Tiểu đường thai kỳ ăn táo được không?
Táo được mệnh danh là một trong 10 loại trái cây ngon nhất thế giới. Với hương vị thơm ngon, dưỡng chất dồi dào, dễ ăn và lâu ngán, táo được nhiều mẹ bầu lựa chọn cho các bữa ăn phụ. Nếu sức khỏe bình thường, mẹ bầu có thể vô tư ăn táo. Nhưng nếu bị đái tháo đường thai kỳ thì sao? Tiểu đường thai kỳ ăn táo được không? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay sau đây!
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường là căn bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Theo Hiệp hội Đái tháo đường thế giới dự đoán, năm 2030 sẽ có khoảng 578 triệu người mắc chứng bệnh này. Đây là bệnh lý rối loạn chuyển hóa đường trong máu do thiếu hoặc kháng insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao bất thường.
Bệnh tiểu đường thai kỳ khác bệnh tiểu đường thứ phát, tuýp 1 hay tuýp 2 ở chỗ nó chỉ xảy ra với phụ nữ và chỉ phát triển trong giai đoạn mang thai. Bệnh có thể tự khỏi sau sinh từ 1 đến 3 tháng. Đái tháo đường thai kỳ xảy ra do cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
- Nguyên nhân chủ quan: Do chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu thay đổi. Nhu cầu dinh dưỡng tăng cao nên lượng đường nạp vào cơ thể tăng lên. Trong khi đó cơ thể không sản xuất đủ insulin để chuyển hóa lượng đường đó thành năng lượng.
- Nguyên nhân khách quan: Do sự gia tăng của các hormone estrogen, cortisol và sự xuất hiện của một số hormone nhau thai. Chúng có thể làm giảm tác dụng của insulin và làm lượng đường trong máu tăng lên.
Một số phụ nữ bị tiểu đường trước khi mang thai gọi là đái tháo đường tiền sản. Chỉ khi bệnh lý này phát triển trong quá trình người phụ nữ mang thai mới gọi là tiểu đường thai kỳ. Theo thống kê, cứ trong 7 bà bầu sẽ có 1 người bị đái tháo đường thai kỳ. Và có khoảng 50% trong số đó có thể mắc tiểu đường tuýp 2 sau 5 - 10 năm.
![tiểu đường thai kỳ ăn táo được không 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_tao_duoc_khong_1_ea5e9392ba.jpeg)
Lợi ích của trái táo với sức khỏe bà bầu
Trước khi tìm hiểu tiểu đường thai kỳ ăn táo được không, chúng ta cùng tìm hiểu những lợi ích của táo với sức khỏe bà bầu.
- Trái táo có thể được sử dụng như một món ăn vặt lành mạnh, giúp bổ sung năng lượng cho mẹ bầu. Phụ nữ mang thai thường xuyên có cảm giác đói bụng và thèm đồ ngọt. Ăn táo giúp thai phụ hạn chế sử dụng bánh kẹo, nước ngọt và những đồ ăn thiếu lành mạnh khác.
- Polyphenol trong trái táo điều hòa quá trình chuyển hóa chất béo nên hữu ích trong việc kiểm soát cân nặng.
- Chất xơ trong trái táo là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho những lợi khuẩn đường ruột. Ăn táo rất tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu, giúp giải quyết tình trạng táo bón hay tiêu chảy thường gặp.
- Chất chống oxy hóa quercetin có trong trái táo có tác dụng giúp cơ thể tăng miễn dịch, nâng cao sức khỏe cho bà bầu.
- Quercetin và triterpenoids trong cả vỏ và thịt táo đều có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư.
- Ăn một trái táo có thể đáp ứng 14% nhu cầu vitamin C của cơ thể/ngày. Vitamin C trong táo cũng giúp cơ thể tăng đề kháng, hạn chế ốm vặt khi mang thai.
- Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, những phụ nữ ăn ít nhất 1 trái táo mỗi ngày liên tục trong 6 tháng có thể tăng 4% lượng cholesterol tốt và giảm 23% lượng cholesterol xấu.
- Các chất chống oxy hóa có trong trái táo giảm tình trạng thiếu hụt dopamine - nguyên nhân dẫn đến bệnh Parkinson. Đồng thời, chúng cũng kích thích sản xuất chất kết nối tế bào thần kinh Acetylcholin giúp tăng cường trí nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
- Acid chlorogenic và catechin trong táo giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và giảm tổn thương dạ dày.
Tìm hiểu: Một quả táo chứa bao nhiêu calo
![tiểu đường thai kỳ ăn táo được không 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_tao_duoc_khong_2_a725a8d4b8.jpg)
Tiểu đường thai kỳ ăn táo được không?
Một trái táo trung bình cung cấp khoảng 25 gram carbs - một con số khá cao. Lượng chất bột đường này có thể làm tăng đường huyết. Nhưng táo cũng chứa nhiều chất xơ. Chúng có thể làm chậm quá trình hấp thu carbs và giúp đường huyết không bị tăng đột ngột.
Táo có vị ngọt cho chúng ta biết nó chứa khá nhiều đường. Đường trong táo là loại đường tự nhiên fructose - tốt hơn và ít ảnh hưởng đến đường huyết hơn các loại đường tinh chế. Thêm vào đó, hợp chất thực vật có tên polyphenol trong trái táo cũng làm chậm quá trình hấp thu carbs.
Một tin cực vui với những thai phụ yêu thích loại trái cây này là nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh hợp chất thực vật trong táo có thể nâng cao độ nhạy insulin, giảm kháng insulin. Ví dụ polyphenol có thể kích thích giải phóng insulin ở tuyến tụy. Một kết quả nghiên cứu cho thấy những phụ nữ ăn táo mỗi ngày có thể giảm đến 28% nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 so với những người không ăn.
Chưa hết, các chất chống oxy hóa trong táo cũng cực hữu dụng trong việc kiểm soát đường huyết. Quercetin có thể làm chậm quá trình tiêu hóa carbs. Axit chlorogenic giúp cơ thể chuyển hóa đường hiệu quả hơn. Phlorizin có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường. Anthocyanins giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2.
Với câu hỏi tiểu đường thai kỳ ăn táo được không? Câu trả lời của các chuyên gia dinh dưỡng là có. Nhưng bà bầu cần kiểm soát lượng táo ăn hàng ngày.
![tiểu đường thai kỳ ăn táo được không 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_tao_duoc_khong_3_41b2ca11da.jpg)
Tiểu đường thai kỳ ăn táo sao cho đúng cách?
Thai phụ bị mắc chứng đái tháo đường khi ăn táo cần lưu ý những điều sau:
- Mẹ bầu không nên ăn táo vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh đầy bụng, khó tiêu. Các acid hữu cơ trong trái táo có thể làm tăng tiết acid dạ dày làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.
- Lượng táo phù hợp dành cho mẹ bầu bị tiểu đường là 1 trái mỗi ngày. Mẹ bầu nên ăn táo vào bữa phụ, cách bữa chính từ 1 - 2 tiếng. Chia nhỏ lượng để ăn nhiều lần trong ngày cũng là cách hữu ích để ổn định đường huyết.
- Khi ăn táo, mẹ bầu nên cắt giảm lượng carb nạp vào cơ thể từ những thực phẩm khác.
- Ăn cả vỏ táo sẽ rất tốt cho mẹ bầu. Thai phụ cũng không nên uống nước ép táo bởi nó nhiều đường và không có chất xơ, rất dễ làm tăng đường huyết đột ngột.
- Với bệnh nhân tiểu đường, táo xanh sẽ tốt hơn táo đỏ bởi ít đường và calo hơn.
Với những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ, tìm hiểu tiểu đường thai kỳ nên ăn gì rất quan trọng. Việc lựa chọn thực phẩm cần căn cứ vào carbs, chất béo và protein trong đó. Trong đó cần lưu ý nhất là hàm lượng carbs (chất bột đường) - chất có ảnh hưởng lớn đến lượng đường huyết. Tiểu đường thai kỳ ăn táo được không? Câu trả lời là có nhưng phải ăn có giới hạn mẹ bầu nhé!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp