Người bị gai cột sống có nên đi bộ không?
Một trong những môn vận động được nhiều người lựa chọn tập luyện để cải thiện sức khỏe đó là đi bộ. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân bị gai cột sống có nên đi bộ không? Vì những hoạt động không đúng cách có thể làm người bệnh phải đối mặt với tình trạng đau, nhức mỏi hoặc tệ hơn là biến chứng. Bài viết dưới đây tư vấn cho người bị gai cột sống nên làm gì để cải thiện tình trạng bệnh.
Tập luyện thể thao có tốt cho người bị gai cột sống không?
Gai cột sống là bệnh lý khá phổ biến và thường gặp nhất là ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Khi tuổi càng cao, chức năng xương bắt đầu bị suy giảm, tình trạng thoái hóa khớp và loãng xương dần xuất hiện.
Bệnh gai cột sống là tình trạng xảy ra khi các mô sụn trong khớp xương bị khô, mất nước nghiêm trọng, sau đó bị canxi hóa. Khi lượng canxi tích tụ một lượng đủ quanh các khớp sẽ biến thành các gai xương, gây chèn ép lên dây thần kinh hoặc cọ mạnh vào xương, khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức và khó khăn khi di chuyển.
Hiện nay, ngoài các phương pháp sử dụng thuốc và vật lý trị liệu để khắc phục gai cột sống, thì vận động bằng các bài tập, chơi môn thể thao phù hợp cũng là một trong những biện pháp nhằm hỗ trợ quá trình điều trị. Cách hoạt động thể thao đúng cách sẽ giúp người bệnh tăng phạm vi chuyển động của các khớp xương, tăng sự dẻo dai cho cột sống, từ đó các cơn đau cũng có xu hướng giảm nhẹ về tần suất và cường độ.
![nguoi-bi-gai-cot-song-co-nen-di-bo-khong-2.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguoi_bi_gai_cot_song_co_nen_di_bo_khong_2_3f6e33a566.jpg)
Nhiều người bệnh sau một thời gian tập luyện đúng cách cảm thấy cơn đau có xu hướng thuyên giảm một cách đáng kể. Vậy khi bị gai cột sống có nên đi bộ không? Các bài tập cho người bị gai cột sống là gì? Chúng ta hãy cùng tiếp tục tìm hiểu.
Bị gai cột sống có nên đi bộ không?
Vậy bệnh nhân bị gai cột sống có nên đi bộ không? Đi bộ được đánh giá là môn thể thao bổ ích, phương pháp vận động an toàn, tốt cho sức khỏe cũng như hệ xương khớp, góp phần cải thiện được triệu chứng đau thắt lưng, đặc biệt là các bệnh nhân bị gai cột sống.
Bên cạnh đó, đi bộ cũng mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho người bệnh như: Tăng độ dẻo dai cho cơ thể, giảm nguy cơ loãng xương, tăng độ đàn hồi của xương khớp, giúp cân nặng được kiểm soát ở mức hợp lý, hỗ trợ cấu trúc cột sống, các cơ ở thân người, hông và bắp chân được rắn chắc.
Bệnh nhân gai cột sống có thể đi bộ khoảng 30 - 45 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, trong thời gian đi bộ bệnh nhân cần lưu ý thực hiện đúng tư thế chuẩn thì việc vận động này mới mang lại hiệu quả.
Vậy bị gai cột sống nên làm gì để có tư thế đi bộ chuẩn? Tư thế đúng dành cho các bệnh nhân là: Đầu ngẩng cao, hai mắt nhìn thẳng, hai vai thả lỏng, đánh tay theo nhịp bước đi, vừa đi vừa đánh tay nhẹ nhàng, đi với tốc độ vừa phải, không nên đi quá nhanh hoặc quá chậm. Trong quá trình đi bộ, người bệnh cần lưu ý giữ nhịp thở ổn định, đi với tốc độ vừa phải, các bước chân nhịp nhàng.
![nguoi-bi-gai-cot-song-co-nen-di-bo-khong-3.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguoi_bi_gai_cot_song_co_nen_di_bo_khong_3_ec07bb3610.jpg)
Một số môn thể thao tốt cho người bị gai cột sống
Đạp xe
Bên cạnh việc đi bộ, người bệnh thoái hóa cột sống có thể đạp xe để cải thiện tình trạng bệnh và triệu chứng đau. Đi xe đáp giúp dây chằng trở nên linh hoạt hơn, giảm thiểu hiện tượng lắng đọng canxi và ít vôi hóa hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động khi đạp xe giúp rễ thần kinh không bị chèn ép, cải thiện cơn đau rõ rệt.
Người bệnh nên đạp xe 2 - 3 lần/tuần với tốc độ chậm. Thời gian đầu, người bệnh chỉ nên đi với quãng đường ngắn khoảng 1 - 2 km, sau đó tăng dần tùy thuộc vào sức khỏe. Để cơ thể không mất sức, nên đạp xe cần kết hợp hít thở sâu, không nên đi nhanh.
Bơi lội
Bơi lội cũng là một trong những môn thể thao phù hợp với bệnh nhân bị gai cột sống. Bộ môn này không chỉ giúp nhóm cơ lưng và các khớp được dẻo dai hơn mà còn làm giảm quá trình thoái hóa cột sống, cải thiện chứng đau lưng hiệu quả.
Mỗi tuần bạn nên bơi khoảng 3 buổi, mỗi buổi kéo dài từ 25 - 30 phút. Trong thời gian đầu, bạn có thể bơi chậm, sau đó tăng dần theo khả năng trong các buổi tiếp theo.
Những kiểu bơi khuyến khích người bị gai cột sống thực hiện đó là bơi ngửa hay bơi tự do. Trường hợp bệnh nhân bị gai cột sống thắt lưng cần tránh một số kiểu bơi đòi hỏi vận động lưng nhiều như bơi ếch, bơi bướm.
Tập yoga
Yoga là phương pháp lý tưởng để cải thiện tình trạng đau mỏi xương khớp, đau các chi, lưng và hỗ trợ chữa chứng đau lưng. Việc luyện tập yoga mỗi ngày sẽ giúp gân, cơ, các khớp xương của người bệnh luôn khỏe mạnh, dẻo dai, linh hoạt, từ đó làm giảm hiện tượng đau nhức,nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc tự tập luyện có thể dẫn đến sai tư thế, hạ thấp hiệu suất của việc tập luyện hoặc tạo tiền đề cho các biến chứng khác. Do đó, bệnh nhân nên đăng ký các khóa học yoga, nhờ huấn luyện viên hướng dẫn các bài tập chuẩn trước rồi mới tự tập tại nhà.
Các bài tập yoga gai cột sống cơ bản như: Tư thế cây cầu, tư thế con mèo, tư thế rắn hổ mang. Tuy nhiên, với những người gặp vấn đề về xương cụt hoặc thắt lưng thì nên hạn chế các động tác mạnh như chống đẩy, vặn người, cúi gập hoặc xoay eo.
![nguoi-bi-gai-cot-song-co-nen-di-bo-khong-4.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguoi_bi_gai_cot_song_co_nen_di_bo_khong_4_0b52ba531f.jpg)
Những điều cần lưu ý khi tập luyện thể thao ở người bị gai cột sống
Đi bộ là hoạt động tốt, hỗ trợ chữa gai cột sống và dễ thực hiện. Nhưng để phương pháp này đạt hiệu quả cao, người bệnh gai cột sống cần lưu ý một số điều sau:
- Trước khi vận động hoặc thực hiện các bài tập thể thảo, bạn cần khởi động kỹ trước khi tập để làm ấm cơ thể, giúp máu lưu thông tốt đến các cơ, tránh chấn thương phát sinh trong quá trình tập luyện.
- Khi mới bắt đầu đi bộ trong khoảng 30 phút, bạn nên thực hiện bước đi chậm rãi, sau đó tăng dần tốc độ về sau, bước chân dứt khoát hơn. Bạn nên duy trì thực hiện đều mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh.
- Với những bài tập gai cột sống như yoga, đầu tiên bạn nên thực hiện các bài tập ngắn, đơn giản, sau đó tăng dần cường độ theo thời gian nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, không gây ra cơn đau.
- Người bệnh không nên ăn quá no, chỉ nên ăn nhẹ trước đi tập luyện.
- Chọn quần áo thoáng mát và giày tập thể thao thoải mái, tiện dụng.
- Tránh những môn thể thao không phù hợp với bệnh cột sống: Nâng tạ, đá bóng, bóng rổ, đánh golf, nâng chân khi nằm sấp,…
- Nếu bệnh nhân là người thường xuyên hoạt động thể thao, vận động với cường độ lớn thì cũng nên cân bằng lại. Tố nhất, bạn không nên luyện tập quá 3 giờ đồng hồ mỗi ngày. Trường hợp bắt buộc phải luyện tập thì nên giãn cách, có khoảng nghỉ ngơi giữa các lúc tập luyện và có tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nên thay đổi các thói quen xấu có thể gây tổn thương cho xương khớp như nằm hoặc ngồi quá lâu, nằm sấp khi ngủ, cúi đầu thường xuyên, gù lưng khi sử dụng thiết bị điện tử,... Các tư thế ngồi sai hoặc nằm sai có thể gia tăng áp lực cho vùng xương gần đó khiến xương bị tổn thương và tiếp tục có nguy cơ sinh các gai mới.
![nguoi-bi-gai-cot-song-co-nen-di-bo-khong-5.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguoi_bi_gai_cot_song_co_nen_di_bo_khong_5_405c0aba75.jpg)
Trên đây là những thông tin giúp bạn giải đáp câu hỏi bị gai cột sống có nên đi bộ không? Qua đó cho thấy, việc đi bộ mang đến nhiều lợi ích cho những người mắc bệnh lý xương khớp, đặc biệt là người bị gai cột sống đặc trưng với những cơn đau ở lưng dưới và vùng cổ, dễ lan sang khu vực vai gáy.
Bệnh nhân bị gai cột sống trước khi chọn các bài tập thể dục hoặc môn thể thao theo gợi ý trên đây nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập. Bên cạnh đóm bệnh nhân bị gai cột sống nên có kế hoạch điều trị cụ thể sớm và duy trì chế độ luyện tập đều đặn để bệnh được chữa dứt điểm.