Ghẻ chàm hóa: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Nguyên nhân chính gây bệnh ghẻ chàm hóa là ký sinh trùng ghẻ Sarcoptes scabiei, giống Hominis. Khi tiếp xúc với da người, ký sinh trùng đào hang và đẻ trứng trên da gây tổn thương, nổi mụn nước và ngứa ngáy kéo dài.

Bệnh ghẻ chàm hóa là bệnh gì?

Ghẻ chàm hóa thực chất là giai đoạn chuyển biến nặng của bệnh ghẻ. Bệnh lý do ký sinh trùng xâm nhập gây nên. Khi xâm nhập vào da, những con ký sinh trùng tiến hành đào hang đến lớp sừng của da và đẻ trứng tại đó. Tốc độ đẻ trứng và sinh trưởng của loại ký sinh trùng này rất nhanh nên tốc độ phát triển bệnh được đánh giá cao, diễn biến nhanh, dễ lan rộng. 

Ghẻ chàm hóa: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 1
Ghẻ chàm hóa là biến chứng nặng hơn của bệnh ghẻ

Khi bệnh ghẻ xuất hiện triệu chứng đầu tiên nhưng không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến biến chứng nặng hơn là ghẻ chàm hóa. Trước khi chuyển sang giai đoạn ghẻ chàm hóa, bệnh ghẻ có thể có những biểu hiện như ngứa da vào ban đêm, nổi mẩn, nổi nhiều mụn nước trên bề mặt da.

Diễn biến bệnh đến giai đoạn ghẻ chàm hóa vẫn không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm vết thương và để lại những tổn thương, di chứng vĩnh viễn trên da, điển hình là sẹo. Hơn thế nữa, điều trị không dứt điểm còn tạo cơ hội cho ghẻ chàm hóa tái phát nhiều lần ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, thẩm mỹ làn da và tâm lý người bệnh.

Nguyên nhân gây ghẻ chàm hóa

Như bạn đã biết, nguyên nhân trực tiếp gây bệnh ghẻ, ghẻ chàm hóa là ký sinh trùng ghẻ. Loại ký sinh trùng này có thể lây truyền từ môi trường đến da người và từ người này đến người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp. Vòng đời của ký sinh trùng ghẻ cụ thể là:

  • Giai đoạn đẻ trứng: Sau khi giao phối thành công, con ghẻ cái sẽ tiến hành đào hang dưới lớp sừng của da và đẻ trứng trong đó. Thông thường, kích thước trứng ký sinh trùng không lớn, chỉ khoảng 0.1 - 0.15mm.
  • Giai đoạn trứng nở: Sau 3 - 4 ngày từ khi con ghẻ cái đẻ trứng, những quả trứng này bắt đầu nở và tạo thành ấu trùng trước khi phát triển thành con ghẻ hoàn thiện. Để trở thành con ghẻ thực thụ, ấu trùng cần lột xác.
  • Giai đoạn giao phối: Con ghẻ trưởng thành tiếp tục giao phối và đào hang, đẻ trứng,... lặp lại toàn bộ vòng đời của con ghẻ để phát triển số lượng ký sinh trùng trên da.

Ký sinh trùng gây bệnh ghẻ chàm hóa thường sinh sống và phát triển tốt nhất ở môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, có nhiều rãnh nhăn, nếp gấp như mặt trong cổ tay, kẽ ngón tay, kẽ ngón chân,... Những tác nhân khiến ký sinh trùng ghẻ lây nhiễm gồm có:

  • Môi trường sinh sống ẩm ướt, đông đúc, chen chúc nhiều người, chất lượng vệ sinh kém.
  • Nguồn nước sử dụng bị ô nhiễm, có nhiễm ký sinh trùng.
  • Hàng rào tự nhiên bảo vệ da bị yếu do tiền sử mắc bệnh da liễu khác.
  • Tiền sử bệnh ghẻ nhưng không được điều trị dứt điểm hoặc tái phát nhiều lần.
  • Thường xuyên mặc quần áo ẩm ướt, đổ nhiều mồ hôi, quần áo bó sát.
  • Hệ thống miễn dịch suy giảm, sức đề kháng yếu khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh.
  • Người quen hoặc người thân trong gia đình đang bị ghẻ. 
Ghẻ chàm hóa: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 2
Điều trị ghẻ không dứt điểm khiến bệnh tái phát gây ghẻ chàm hóa

Nhận dạng bệnh ghẻ chàm hóa

Bệnh ghẻ chàm hóa khá khó phân biệt với bệnh ghẻ thông thường. Sau khi nhiễm bệnh 6 - 8 tuần, những triệu chứng đầu tiên mới bắt đầu xuất hiện, khi này, thường bệnh đã tiến triển đến một mức độ nhất định. Bệnh nhân có thể nhận biết ghẻ chàm hóa thông qua một số dấu hiệu như:

  • Da bị kích ứng, có dấu hiệu ngứa, nhạy cảm hơn bình thường.
  • Cơn ngứa ngáy thường xuất hiện vào ban đêm, khi ngứa rất khó chịu, cơn ngứa kéo dài.
  • Da xuất hiện những tổn thương sưng đỏ thành mảng, thường thấy ở kẽ ngón tay, ngón chân hoặc nơi có nhiều nếp gấp trên cơ thể.
  • Các vệt sưng đỏ ngày một nhiều và khiến da nhạy cảm hơn, chạm vào thấy ngứa hoặc đau rát.
  • Rãnh ghẻ có hình dáng như sợi chỉ mảnh trên da, chiều dài khoảng 1 - 10mm ngoằn ngoèo trên da.
  • Vùng da bị ghẻ chàm hóa có thể có nhiều mụn nước mọc rải rác hoặc mọc thành mảng.

Chẩn đoán ghẻ chàm hóa

Khi nhận thấy dấu hiệu bị ghẻ chàm hóa, bệnh nhân đến bệnh viện sẽ được các bác sĩ tiến hành chẩn đoán bằng phương pháp chuyên dụng, mục đích chính là để nhận thấy con ghẻ cái trên da. Khi tiến hành chẩn đoán, bác sĩ lấy mẫu tế bào da ở vùng nghi nhiễm đem đi xét nghiệm, soi dưới kính hiển vi để nhận thấy ký sinh trùng ẩn nấp.

Ngoài ra còn có một số cách để chẩn đoán ghẻ chàm hóa khác như:

  • Sử dụng phương pháp dermoscopy;
  • Chẩn đoán thông qua phản ứng khuếch đại chuỗi polymerase để tìm thấy các ADN của ký sinh trùng ghẻ trên da.

Nhìn chung, phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm ghẻ chàm hóa ở mỗi trường hợp bệnh nhân là khác nhau. Để biết mình có bị ghẻ chàm hóa hay không, bạn cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để tiến hành thăm khám sớm, tránh kéo dài làm bệnh ngày một nặng, khó điều trị hơn.

Ghẻ chàm hóa: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 3
Chẩn đoán ghẻ chàm hóa bằng cách soi mẫu biểu bì da dưới kính hiển vi

Nguyên tắc điều trị ghẻ chàm hóa

Để điều trị ghẻ chàm hóa một cách hiệu quả, dứt điểm và hạn chế được nguy cơ tái phát lâu dài cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Chữa trị bệnh càng sớm càng tốt, hiệu quả càng cao và điều trị cũng dễ dàng hơn so với khi bệnh đã tiến triển nặng.
  • Tiêu diệt ghẻ cái để chúng không tiếp tục đẻ trứng và lây lan trên da.
  • Kiểm soát không cho ký sinh trùng lan rộng hoặc lây lan sang người khác.
  • Khi phát hiện dấu hiệu bệnh cần cách ly với người sống xung quanh để bảo vệ người khỏe mạnh.
  • Sử dụng đúng thuốc trị ghẻ, dùng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng được bác sĩ kê đơn (thông thường là thuốc D.E.P, thuốc Eurax, thuốc Benzyl benzoat,...).
  • Tiến hành điều trị ghẻ chàm hóa tích cực với các thành viên trong gia đình vì thời gian ủ bệnh có thể kéo dài 2 - 3 tuần.
  • Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đồ dùng cá nhân, quần áo mặc hàng ngày.

Ghẻ chàm hóa tuy không gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe nhưng vẫn cần phát hiện và điều trị từ sớm để tránh lây lan rộng, mất kiểm soát bệnh dẫn đến nhiều biến chứng không mong muốn trên da. Để phòng tránh bệnh tái nhiễm, người bệnh cần tuân thủ điều trị tích cực, giữ vệ sinh cơ thể và nơi ở sạch sẽ, tăng sức đề kháng từ bên trong. 



Chat with Zalo