Tổ đỉa dị ứng: Nguyên nhân và cách xử trí
Tình trạng tổ đỉa với tên khoa học là Dyshidrotic eczema là bệnh viêm da do vi nấm gây ra, trên nền bệnh là phản ứng dị ứng của người bệnh. Bệnh tổ đỉa dị ứng có thể kéo dài từ 3 tới 4 tuần và tự khỏi nếu người bệnh không còn tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi kháng nguyên kích thích phản ứng dị ứng, tình trạng tổ đỉa có thể trở thành bệnh mãn tính, gây nhiều bất tiện cho người bệnh.
Tổ đỉa dị ứng là gì?
Bệnh tổ đỉa dị ứng hay chàm tổ đỉa do dị ứng là một tình trạng bệnh da liễu phổ biến có nguồn gốc từ nấm. Người có cơ địa dễ dị ứng, khi tiếp xúc với tác nguyên gây dị ứng như thành phần mỹ phẩm, thức ăn, lông vật nuôi...Khiến nấm ký sinh trên da có cơ hội phát triển và gây tổ đỉa dị ứng.
Trong thời kỳ bùng phát bệnh, vùng da bị tổ đỉa dị ứng hình thành các mụn nước, khó vỡ. Các mụn nước có thể tập trung thành từng cụm hay rải rác, thường tập trung ở vùng tiếp xúc nhiều như bàn tay, da chân.
Tổ đỉa dưới da không đe dọa trực tiếp sức khỏe người mắc bệnh, nhưng gây nhiều bất tiện bởi tình trạng ngứa dữ dội. Hơn thế, tổ địa dị ứng có thể diễn biến cấp tính hoặc mãn tính kéo dài, cũng có thể biểu hiện thành từng đợt tái phát, tùy thuộc vào tần suất với căn nguyên gây dị ứng ở người bệnh.
![Tổ đỉa dị ứng: Nguyên nhân và xử trí 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/To_dia_di_ung_nguyen_nhan_va_xu_tri_1_e05ea56388.jpg)
Các thể bệnh tổ đỉa dị ứng
Dựa vào tình trạng làn da bị tổ đỉa dị ứng mà thường được phân chia thành 4 thể bệnh:
- Thể giản đơn: Đây là thể bệnh thường gặp nhất. Ở thể này, vùng da bị tổ đỉa chưa lan rộng hay ăn sâu. Bệnh được đánh giá ở mức độ nhẹ tới trung bình.
- Thể nhiễm khuẩn: Thể bệnh này thường bị nhầm với thể giản đơn nếu không quan sát kỹ. Tuy nhiên, lúc này vùng da bị tổ đỉa bị tổn thương sâu và rộng hơn. Có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da, biểu hiện bởi mụn mủ thay vì mụn nước thông thường.
- Thể bọng nước: Đây được đánh giá là thể bệnh dễ gây tổn thương da. Ở thể bệnh này, nếu vùng da tổn thương không được chăm sóc đúng cách, các mụn nước sẽ tăng dần về kích thước, tạo thành các bọng nước trên da.
- Thể khô: Đây là thể bệnh đặc biệt, dễ phân biệt so với ba thể bệnh trên. Ở thể này, vùng da bị tổ đỉa dị ứng sẽ không xuất hiện các mụn nước đáng ghét. Thay vào đó, vùng da bị tổ đỉa sẽ đỏ rát, tróc vảy.
Dù ở thể bệnh nào, tình trạng tổ đỉa dị ứng sẽ chỉ lan rộng sang các vùng da khác mà không lây lan giữa người với người. Nếu người bệnh có hướng xử trí đúng, chăm sóc vùng da bị tổn thương đúng cách, các triệu chứng của tổ đỉa dị ứng có thể khỏi hoàn toàn sau 3 tới 4 tuần.
Các nguyên nhân khác gây tình trạng tổ đỉa
Ngoài nguyên nhân thường gặp nhất là do người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, nhiều yếu tố khác đã được các nhà khoa học xác định là tạo điều kiện thuận lợi trong đợt bùng phát bệnh, có thể kể tới:
- Nhiễm khuẩn: Môi trường ô nhiễm, tiếp xúc hóa chất độc hại khiến da dễ bị nhiễm khuẩn. Đồng thời, tạo điều kiện cho vi nấm có điều kiện phát triển và biểu hiện thành tình trạng tổ đỉa.
- Người bị suy giảm miễn dịch: Suy giảm miễn dịch là tình trạng người bệnh bị giảm khả năng chống chọi với bệnh tật tới từ môi trường. Do đó, không chỉ vi nấm gây tổ đỉa mà người bệnh còn dễ mắc phải các bệnh khác như viêm phổi, nhiễm trùng cơ quan…
- Do gen di truyền: Người có bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột bị tổ đỉa dị ứng có nguy cơ bị tổ đỉa dị ứng hơn người bình thường.
- Nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân kể trên, tổ đỉa có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân như căng thẳng và stress, mắc chàm do cơ địa…
Bệnh tổ đỉa dị ứng có nguy hiểm không?
Tổ địa dị ứng là bệnh da liễu, không gây nguy hiểm tới sức khỏe hay tính mạng của người mắc. Tuy nhiên, do triệu chứng đi kèm mà tổ đỉa dị ứng gây nhiều bất tiện trong đời sống hàng ngày. Đồng thời, bệnh tổ đỉa thường biểu hiện trên bề mặt da, nơi tiếp xúc và cọ sát thường xuyên với môi trường bên ngoài nên khó chữa dứt, dễ tái phát. Tổ địa dị ứng có thể gây ra các tác hại:
- Mất thẩm mỹ: Vùng da mắc tổ đỉa thường sần sùi, mẩn đỏ thường xuyên gây mất sự mềm mịn của làn da. Không những vậy, trong trường hợp tổ đỉa nặng, vùng da bị tổn thương để lại những vết sẹo vĩnh viễn.
- Sinh hoạt bất tiện: Giai đoạn bùng phát là giai đoạn bất tiện nhất. Biểu hiện với những cơn ngứa dữ dội và đau rát, đặc biệt vùng da bàn tay và bàn chân nơi tập trung nhiều mụn nước.
- Bội nhiễm vi khuẩn: Khi mụn nước vỡ ra do gãi, cọ xát…là môi trường tuyệt vời hỗ trợ vi khuẩn phát triển, chuyển từ thể giản đơn sang thể nhiễm khuẩn. Đồng thời, làm tình trạng tổ đỉa dị ứng ngày càng trầm trọng, khó trị dứt điểm.
Biện pháp khắc phục tổ đỉa dị ứng tại nhà
Tuy biện pháp tại nhà không thể hiệu quả bằng thuốc điều trị nhưng là cứu cánh tuyệt vời trong thời gian bùng phát với những cơn ngứa dữ dội, giúp giảm bớt triệu chứng trên da. Một số biện pháp có thẻ áp dụng:
- Sử dụng đá lạnh chườm khoảng 15 phút giúp làm dịu vùng da bị tổ đỉa dị ứng. Tránh tiếp xúc trực tiếp đá lạnh lên vùng da tổn thương, nên chườm qua khăn sạch hoặc túi chườm chuyên dụng.
- Tránh vùng da tổn thương bị cọ xát hay trầy xước do gãi. Giữ móng tay ngắn là một cách giúp hạn chế tổn thương da nếu bạn vô tình gãi vùng tổn thương.
- Nếu nghi ngờ dị ứng với bất cứ căn nguyên gì, từ thành phần trong các sản phẩm vệ sinh, nước rửa tay cho tới kim loại niken, coban có trong thực phẩm. Bạn nên ngừng sử dụng khoảng một tuần để theo dõi tiến triển của tình trạng tổ đỉa: Cơn ngứa có giảm đi? Các nốt mụn nước xẹp dần…
- Tháo các loại trang sức như nhẫn, đồng hồ đeo tay, vòng tay…khi vệ sinh, tránh nước và xà phòng đọng lại trên da tay.
- Nghỉ ngơi đủ, giải tỏa căng thẳng và lo lắng. Uống đủ nước và ngủ đủ giấc giúp nâng cao thể trạng sức khỏe toàn diện.
![Tổ đỉa dị ứng: Nguyên nhân và xử trí 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/To_dia_di_ung_nguyen_nhan_va_xu_tri_4_dbb706119e.jpg)
Qua bài viết này, Hà An Pharmacy đã đem đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản về tình trạng tổ đỉa dị ứng. Hy vọng qua bài viết này, độc giả có thể có những hiểu biết cơ bản về căn bệnh này. Tổ đỉa dị ứng không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt cũng như gây mất thẩm mỹ làn da. Vì vậy, nếu tình trạng tổ đỉa dị ứng có tiến triển nặng dần, bạn cần khám bác sĩ da liễu để có phương pháp điều trị phù hợp.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp