Cisapride


Phân loại:

Dược chất

Mô tả:

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Cisapride (Cisaprid)

Loại thuốc

Thuốc tăng vận động dạ dày, ruột.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 10 mg, 20 mg.

Hỗn dịch để uống: 1 mg/ml (450 ml).

Dược động học:

Hấp thu

Cisapride được hấp thu nhanh sau khi uống, nồng độ đỉnh huyết tương đạt được sau 1 - 1,5 giờ. Sinh khả dụng tuyệt đối của cisapride từ 35 - 40%. Thức ăn làm tăng sinh khả dụng của thuốc, nhưng không tăng mức độ hấp thu. 

Phân bố

Có tới 98% cisapride liên kết với protein huyết tương, chủ yếu với albumin. Thể tích phân bố khoảng 2,4 lít/kg. Độ thanh thải là 6,0 lít/giờ. Tỷ lệ thuốc phân bố trong sữa/ huyết tương là 0,045.

Chuyển hóa

Cisapride được chuyển hóa nhiều nhờ CYP 3A4, thoạt đầu thành norcisapride, có tác dụng bằng khoảng 1/6 thuốc mẹ.

Thải trừ

Cisapride bài tiết qua nước tiểu dưới dạng không đổi với tỷ lệ < 1%. Norcisapride được bài tiết qua đường thận và có tích lũy khi thận bị suy nặng. 90% thuốc được bài xuất ra phân và nước tiểu dưới dạng chuyển hóa.

Thời gian bán thải của thuốc ở người khỏe mạnh là 8,5 - 1,5 giờ, kéo dài ở người bị suy gan nặng, nhưng tăng không đáng kể ở người suy thận.

Dược lực học:

Cisapride là một thuốc tăng vận động cơ trơn có cấu trúc hóa học giống metoclopramid. Thuốc có tác dụng tăng giải phóng acetylcholin từ đầu tận cùng dây thần kinh sau hạch của đám rối thần kinh cơ ruột và có tính chất đối kháng với thụ thể serotonin 5-HT3 và là chất chủ vận thụ thể serotonin 5-HT4 in vitro.

Khác với metoclopramid, cisapride không có tác dụng trực tiếp tiết acetylcholin, chống tiết dopamin hay không trực tiếp chống nôn và không có ảnh hưởng đến tiết dịch vị hay prolactin huyết thanh. Cisapride kích thích vận động tất cả các phần của đường tiêu hóa, kể cả thực quản và ruột già. Thuốc không có tác dụng lên chức năng dạ dày bình thường và không vượt quá cơ chế nội môi bình thường.

Cisapride làm tăng nhu động thực quản và trương lực cơ thắt tâm vị ở người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Cũng như metoclopramid, cisapride tăng cường đẩy thức ăn ra khỏi dạ dày  và tăng cường vận chuyển ở ruột từ tá tràng đến van hồi - manh tràng, do tác dụng kích thích cơ trơn của thuốc phối hợp sự vận động của dạ dày, môn vị và tá tràng.

Tuy nhiên, không như metoclopramid, cisapride cũng làm tăng vận động đại tràng và  tăng đẩy thức ăn qua manh tràng và đại tràng lên đồng thời có thể làm tăng số lần đại tiện ở cả người khỏe và người bị táo bón, một phần cũng có thể do thuốc làm giảm trương lực cơ thắt hậu môn. 



Chat with Zalo