Bạch sản: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Bạch sản là tình trạng xuất hiện các mảng màu trắng hoặc xám không đau, phát triển bên trong miệng. Những người mắc bệnh bạch sản có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng. Bạch sản có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để cắt bỏ các vùng mô bạch sản.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bạch sản
Những dấu hiệu và triệu chứng khi mắc bệnh bạch sản là:
- Màu trắng hoặc xám, tập hợp thành từng mảng và không tiêu biến theo thời gian;
- Bề mặt của vùng bạch sản gồ ghề, không bằng phẳng;
- Các vùng trắng dày và cứng;
- Có thể xuất hiện tổn thương đỏ, nổi lên (bạch sản lốm đốm hoặc hồng sản), có thể là dấu hiệu tiền ung thư.
Bạch sản lông là các mảng màu trắng, mờ giống như nếp gấp hoặc đường gờ, thường ở hai bên lưỡi. Bạch sản thường bị nhầm lẫn với bệnh tưa miệng, tình trạng này cũng thường gặp ở những người có hệ miễn dịch yếu (ví dụ HIV/AIDS).
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bạch sản
Bạch sản thường không gây tổn thương vĩnh viễn cho các mô trong miệng. Tuy nhiên, bạch sản làm tăng nguy cơ ung thư miệng. Ung thư miệng thường hình thành gần các mảng bạch sản và dựa vào đặc điểm của bạch sản cũng có thể dự đoán khả năng ung thư. Ngay cả sau khi các mảng bạch sản được loại bỏ, nguy cơ ung thư miệng vẫn còn.
Bệnh bạch sản lông không có khả năng dẫn đến ung thư nhưng nó có thể là dấu hiệu chứng tỏ có nhiễm HIV/AIDS.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh bạch sản thường không gây triệu chứng khó chịu nhưng đôi khi nó có thể là dấu hiệu chỉ bệnh tiền ung thư. Liên hệ bác sĩ nếu có các dấu hiệu sau:
- Mảng trắng hoặc vết loét trong miệng không tự lành trong vòng hai tuần;
- Có cục u hoặc mảng trắng, đỏ hoặc đen trong miệng;
- Đau tai khi nuốt;
- Khó mở hàm nhai.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
![Bạch sản là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bạch sản 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bach_san_5_455b213277.jpg)
Những ai có nguy cơ mắc phải bạch sản?
Người hút thuốc thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá không khói, có nguy cơ cao mắc bệnh bạch sản và ung thư miệng.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bạch sản
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bạch sản, bao gồm:
- Uống rượu lâu năm;
- Nhiễm HIV/AIDS;
- Nhiễm virus Epstein-Barr;
- Người suy giảm miễn dịch.
![Bạch sản là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bạch sản 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bach_san_4_b0ef7f6f53.jpg)
Hiện tại nguyên nhân của bệnh bạch sản chưa được biết rõ, nhưng khi có sự tác động lặp đi lặp lại của những yếu tố gây kích ứng như do hút thuốc lá được cho là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp mắc bệnh bạch sản.
Các nguyên nhân khác có thể bao gồm kích ứng mạn tính do:
- Răng mọc lệch hoặc sắc nhọn cọ sát vào bề mặt lưỡi;
- Răng giả bị hỏng hoặc không vừa khít với nướu;
- Nghiện rượu;
Bạch sản lông là hậu quả của nhiễm virus Epstein-Barr (EBV). Khi đã bị nhiễm EBV, virus sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Thông thường, virus không hoạt động, nhưng nếu hệ thống miễn dịch suy yếu, đặc biệt là do HIV/AIDS, virus có thể được hoạt động gây ra bạch sản lông.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bạch sản
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Ngưng hút thuốc lá, ngưng uống rượu hoặc ngưng tiếp xúc với các yếu tố kích thích được cho là nguyên nhân gây bệnh bạch sản.
Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế ăn thực phẩm cay nóng hoặc dễ kích ứng miệng.
![Bạch sản là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bạch sản 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bach_san_7_fbf9af3ba1.jpg)
Phương pháp phòng ngừa bạch sản hiệu quả
Bạn có thể ngăn ngừa bệnh bạch sản nếu ngưng hút thuốc lá hoặc ngưng uống rượu. Nếu vẫn hút thuốc hoặc uống rượu thì nên kiểm tra răng miệng thường xuyên. Ung thư miệng thường không gây đau đớn cho đến khi khá nặng, vì vậy bỏ thuốc lá và rượu là giúp phòng ngừa tốt hơn.
Nếu bạn có hệ thống miễn dịch suy yếu thì khó có thể phòng ngừa bệnh bạch sản lông, nhưng việc xác định sớm bệnh có thể giúp bạn có được phương pháp điều trị thích hợp.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bạch sản
Phương pháp chẩn đoán bệnh bạch sản thường là:
- Khám lâm sàng, quan sát hình thái của vùng bạch sản.
- Cố gắng lau sạch những mảng trắng xem có thể loại bỏ dễ hay không.
- Tìm hiểu tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc, thói quen, lối sống, đặc biệt là thói quen hút thuốc lá và nghiện rượu.
- Loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng tương tự.
- Xét nghiệm tìm virus Epstein-Barr.
- Xét nghiệm chẩn đoán ung thư.
Sinh thiết là phương pháp quan trọng để chẩn đoán ung thư:
- Sinh thiết mô được lấy từ bề mặt khoang miệng, đặc biệt mô ở vùng bạch sản, kết quả có độ chính xác không cao.
- Sinh thiết mô bạch sản, thường cho kết quả chẩn đoán xác định.
Nếu sinh thiết cho kết quả là bệnh ung thư thì sẽ tiến hành thực hiện phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ mảng bạch sản và có thể không cần điều trị thêm.
Nếu bạn mắc bệnh bạch sản lông thì cần được đánh giá thêm tình trạng suy giảm miễn dịch.
![Bạch sản là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bạch sản 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bach_san_6_a6726a40ad.jpg)
Phương pháp điều trị bạch sản hiệu quả
Điều trị bạch sản hiệu quả nhất là khi bệnh được phát hiện sớm, khi các mảng bạch sản còn nhỏ. Đa số bệnh nhân khi ngưng các yếu tố kích ứng như ngừng hút thuốc lá hoặc ngừng uống rượu sẽ giúp giảm các mảng bạch sản. Tuy nhiên, nếu các mảng bạch sản là bệnh ung thư miệng thì điều trị sẽ phức tạp hơn:
- Phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư.
- Dùng thuốc điều trị.
- Khả năng tái phát cao hơn.
Thông thường, bạch sản lông không cần điều trị vì bệnh thường không gây ra triệu chứng và không có khả năng dẫn đến ung thư miệng. Nếu cần, bác sĩ có thể điều trị theo hướng khắc phục nguyên nhân gây bệnh, ví dụ:
- Thuốc: Bạch sản lông thường liên quan đến virus Epstein-Barr, do đó có thể dùng thuốc kháng virus để ngăn chặn virus Epstein-Barr.
- Tái khám thường xuyên để theo dõi những thay đổi trong miệng hoặc liệu pháp điều trị đang diễn ra để ngăn ngừa các mảng bạch sản quay trở lại.