vitamin C,...
- Luyện tập thể thao, rèn luyện cơ thể nâng cao thể trạng, miễn dịch.
Những thông tin trong bài viết giúp mọi người biết được thêm những kiến thức về bệnh nấm họng thực quản. Tuy nhiên, những thông tin chỉ mang tính tham khảo, để chẩn đoán và biết cụ thể về bệnh, mọi người nên tham khảo ý kiến, tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn. Chúc mọi người luôn giữ sức khỏe tốt cùng phong thái tự tin nhất trong cuộc sống và công việc.
Thy Võ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp