Pefloxacin
Phân loại:
Dược chất
Mô tả:
Tên thuốc gốc (Hoạt chất)
Pefloxacin Mesylate (Pefloxacin Mesylat)
Loại thuốc
Thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolone
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên bao phim 400 mg.
Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch 400 mg/5ml, 400 mg/125ml.
Dược động học:
Hấp thu
Sau khi uống một liều duy nhất 400 mg, Pefloxacin được hấp thu khoảng 90% trong vòng 20 phút. Thức ăn làm chậm hấp thu, nhất là thức ăn có nhiều mỡ, nhưng không tác động đến sinh khả dụng. Dùng cùng với thức ăn có thể làm giảm tỷ lệ tác dụng không mong muốn ở đường tiêu hóa.
Phân bố
Nồng độ huyết thanh:
Liều duy nhất:
Sau khi tiêm truyền (1 giờ) hoặc sau khi uống (1giờ 30 phút) liều duy nhất 400 mg, nồng độ tối đa trong huyết thanh đạt khoảng 4 microgam/ml.
Liều lặp lại: Sau khi dùng liều lặp lại 400 mg, cứ 12 giờ một lần bằng đường tiêm truyền hoặc uống, sau 9 liều, nồng độ tối đa trong huyết thanh đạt khoảng 10 microgam/ml. Thời gian bán thải trong huyết thanh khoảng 12 giờ.
Khuếch tán vào mô:
Thể tích phân bố khoảng 1,7 lít/kg sau khi dùng một liều duy nhất 400 mg.
Nồng độ thuốc trong mô sau khi sử dụng liều lặp lại như sau:
Nồng độ trong dịch nhầy phế quản: Đạt nồng độ tối đa > 5 microgam/ml ở giờ thứ 4. Tỷ lệ giữa nồng độ trong dịch nhầy phế quản và trong huyết thanh biểu hiện khả năng khuếch tán của thuốc vào dịch nhầy phế quản, tỷ lệ này gần bằng 100%.
Nồng độ trong dịch não tủy: Ở người bệnh bị viêm màng não do vi khuẩn, sau khi tiêm truyền hoặc uống 3 liều 400 mg, đạt được nồng độ 4,5 microgam/ml. Đạt nồng độ 9,8 microgam/ml sau khi dùng 3 liều 800 mg. Trong điều trị viêm màng não do vi khuẩn, sau lần tiêm truyền thứ 5, nồng độ pefloxacin trong dịch não tủy đạt 89% so với nồng độ huyết tương tương ứng.
Nồng độ trung bình trong nhiều mô khác nhau ở thời điểm 12 giờ sau lần cuối cùng dùng thuốc: Tuyến giáp 11,4 microgam/g; tuyến nước bọt 7,5 microgam/g; mỡ 2,2 microgam/g; da 7,6 microgam/g; niêm mạc miệng - họng 6 microgam/g; amidan 9 microgam/g; cơ 5,6 microgam/g.
Liên kết với protein huyết tương khoảng 30%.
Chuyển hóa
Sự chuyển hóa chủ yếu ở gan. Hai chất chuyển hóa chính là: Desmethylpefloxacin (hay norfloxacin) và Pefloxacin N-oxyd.
Thải trừ
Ở người chức năng gan và thận bình thường:
Thuốc được thải trừ chủ yếu dưới dạng các chất chuyển hóa, các chất này được thải trừ chủ yếu qua thận. Pefloxacin thải trừ qua mật chủ yếu dưới dạng không đổi, dạng liên hợp với acid glucuronic và dạng N-oxyd.
Ở người suy giảm chức năng thận:
Nồng độ huyết thanh và thời gian bán thải của Pefloxacin không thay đổi đáng kể, bất kể mức độ suy yếu của thận. Pefloxacin ít được thẩm tách (23%).
Ở người suy giảm chức năng gan:
Nghiên cứu dùng liều duy nhất 8 mg/kg ở người bệnh xơ gan cho thấy dược động học của Pefloxacin có thay đổi, biểu hiện qua sự giảm nhiều thanh thải thuốc trong huyết tương, kéo theo tăng đáng kể thời gian bán thải huyết tương (gấp 3 - 5 lần) và tăng thải trừ dạng Pefloxacin không thay đổi trong nước tiểu (gấp 3 - 4 lần).
Dược lực học:
Pefloxacin là một thuốc kháng khuẩn thuộc nhóm fluoroquinolone tổng hợp, được dùng dưới dạng mesylat. Thuốc có cấu trúc liên quan đến ciprofloxacin, enoxacin và norfloxacin. Bằng cách ngăn cản tác dụng của enzym vi khuẩn DNA gyrase, Pefloxacin ức chế DNA sao chép và hoạt động. DNA gyrase có trách nhiệm trong siêu xoắn của chuỗi DNA và sửa chữa điểm đứt trên chuỗi DNA. Tác dụng diệt khuẩn của Pefloxacin có thể do ức chế sửa chữa điểm đứt chuỗi DNA, tuy vậy còn có thể có các cơ chế khác.
Vi khuẩn kháng Pefloxacin có thể do hai cơ chế: DNA có thể đột biến hoặc tính thấm của màng tế bào vi khuẩn đối với Pefloxacin có thể bị giảm. Kháng thuốc không do plasmid mà do đột biến nhiễm sắc thể.
Phổ kháng khuẩn:
Vi khuẩn nhạy cảm: Bordetella pertussis, Compylobacter, Escherichia coli, Haemophilus influenzae, Klebsiella oxytoza, Legionella, Mobiluncus, Moraxella catarrhalis, Morganella morganii, Mycoplasma hominis, Neisseria, Pasteurella, Propionibacterium acnes, Proteus vulgaris, Salmonella, Shigella, Staphylococcus nhạy cảm với methicilin, Vibrio, Yersinia.
Vi khuẩn nhạy cảm trung bình: Mycoplasma pneumoniae.
Vi khuẩn kháng thuốc: Acinetobacter baumannii, Enterococcus, Listeria monocytogenes, Mobiluncus, Mycobacterium tuberculosis, Nocardia, Staphylococcus kháng với methicillin, Streptococcus pneumoniae, Ureoplasma urealyticum, vi khuẩn kỵ khí ngoại trừ Propionibacterium acnes.
Vi khuẩn không thường xuyên nhạy cảm: Vì tỷ lệ trường hợp kháng thuốc thay đổi, nên không thể xác định độ nhạy cảm của vi khuẩn nếu không thực hiện kháng sinh đồ đối với các vi khuẩn: Citrobacter freundii, Enterobacter cloacae, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis, Providencia, Pseudomonas aeruginosa, Serratia.