Thoái hóa đốt sống có mang thai được không? Những điều mẹ bầu cần biết
Thoái hóa cột sống không chỉ xảy ra ở người già mà nay còn ở người trẻ và phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới. Vậy trường hợp nếu phụ nữ bị thoái hóa đốt sống có mang thai được không? Nếu mang thai, bà bầu sẽ gặp những nguy hiểm gì? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về tác hại của bệnh thoái hóa đốt sống trong thai kỳ, từ đó tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi trên nhé.
Thoái hóa đốt sống có mang thai được không?
Bệnh thoái hóa đốt sống ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe, tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để trả lời cho câu hỏi: "Phụ nữ bị thoái hóa đốt sống có mang thai được không?", các chuyên gia khuyến cáo rằng phụ nữ đang bị thoái hóa cột sống thì chưa nên mang thai mà nên điều trị, khi nào kiểm soát bệnh ổn định mới nên có con. Vì bệnh không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng đến cả sự phát triển của thai nhi.
Thoái hóa đốt sống là gì?
Cột sống được cấu tạo gồm 33 đốt xương kéo dài từ hộp sọ đến xương chậu và được xếp chồng lên nhau thành khối. Các đốt sống được liên kết với nhau bằng một đĩa đệm. Vai trò của cột sống như một trụ cột giữ cơ thể được đứng thẳng, hỗ trợ cho các chi vận động linh hoạt, đồng thời bảo vệ nội tạng và các dây thần kinh.
Thoái hóa cột sống là tình trạng vùng cột sống (gồm thân đốt sống, đĩa đệm và mỏm gai xương) bị hao mòn, tổn thương và mất dần cấu trúc cũng như chức năng.
Vì sao bị thoái hóa đốt sống không nên mang thai?
Phụ nữ bị thoái hóa đốt sống nếu mang bầu sẽ khiến bệnh ngày càng nặng thêm do các nguyên nhân sau:
- Áp lực từ thai nhi: Khi người bị thoái hóa đốt sống lưng có thai, dạ con ngày càng lớn làm thay đổi hình dáng cơ thể của người mẹ cũng như thay đổi tư thế của cột sống. Sự phát triển của thai nhi gây tổn thương các đốt xương và đĩa đệm. Do đó, dây thần kinh xung quanh cũng bị đè nén, gây đau nhức khó chịu ở vùng hông, thắt lưng, thậm chí là cả tay và chân.
- Trọng lượng cơ thể gia tăng: Phụ nữ mang bầu thường tăng cân nhanh chóng. Trọng lượng cơ thể của phụ nữ khi mang thai có thể tăng thêm 25% so với ban đầu, tạo nên sức ép lên vùng thắt lưng và hai chân của mẹ bầu. Không những vậy, việc thai nhi phát triển lớn dần cũng khiến trọng lực phân bổ không đều, tạo áp lực lớn hơn cho cột sống, gây nên tình trạng đau lưng, nhất là vùng lưng dưới.
- Sự thay đổi của cơ thể: Trong lúc mang thai, tử cung của người mẹ giãn nở hơn, khiến các cơ và dây chằng xung quanh bị kéo căng, dẫn đến yếu cơ bụng cũng như gây ra tình trạng đè nén lên dây thần kinh.
- Hormone nội tiết thay đổi: Trong quá trình mang thai, hormone nội tiết tố relaxin và estrogen đều sẽ gia tăng về nồng độ. Sự thay đổi của những loại hormone này khiến các khớp xương vùng chậu bị nới lỏng cũng như làm giãn dây chằng. Mẹ bầu cảm thấy khó chịu ở thắt lưng, vận động và di chuyển khó khăn hơn.
- Thiếu hụt canxi: Tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể của người mẹ phải được huy động để xây dựng các thành phần vật chất của thai, trong đó lượng canxi để tạo xương cho thai là rất lớn. Người mẹ còn phải cung cấp cả phần canxi dự trữ của mình cho thai. Như vậy các đốt sống bị thoái hóa sẽ bị tổn thương nhiều hơn, sau khi sinh dễ bị biến dạng thêm.
Xem thêm: Ảnh hưởng của thoái hóa cột sống thắt lưng trong cuộc sống như thế nào?
![Thoái hóa đốt sống có mang thai được không? Những điều mẹ bầu cần biết 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thoai_hoa_dot_song_co_mang_thai_duoc_khong_nhung_dieu_me_bau_can_biet_2_0dcc60f1d8.jpg)
Triệu chứng của bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu
Bệnh thoái hóa đốt sống sẽ gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý mẹ bầu, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi:
- Đau nhức vùng thắt lưng và xương chậu: Đây là triệu chứng được xem là tiêu biểu nhất. Theo nhiều thống kê trong lĩnh vực y tế, 76% phụ nữ mang thai bị đau nhức vùng chậu, đặc biệt là khi thai kỳ bắt đầu phát triển nhanh hơn. Triệu chứng có thể là đau âm ỉ, nhưng cũng có trường hợp đau nhói, đau buốt rất khó chịu.
- Đau vùng cổ - vai - gáy: Một số ít trường hợp cũng gặp tình trạng thoái hóa đốt sống cổ với cảm giác đau nhức, cứng cơ cổ cũng như cúi và xoay đầu khó khăn.
- Chân bị tê ngứa và yếu sức: Thoái hóa xương sống sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa với triệu chứng có thể bị tê ngứa, nóng ran ở hai chân, bàn chân, ngón chân. Trường hợp dây thần kinh tọa bị đè nén trong thời gian dài, mẹ bầu có thể bị yếu, mất sức ở chân, khiến quá trình di chuyển khó khăn.
Như vậy, bệnh thoái hóa đốt sống sẽ gây nhiều tác hại cho sức khỏe mẹ bầu và ngược lại việc có thai sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn. Đây cũng là lời giải đáp cho thắc mắc bị thoái hóa đốt sống có mang thai được không.
Thoái hóa đốt sống có chữa khỏi được không?
Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể nên không thể chữa khỏi dứt điểm được. Vậy thoái hoá cột sống có chữa khỏi không? Nếu điều trị đúng phương pháp, người bệnh có thể kiểm soát được triệu chứng bệnh, ngăn chặn những tổn thương đến xương khớp và làm chậm quá trình lão hóa. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị an toàn và hiệu quả sau:
Sử dụng liệu pháp nhiệt nóng/lạnh
Biện pháp sử dụng nhiệt lượng luôn được đánh giá cao khi điều trị các cơn đau cấp tính đột ngột gây khó chịu. Phương pháp này không chỉ mang lại tác dụng nhanh chóng mà còn an toàn khi dùng vì không gây kích ứng. Nhờ vào tác động của dòng nhiệt, giúp lưu thông máu trong cơ thể, làm giảm cơn đau rõ rệt.
Cách thực hiện rất đơn giản, người bệnh chỉ cần dùng túi sưởi hoặc lấy vài viên đá lạnh rồi chườm lên vùng bị đau trong khoảng vài phút. Chườm lại vài lần trong ngày để gia tăng thêm hiệu quả sử dụng.
Một số động tác giãn cơ an toàn
![Thoái hóa đốt sống có mang thai được không? Những điều mẹ bầu cần biết 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thoai_hoa_dot_song_co_mang_thai_duoc_khong_nhung_dieu_me_bau_can_biet_3_37e3541d06.png)
Mẹ bầu bị thoái hóa đốt sống nên vận động thường xuyên. Việc luyện tập đều đặn các bài tập giãn cơ có tác dụng giảm đau nhức, cải thiện cơ bắp và tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó, tập thể dục thể thao cũng thúc đẩy trao đổi chất và tuần hoàn máu trong cơ thể.
Tuy nhiên, không phải bài tập nào cũng phù hợp với người bệnh thoái hóa đốt sống. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh cần sự trợ giúp của các chuyên gia vật lý trị liệu để xây dựng hệ thống bài tập tại nhà hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo những bài tập yoga chữa thoái hóa cột sống.
Dành nhiều thời gian đi bộ hơn
Thoái hóa cột sống thắt lưng có nên đi bộ không? Đi bộ quãng ngắn là một trong những biện pháp cải thiện sức khỏe hiệu quả nhất đối với người bị thoái hóa đốt sống. Bài tập này giúp cải thiện tư thế, giảm thiểu tình trạng tê nhức, yếu sức ở hai chân và tăng cường sự ổn định cho vùng thắt lưng, làm giảm cơn đau vùng thắt lưng.
Khi mới bắt đầu tập có thể đi bộ quãng ngắn khoảng 5 phút mỗi ngày, sau đó có thể tăng lên 10 đến 15 phút mỗi ngày. Với hình thức vận động này, bạn lưu ý không ép bản thân vận động quá mức và nhớ uống đầy đủ nước sau khi vận động. Bạn có thể tìm hiểu thoái hoá cột sống nên tập gì để hồi phục hiệu quả.
Khi bệnh đã thuyên giảm và bạn muốn mang thai, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn những điều cần thiết.
Xem thêm:
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp