Tật dính thắng lưỡi có nguy hiểm hay không?
Trẻ nhỏ bị dính thắng lưỡi có nguy hiểm không là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh. Dính thắng lưỡi nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh hoạt của trẻ. Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về vấn đề này mời ba mẹ cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi nhé!
Dính thắng lưỡi là bệnh gì?
Dính thắng lưỡi là dị tật bẩm sinh nhẹ do dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) ngắn, làm lưỡi không thể cử động bình thường.
Theo các số liệu thống kê, thông thường sẽ có khoảng 4 đến 5% trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi khi vừa mới chào đời. Trẻ có thể được phát hiện ngay sau sinh hoặc trong những tháng đầu khi khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm chủng,… Ngoài ra, đối với một số gia đình tình trạng này có thể sẽ được phát hiện muộn hơn khi ba mẹ thấy con khó bú, khó phát âm hay chậm lên cân.
Tật dính thắng lưỡi ở bé có thể gặp ở 2 dạng mức độ là dính thắng lưỡi nhẹ (còn gọi là dính thắng lưỡi một phần bởi thắng lưỡi ngắn) hoặc dính thắng lưỡi nhiều (còn gọi là dính thắng lưỡi hoàn toàn).
Dấu nhận biết bệnh dính thắng lưỡi
Tùy thuộc vào mức độ dị tật mà trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng khác nhau, điển hình như:
- Quá trình bú sữa gặp nhiều khó khăn, bé thường bú rất lâu dẫn đến chậm lên cân và hay quấy khóc.
- Cử động của lưỡi trẻ bị giới hạn nên sẽ gặp tình trạng nói không rõ tiếng, ngọng.
- Chiều dài của thắng lưỡi ngắn hơn bình thường.
- Đầu lưỡi hơi vuông, phẳng không thể thè ra ngoài môi hay chạm nóc vòm họng.
- Nếu để ý ba mẹ sẽ thấy khi con khóc, lưỡi của trẻ có hình trái tim.
- Răng cửa của hàm dưới bị nghiêng, khoảng cách giữa hai răng khá thưa gây mất thẩm mỹ.
Dính thắng lưỡi có nguy hiểm không?
Mặc dù trẻ bị dính thắng lưỡi không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể tác động trực tiếp đến sự phát triển miệng của con và việc nói, ăn uống, nuốt thức ăn cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Cụ thể là một số vấn đề dưới đây:
- Con bị dị dính thắng lưỡi thường sẽ gặp khó khăn khi bú sữa mẹ vì không thể ngậm núm vú đúng cách. Việc này có thể khiến trẻ không nhận được đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Răng cửa của hàm dưới sẽ bị thưa. Khi dây thắng lưỡi bị dính rất có thể sẽ tạo ra khoảng trống giữa hai răng nằm ở phía hàm dưới. Và nếu không được phát hiện sớm lâu dần sẽ làm răng của bé bị ảnh hưởng, xô sang hai bên gây mất thẩm mỹ.
- Nói chuyện, phát âm hàng ngày cũng bị ảnh hưởng. Một số âm tiết con sẽ bị khó phát âm như là t, s, d, th, r, l và z.
- Lưỡi không thể hoạt động thuận tiện trong miệng, vì vậy nếu răng không được vệ sinh thật kỹ thì rất dễ gặp vấn đề răng miệng như: sâu răng, mắc thức ăn,…
- Việc chơi những loại nhạc cụ phải lấy hơi hoặc liếm môi cũng sẽ vô cùng khó khăn. Rất nhiều trẻ không thể làm được.
Dính thắng lưỡi có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào cấp độ dính thắng lưỡi
Cách chữa trị bệnh dính thắng lưỡi
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu dính thắng lưỡi, phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế gần đó để được chẩn đoán mức độ. Theo các chuyên gia, ba mẹ nên điều trị bệnh cho con càng sớm càng tốt, thậm chí là ở thời điểm trẻ sơ sinh vừa mới xuất viện.
Phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của dị tật là nhẹ hay nặng mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp trị bệnh khác nhau. Ở mức độ dính thắng lưỡi 1 và 2, thắng lưỡi có thể nới lỏng theo thời gian nên sẽ tự biến mất khi trẻ lớn lên mà không gây ảnh hưởng gì.
Còn đối với cấp độ 3 và 4 do bệnh tiến triển khá nghiêm trọng nên bác sĩ sẽ áp dụng phẫu thuật cắt thắng lưỡi cho trẻ. Nếu bé dưới 3 tuổi thì sẽ được bôi hoặc tiêm thuốc tê rồi dùng dao điện cắt phần thắng lưỡi. Sau khoảng 30 phút, trẻ có thể bú sữa mẹ và xuất viện về nhà.
Trường hợp với những trẻ lớn hơn, sau khi đã gây tê hoặc gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bằng máy cắt đốt hoặc dao mổ và khâu vết thương.
Trên đây là những giải đáp cho thắc mắc “dính dây thắng lưỡi có nguy hiểm không”. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp cha mẹ “bó túi” thêm được nhiều thông tin hữu ích trong quá trình chăm sóc con yêu.
Lan Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp