Thiếu máu nhược sắc ở trẻ tuổi dậy thì là bệnh gì?
Thiếu máu nhược sắc là tình trạng thường gặp ở trẻ tuổi dậy thì. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bé uể oải, kém năng động và học tập không hiệu quả. Sau đây là tất cả những thông tin cha mẹ cần biết về bệnh thiếu máu nhược sắc tuổi dậy thì.
Thiếu máu nhược sắc ở trẻ tuổi dậy thì là bệnh gì?
Chứng thiếu máu nhược sắc ở tuổi dậy thì là gì?
Thiếu máu nhược sắc (hypochromic anemia), hay còn được gọi là “thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc”, là tình trạng suy giảm số lượng huyết sắc tố trong tế bào khiến hồng cầu nhỏ và nhạt màu hơn bình thường. Hậu quả của tình trạng này là khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào trong cơ thể bị suy giảm.
Bệnh thiếu máu nhược sắc được đánh giá qua những chỉ số sinh hóa như sau:
- Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC): nhỏ hơn 280g/l
- Lượng huyết sắc tố trung bình có trong một hồng cầu (MCH): nhỏ hơn 27pg
- Thể tích trung bình hồng cầu (MCV): nhỏ hơn 60fl
Thiếu máu nhược sắc được đặc trưng bởi lượng huyết sắc tố trong hồng cầu ít.
Thống kê của một tạp chí sức khỏe cho biết khoảng 20 - 25% thiếu nữ xuất hiện triệu chứng thiếu máu nhược sắc tuổi dậy thì. Do đó, cha mẹ nên chú trọng chế độ ăn giàu dinh dưỡng để giúp trẻ hạn chế tình trạng này.
Thiếu máu nhược sắc có những dấu hiệu nào?
Những bé mắc phải chứng thiếu máu nhược sắc sẽ xuất hiện những triệu chứng như:
- Sức chịu đựng kém, cơ thể mệt mỏi, ủ rũ, suy nhược
- Da tái xanh, nhợt nhạt
- Thường hay nhức đầu, chóng mặt, ù tai, kém tập trung
- Chán ăn, đầy hơi, bụng khó chịu, rối loạn tiêu hóa
- Tóc khô và dễ gãy rụng
- Móng tay, móng chân giòn, bị biến dạng và dễ gãy
- Cơ thể chậm phát triển
- Khó thở, tim đập nhanh khi làm việc nặng nhọc
- Thường xuyên bị viêm nướu, lưỡi sưng đau, môi nứt nẻ
- Thiếu năng động so với độ tuổi
Khó thở khi làm việc nặng nhọc là một trong những dấu hiệu của thiếu máu nhược sắc.
Nguyên nhân gây thiếu máu nhược sắc là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, phải kể đến là:
- Thiếu sắt: Chất sắt là thành phần tạo nên hemoglobin (huyết sắc tố), là một loại protein có nhiệm vụ mang oxy đến từng tế bào trong cơ thể. Tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu hụt huyết sắc tố khiến cơ thể bị suy nhược.
- Rối loạn huyết sắc tố: Phân tử hemoglobin có cấu trúc bất thường do rối loạn chuyển hóa vitamin B6, ngộ độc chì, ngộ độc thuốc isoniazid hoặc sử dụng thuốc chloramphenicol.
- Bệnh thalassemia: Bất thường về mặt di truyền tạo nên những tế bào hồng cầu khiếm khuyết và dễ bị phá hủy.
- Thiếu vitamin: Chế độ ăn không cung cấp đủ một số loại vitamin quan trọng như vitamin B9 hay vitamin B12 có thể khiến quá trình sản xuất hồng cầu bị trì trệ.
- Bệnh lý gây viêm: Những căn bệnh như bệnh thận, viêm khớp dạng thấp, ung thư, HIV/AIDS, bệnh Crohn... có thể gây cản trở quá trình sản xuất hồng cầu của cơ thể.
- Bệnh lý đường tiêu hóa: Các bệnh đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày và tình trạng nhiễm ký sinh trùng như giun móc, không những gây mất màu mà còn khiến cơ thể khó hấp thụ sắt hơn bình thường.
- Bệnh lý tủy xương: Bệnh bạch cầu và bệnh tủy khiến tủy xương sản xuất ít hồng cầu hơn.
Chế độ ăn như thế nào để cải thiện sức khỏe?
Sau đây là những thực phẩm tốt cho người bị thiếu máu nhược sắc:
- Rau xanh đậm màu: Các loại rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, cải bó xôi… là nguồn cung cấp vitamin B9 và vitamin B12 dồi dào.
- Các loại hạt và quả hạch: Các loại hạt như hạt điều, hạt bí ngô, óc chó… chứa nhiều sắt, protein, chất béo có lợi và nhiều dưỡng chất khác.
- Thịt nạc đỏ: Thịt bò là loại thực phẩm giàu đạm, chất sắt và các loại khoáng chất khác.
- Ức gà: Cung cấp chất đạm và chất sắt giúp hạn chế triệu chứng thiếu máu.
- Đậu nành hoặc chế phẩm từ đậu nành: Chúng là nguồn protein và chất sắt từ thực vật được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích sử dụng.
- Hải sản: Các loại sò, ốc, ghẹ, cua, tôm là thực phẩm tốt cho những ai bị thiếu máu nhược sắc.
- Trái cây: Ổi, dâu, sơ ri, cam, đu đủ… là những loại trái cây giàu vitamin C giúp cải thiện bệnh thiếu máu nhược sắc.
Đu đủ là trái cây giàu vitamin C tốt cho những ai bị thiếu máu nhược sắc.
Bên cạnh việc ăn uống, có thể điều trị triệu chứng thiếu máu nhược sắc bằng cách sử dụng viên uống bổ sung chất sắt theo chỉ định của bác sĩ. Nếu thiếu máu do bệnh lý trong cơ thể, bé cần được điều trị nguyên nhân gây bệnh để ngăn chặn những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Uyên
Nguồn tham khảo: Tổng hợp