Praziquantel


Phân loại:

Dược chất

Mô tả:

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Praziquantel.

Loại thuốc

Thuốc trị sán.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 600 mg.

Dược động học:

Hấp thu

Thuốc hấp thu tốt sau khi uống. Khoảng 80% liều uống được hấp thu qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, do thuốc phải qua chuyển hóa mạnh bước đầu ở gan nên chỉ một phần nhỏ thuốc vào được tuần hoàn chung dưới dạng không đổi. Thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh khoảng 1 - 3 giờ sau khi uống liều thông thường. 

Phân bố

Khoảng 80% thuốc gắn vào protein huyết tương. Nồng độ thuốc trong dịch não tủy bằng 14 - 20% nồng độ thuốc (thuốc tự do + gắn protein) trong huyết tương. Thuốc phân bố vào sữa mẹ với nồng độ khoảng 25% nồng độ thuốc trong huyết thanh mẹ.

Chuyển hóa

Nửa đời trong huyết thanh khoảng 0,8 - 1,5 giờ ở người lớn có chức năng gan và thận bình thường. Nửa đời trong huyết thanh của các chất chuyển hóa của thuốc khoảng 4 - 5 giờ. Thuốc chuyển hóa nhanh và mạnh, chủ yếu ở gan, thông qua hydroxyl hóa thành các chất chuyển hóa monohydroxyl và polyhydroxyl chưa rõ có hoạt tính không.

Thải trừ

Praziquantel và các chất chuyển hóa được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu. Sau khi uống một liều duy nhất, khoảng 70 - 80% liều được bài tiết vào nước tiểu trong 24 giờ, chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa; dưới 0,1% liều thuốc bài tiết vào nước tiểu dưới dạng không chuyển hóa. Ở người có tổn thương thận, bài tiết qua nước tiểu có thể chậm, không có tích lũy thuốc dưới dạng không chuyển hóa.

Dược lực học:

Praziquantel là một thuốc trị giun sán phổ rộng, dẫn xuất từ pyrazino isoquinoline.

Cơ chế tác dụng chính xác của thuốc đối với sán lá và sán dây chưa được biết đầy đủ.

Đối với sán lá, thuốc gây chết trực tiếp in vivo. Thuốc làm sán lá chết hoặc đang chết rời khỏi nơi cư trú thường xuyên ở tĩnh mạch mạc treo ruột hoặc vùng chậu (đám rối tĩnh mạch bàng quang) để vào gan rồi bị giữ lại đó và ở đó xảy ra phản ứng mô của vật chủ (như thực bào). Thuốc đã nhanh chóng gây các hốc khu trú trên mặt ngoài của sán, làm tan rã tổ chức ở đó. Các bạch cầu eosinophil đến bám vào đó, thâm nhập sâu vào bên trong để làm tiêu dần các phần bên trong. S. mansoni đực nhạy cảm với thuốc hơn sán cái, S. haematobium thì sán cái nhạy cảm hơn sán đực.

Đối với sán dây, thuốc không làm chết in vivo, nhưng làm sán phải rời khỏi nơi cư trú thường xuyên ở ruột. Sự di chuyển này là do thuốc tác động vào miệng hút của sán. In vitro, tác dụng của praziquantel đối với sán dây phụ thuộc vào nồng độ. Ở nồng độ thấp (1 - 10 ng/ml), thuốc kích thích sán chuyển động và tác động vào miệng hút. Khi nồng độ tăng lên (10 - 100 ng/ml), dây đốt sán co lại và ở nồng độ cao hơn (trên 1000 ng/ml), dây đốt sán co lại tức thời và vĩnh viễn. Thuốc cũng gây các hốc khu trú và gây tan rã ở mặt ngoài sán, khu trú ở vùng cổ (là vùng phát triển) của sán. Các đốt sán ở phần trung tâm và phía sau của dây sán không bị tác động.

Praziquantel có tác dụng đối với các sán nhạy cảm ở các giai đoạn ấu trùng, chưa trưởng thành và trưởng thành. Thuốc được dùng để điều trị có hiệu quả bệnh ấu trùng sán lợn thần kinh, trừ bệnh ấu trùng sán lợn ở mắt.

Phổ tác dụng:

  • Sán máng Schistosoma các loại (S. haematobium, S. japonicum, S. mansoni, S. mekongi), ở tất cả giai đoạn cấp và mạn tính, kể cả nhiễm Schistosoma thần kinh;
  • Clonorchis sinensis (sán lá gan ở Trung Quốc), Opisthorchis viverrini (sán lá gan ở Đông Nam Á);
  • Một số loại sán lá khác: Fasciolopsis buski (sán lá ruột), Heterophyes heterophyes (sán lá ruột), Paragonimus westermani (sán lá phổi). Không có tác dụng đối với Fasciola hepatica (sán lá gan ở cừu);
  • Sán dây gây bệnh ở người: Diphyllobothrium latum (sán cá), Dipylidium caninum (sán chó, sán mèo), Taenia saginata (sán bò), T. solium (sán lợn), Hymenolepis nana (sán lùn).



Chat with Zalo