Viễn thị có tăng độ không?
Viễn thị là tật khúc xạ thường gặp ở nước ta, nó cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực nếu không được điều trị đúng đắn. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ ngăn quá trình tăng độ, thậm chí cải thiện thị lực của người viễn thị rất tốt. Vậy khi nào thì viễn thị tăng độ và viễn thị bao nhiêu độ là nặng. Câu trả lời sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây nhé!
Dấu hiệu nhận biết viễn thị
Việc nắm được các dấu hiệu nhận biết viễn thị là rất quan trọng bởi nó sẽ giúp chúng ta đến cơ sở chuyên khoa để khám và can thiệp điều trị kịp thời. Các dấu hiệu nhận biết viễn thị là:
- Người viễn thị nhìn vật xa rất tốt, rõ nhưng lại nhìn vật ở gần bị mờ, nhòe. Do đó khi làm việc hay nhìn vào các vật ở gần quá lâu khiến họ mỏi mắt, nhức đầu. Thậm chí để nhìn rõ vật, người bệnh thường nheo mắt, chớp mắt, dụi mắt. Người bệnh hay bị mỏi mắt, khô mắt.
- Việc giảm tầm nhìn khiến trẻ em mất tập trung học tập, kết quả giảm sút. Còn người lớn thì mất tập trung làm việc khiến hiệu suất công việc giảm.
- Nếu viễn thị tiến triển nặng mà bệnh nhân không đi khám, chẩn đoán và điều trị có thể gây ra các biến chứng như lác, nhược thị. Trẻ sẽ hay nheo mắt, nhắm mắt hay nghiêng đầu để nhìn rõ vật.
![Viễn thị có tăng độ không 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/vien_thi_co_tang_do_khong_1_409319788f.jpg)
Nguyên nhân gây viễn thị
Có 2 cơ chế chính gây viễn thị là do trục nhãn cầu quá ngắn hoặc giác mạc quá dẹt. Các căn nguyên gây nên tình trạng này cũng chính là những nguyên nhân gây nên viễn thị:
- Do di truyền, khi trong gia đình bố hoặc mẹ hoặc cả bố và mẹ bị viễn thị thì khả năng con cái bị viễn thị tăng lên rất nhiều. Đây được gọi là viễn thị bẩm sinh, thường do trục nhãn cầu quá ngắn.
- Do những bất thường trong quá trình mang thai, sơ sinh và phát triển. Trục nhãn cầu của trẻ phát triển chậm hơn so với bình thường khiến cho nhãn cầu bị ngắn.
- Do mắc các bệnh gây tổn thương đến giác mạc, tổ chức quanh giác mạc như viêm giác mạc, đái tháo đường, viêm kết mạc... gây giảm độ cong của giác mạc.
- Do mắt thường nhìn xa quá nhiều nên thể thủy tinh luôn ở trạng thái giãn (xẹp).
- Do ở người già, thể thủy tinh bị thoái hóa nên không có khả năng phồng lên được.
Viễn thị có tăng độ không?
Nguyên nhân của viễn thị là do trục nhãn cầu ngắn hơn so với bình thường, do đó trong quá trình phát triển của trẻ nếu trục nhãn cầu phát triển tốt, bắt kịp độ dài với người bình thường thì viễn thị có thể tự khỏi. Đấy cũng chính là lý do giải thích sự tự hồi phục của viễn thị bẩm sinh.
![Viễn thị có tăng độ không 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/vien_thi_co_tang_do_khong_2_2d361fa9fb.jpg)
Trong quá trình phát triển của cơ thể, trục nhãn cầu phát triển mạnh mẽ nhất ở độ tuổi 3-5 tuổi, sau đó phát triển chậm dần và thường ổn định dần ở lứa tuổi 18-25 tuổi. Tuy nhiên nếu trục nhãn cầu phát triển chậm sẽ tiến triển thành một viễn thị thật sự và bắt đầu biểu hiện ra các triệu chứng viễn thị. Nếu từ 3-5 tuổi, trục nhãn cầu phát triển chậm, trẻ mắc viễn thị và triệu chứng sẽ bắt đầu biểu hiện rõ khi trẻ 5-10 tuổi.
Khi người bệnh mắc viễn thị rồi nếu không được điều trị đúng thì độ viễn sẽ tăng. Ví dụ nếu người bệnh không đeo kính viễn thị khi làm việc phải nhìn lâu vào những vật ở gần sẽ khiến mắt bị quá tải, điều tiết kém gây tăng độ viễn nhanh. Đối với bệnh nhân viễn thị đeo kính là bắt buộc khi có độ viễn từ +1.00 diop trở lên. Nếu không đeo, độ viễn sẽ tăng lên rất nhanh.
Viễn thị bao nhiêu độ là nặng?
Ngay khi có các dấu hiệu nhận biết viễn thị, bệnh nhân cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để khám, chẩn đoán mức độ viễn thị để chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Khám thị lực giúp phân loại mức độ nặng theo độ viễn. Độ viễn được ký hiệu là +a diop. Trong đó a càng lớn thì viễn thị càng nặng. Có 3 mức độ viễn thị:
- Mức độ nhẹ: Nhỏ hơn +1.00 diop. Ở mức độ này nếu người bệnh không bị ảnh hưởng chức năng sinh hoạt hàng ngày, vẫn không có các triệu chứng nheo mắt, mỏi mắt thì không cần phải đeo kính mà việc thay đổi chế độ sinh hoạt hàng ngày, luyện mắt viễn thị là phương pháp điều trị tốt nhất.
- Mức độ trung bình: Từ +1.00 diop đến +4.00 diop. Việc đeo kính là bắt buộc. Nếu ở mức độ này mà không đeo kính, độ viễn của bệnh nhân sẽ tăng rất nhanh.
- Mức độ nặng: Lớn hơn + 4.00 diop. Đấy là mức độ phải đeo kính bắt buộc và tích cực điều trị bởi với độ viễn này bệnh nhân có nguy cơ nhược thị, lác mắt.
![Viễn thị có tăng độ không 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/vien_thi_co_tang_do_khong_4_9d066f7ede.jpg)
Các phương pháp điều trị viễn thị
Đeo kính viễn
Đeo kính phương pháp điều trị đơn giản và tiết kiệm cho bệnh nhân. Có thể sử dụng kính gọng, kính áp tròng cứng hoặc kính áp tròng mềm. Việc mua kính cần được cấp đơn bởi bác sĩ chuyên khoa và hãy đến những địa chỉ bán kính uy tín để chọn được kính phù hợp nhất.
Kính gọng viễn thị
Kính gọng viễn thị là một thấu kính hội tụ giúp điều chỉnh ảnh của vật hiện trên võng mạc. Cần chọn mắt kính chống lóa, chống ánh sáng xanh, chống bám nước và có độ chiết suất cao. Tuy nhiên cần dựa vào kinh tế của bệnh nhân để tư vấn chọn kính.
Ưu điểm của kính gọng là rẻ, dễ sử dụng, không tiếp xúc trực tiếp với giác mạc nên tránh được cảm giác khó chịu, cộm mắt, thậm chí nhiễm trùng.
![Viễn thị có tăng độ không 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/vien_thi_co_tang_do_khong_5_e124724204.jpg)
Kính áp tròng mềm
Kính áp tròng mềm là loại kính được gắn vào giác mạc của bệnh nhân giúp thay đổi độ cong giác mạc khi đeo kính. Kính khó sử dụng hơn kính gọng nhưng có ưu điểm về mặt thẩm mỹ. Kính áp tròng mềm có nhiều màu sắc, khi gắn vào thấy mắt to hơn, long lanh hơn.
Cần để ý thời gian sử dụng của kính, tránh trường hợp sử dụng kính đã hết thời hạn sử dụng. Tái khám 3 tháng/lần để theo dõi độ viễn và có thể thay đổi kính khi không còn phù hợp.
Kính áp tròng cứng
Kính áp tròng cứng là loại kính được thiết kế đặc biệt để đeo vào mắt lúc ban đêm, gắn vào giác mạc như áp tròng gần. Nó làm biến đổi độ cong giác mạc về hình dạng bình thường, do đó sáng mai khi thức giấc bệnh nhân sẽ nhìn mọi vật rõ khi tháo kính ra. Kính áp tròng cứng giúp cải thiện độ khúc xạ của bệnh nhân lý tưởng nhất.
Phẫu thuật tật viễn thị
Là phương pháp ngày càng được ưa chuộng. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất cải thiện thị lực nhanh mà bệnh nhân không cần đeo kính.
Cơ chế phẫu thuật chính là dùng tia laser tác động vào giác mạc để làm thay đổi độ cong giác mạc. Do đó giác mạc phải không có hình dạng bất thường, có chiều dày vừa đủ để vẫn đảm bảo an toàn sau phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật như LASIK, PRK, CK...
Ngoài ra hãy tích cực thay đổi lối sống sinh hoạt như: Tránh sinh hoạt, học tập, làm việc trong môi trường quá sáng hoặc quá tối; luyện mắt nhìn xa khi không đeo kính 5-10 phút để tập điều tiết; hạn chế dùng máy tính, điện thoại di động, tivi liên tục, có thể cho mắt nghỉ ngơi 30 giây đến 1 phút sau 30 phút sử dụng; chế độ dinh dưỡng chứa thực phẩm tốt cho mắt giàu vitamin A, E...
Bài viết trên đã đưa ra câu trả lời cụ thể cho thắc mắc "Viễn thị có tăng độ không?". Mong rằng bài viết đã cung cấp những kiến thức cơ bản về viễn thị tới bạn. Và đừng quên theo dõi trang web của Hà An Pharmacy để cập nhật những kiến thức về y học và đời sống nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp