Ung thư tinh hoàn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Ung thư tinh hoàn là một bệnh lý ác tính xuất phát từ các tế bào trong tinh hoàn, thường gặp ở nam giới trẻ tuổi. Bệnh này có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Khả năng điều trị khỏi bệnh khá cao, kể cả ở giai đoạn tế bào ung thư đã di căn ra ngoài tinh hoàn. Nguyên nhân gây ra ung thư tinh hoàn và điều trị như thế nào? Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Những triệu chứng của ung thư tinh hoàn
Một số triệu chứng của ung thư tinh hoàn là:
- Một khối u hoặc sưng ở một trong hai bên tinh hoàn: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư tinh hoàn. Có thể cảm nhận hoặc nhìn thấy một khối u, kích thước có thể thay đổi từ rất nhỏ đến lớn, hoặc một phần của tinh hoàn bị sưng lên.
- Cảm giác nặng nề ở bìu: Cảm thấy bìu của mình nặng nề hơn bình thường, như thể có thứ gì đó bên trong gây áp lực.
- Đau âm ỉ ở vùng bụng dưới hoặc háng: Cảm giác đau âm ỉ, không rõ ràng ở vùng bụng dưới hoặc vùng háng, có thể là một dấu hiệu của ung thư tinh hoàn.
- Sưng đột ngột ở bìu: Bìu có thể bị sưng đột ngột mà không có lý do rõ ràng, gây ra khó chịu hoặc đau đớn.
- Đau hoặc khó chịu ở một tinh hoàn hoặc bìu: Cảm thấy đau hoặc khó chịu ở một bên tinh hoàn hoặc toàn bộ bìu, kể cả khi không có bất kỳ khối u hay sưng nào rõ ràng.
- Đau lưng: Đau lưng có thể xảy ra nếu ung thư đã lan ra ngoài tinh hoàn và bắt đầu ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, như cột sống.
Ung thư tinh hoàn thường chỉ xuất hiện ở một bên, dù rằng trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể ảnh hưởng đến cả hai tinh hoàn.
Hiểu rõ triệu chứng: Một tinh hoàn có cục nhỏ rắn không đau có thể là biểu hiện của bệnh lý nào?
![Ung thư tinh hoàn: Tế bào phát triển bất thường ở tinh hoàn của nam giới 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ung_thu_tinh_hoan_2_7f679ad9f5.png)
Các giai đoạn của ung thư tinh hoàn
Ung thư thanh quản có 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư chỉ nằm ở trong tinh hoàn.
- Giai đoạn 2: Tế bào ung thư đã xâm lấn tới những hạch bạch huyết ở trong ổ bụng.
- Giai đoạn 3: Tế bào ung thư di căn tới những cơ quan khác của cơ thể. Ung thư tinh hoàn cũng có thể di căn tới phổi, não, gan và xương.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) ung thư tinh hoàn?
Tất cả nam giới đều có khả năng bị ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên những người ở độ tuổi từ 15 - 35 thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) ung thư tinh hoàn
Một số nguyên nhân chính có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn bao gồm:
- Tinh hoàn ẩn (khi còn nhỏ): Tinh hoàn không hạ xuống đúng vị trí khi còn là trẻ sơ sinh.
- Tiền sử gia đình: Có cha hoặc anh em trai đã từng mắc ung thư tinh hoàn.
- Tiền sử cá nhân: Nếu bạn đã từng bị ung thư ở một bên tinh hoàn, bạn có nguy cơ cao hơn phát triển ung thư ở bên tinh hoàn còn lại.
- HIV và AIDS: Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ cao hơn.
- Đặc điểm thể chất: Những người sinh ra với bệnh Hypospadias, khiến niệu đạo mở ra ở mặt dưới của dương vật, có nguy cơ cao hơn mắc ung thư tinh hoàn.
- Sử dụng cần sa: Có một số bằng chứng liên kết việc sử dụng cần sa thường xuyên với việc phát triển ung thư tinh hoàn.
- Biến thể liên giới tính: Nguy cơ cao hơn ở những người có một số biến thể liên giới tính, chẳng hạn như hội chứng nhạy cảm một phần với androgen.
![Ung thư tinh hoàn: Tế bào phát triển bất thường ở tinh hoàn của nam giới 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ung_thu_tinh_hoan_3_3399fba0ce.png)
Nguyên nhân dẫn đến ung thư tinh hoàn
Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra ung thư tinh hoàn.
Ung thư tinh hoàn xảy ra khi những tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị đột biến dẫn tới những tế bào này phát triển bất thường hình thành khối u.
Đa số ung thư tinh hoàn thường xuất phát từ tế bào mầm (tế bào trong tinh hoàn sản xuất tinh trùng chưa trưởng thành). Tuy nhiên nguyên nhân khiến cho những tế bào mầm này bất thường vẫn chưa rõ nguyên nhân.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư tinh hoàn
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Chế độ dinh dưỡng:
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Tham khảo chế độ dinh dưỡng từ chuyên gia y tế.
![Ung thư tinh hoàn: Tế bào phát triển bất thường ở tinh hoàn của nam giới 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ung_thu_tinh_hoan_1_b05efc7a7e.png)
Phương pháp phòng ngừa ung thư tinh hoàn hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Hạn chế những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
- Thường xuyên xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng kết hợp luyện tập phù hợp giúp năng cao hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh.
- Tự kiểm tra tinh hoàn thường xuyên.
- Tầm soát ung thư thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị.
- Cách tự kiểm tra tinh hoàn:
- Kiểm tra ở thời điểm cơ thể đang thư giãn.
- Đứng trước gương, nâng nhẹ bìu và kiểm tra vết sưng hoặc bầm tím ở trong bìu.
- Cảm nhận trọng lượng và kích thước của 2 bên tinh hoàn.
- Nắn bóp nhẹ tinh hoàn để xem có khối u trong tinh hoàn không.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tinh hoàn
Chẩn đoán ung thư tinh hoàn bắt đầu bằng tiền sử bệnh và những triệu chứng lâm sàng. Sau đó bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Những xét nghiệm thường thấy như:
- Siêu âm: Xem cấu trúc bên trong của tinh hoàn để tìm kiếm khối u.
- Xét nghiệm máu: Khi bị ung thư tinh hoàn thì nồng độ alpha-fetoprotein hoặc beta-human chorionic gonadotropin tăng cao.
- Chụp X-quang tim, phổi: Kiểm tra xem tế bào ung thư đã di căn tới tim, phổi chưa.
- Xạ hình xương: Xác định xem các tế bào ung thư đã xâm lấn vào xương chưa.
- Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ trong tinh hoàn để tìm tế bào ung thư.
Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.
Khám phá phương pháp điều trị: Các phương pháp xét nghiệm ung thư tinh hoàn chính xác
![ung-thu-tinh-hoan-4.png](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ung_thu_tinh_hoan_4_3690601935.png)
Phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn hiệu quả
Có 3 phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư tinh hoàn. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, bệnh nhân có thể được điều trị bằng một hay kết hợp nhiều phương pháp.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật được tiến hành để cắt bỏ một hoặc hai tinh hoàn và những hạch bạch huyết xung quanh.
- Xạ trị: Xạ trị là biện pháp sử dụng một chùm năng lượng mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng.
- Hóa trị: Hóa trị là một biện pháp điều trị ung thư bằng hóa chất, được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc kiểm soát sự phát triển của các khối u. Đây là phương pháp điều trị toàn thân, nên có thể tiêu diệt những tế bào ung thư đã di căn tới bộ phận khác của cơ thể.
Trường hợp, ung thư tinh hoàn rất nặng. Bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc trước khi hóa trị. Những tế bào gốc này sẽ phát triển thành tế bào máu khỏe mạnh.