Một số thông tin về viêm họng hạt ở trẻ em cha mẹ cần biết

Trẻ nhỏ bị viêm họng hạt thường sẽ kèm theo sốt cao, họng đau khiến các bé ăn uống khó khăn. Do đó, phụ huynh nên tìm hiểu thêm một số thông tin về bệnh viêm họng hạt ở trẻ em để có thể nhận biết sớm bệnh lý ở con trẻ, từ đó có chế độ chăm sóc và điều trị phù hợp.

Dấu hiệu trẻ bị viêm họng hạt

Viêm họng hạt ở trẻ em thường là do vi khuẩn Streptococcus nhóm A (liên cầu khuẩn) gây ra. Bệnh thường bùng phát mạnh vào cuối mùa thu đông, đầu mùa xuân và đối tượng thường gặp là những trẻ trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, nhìn chung viêm họng hạt có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi hay giới tính nào.

Dấu hiệu viêm họng hạt ở trẻ em:

  • Amidan bị sưng đỏ, xuất hiện các đốm trắng trong cổ họng. Đây là dấu hiệu rõ ràng và đặc trưng nhất của bệnh viêm họng hạt do trẻ bị vi khuẩn Streptococcus nhóm A xâm nhập.
  • Sốt trên 38 độ C, ớn lạnh.
  • Các tuyến dưới hàm sưng tấy, đau nhức.
  • Trẻ bị khó nuốt, đau họng nên chán ăn, kèm theo đau đầu, đau bụng, nôn mửa.
  • Một số trẻ bị nổi ban đỏ khắp người.
Một số thông tin về viêm họng hạt ở trẻ em cha mẹ cần biết 1
Viêm họng hạt ở trẻ em có nhiều dấu hiệu đặc trưng

Đối với những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mới biết đi mà đã bị nhiễm liên cầu khuẩn, có thể trẻ sẽ chỉ bị sốt và chảy nước mũi đặc, đôi lúc có lẫn máu. Những triệu chứng khó chịu này làm bé cáu kỉnh và biếng ăn. Ngoài ra, trẻ bị viêm họng hạt thường sẽ bị sưng hạch ở cổ. Thông thường, ở những trẻ mới biết đi sẽ bị đau bụng gặp nhiều hơn đau họng, đôi lúc xuất hiện ban đỏ.

Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng nêu trên còn tuỳ thuộc vào mức độ bệnh lý của từng bé. Nếu bé bị viêm họng hạt kèm theo cảm lạnh, sổ mũi thì nguy cơ bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn thấp hơn.

Phương pháp điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm họng hạt

Khi bé bị viêm họng hạt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé tới bác sĩ để được kê đơn kháng sinh điều trị bệnh hiệu quả. Để bệnh nhanh khỏi, trẻ cần uống thuốc đầy đủ và đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Khi điều trị bằng kháng sinh, phụ huynh lưu ý không dừng thuốc sau vài ngày khi thấy các triệu chứng của con đã thuyên giảm, như vậy có thể tạo cơ hội để các vi khuẩn còn lại bị kháng thuốc và gây nhiễm trùng nặng hơn.

Ngoài ra, để bé cảm thấy dễ chịu hơn khi bị viêm họng hạt, phụ huynh có thể:

  • Cho trẻ uống nước trái cây hoặc nước mát để giúp giảm đau.
  • Nếu trẻ đủ lớn có thể hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối ấm để làm dịu cổ họng, bớt đau và ngứa.
  • Có thể cho trẻ uống nước ấm pha với trà hoặc mật ong (lưu ý không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi).
  • Nếu viêm họng hạt ở trẻ em làm bé bị đau nhiều, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau. Tuyệt đối không cho trẻ dùng aspirin và tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Dùng máy phun sương hoặc máy tạo ẩm trong phòng của trẻ để giúp làm dịu cổ họng của trẻ, không bị khô cổ họng.
Một số thông tin về viêm họng hạt ở trẻ em cha mẹ cần biết 2
Cho trẻ uống bổ sung các loại nước trái cây để tăng cường sức đề kháng

Viêm họng hạt ở trẻ em có lây không?

Viêm họng hat ở trẻ em do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra nên rất dễ lây truyền qua các giọt bắn trong không khí. Vi khuẩn có thể lây lan bằng những đường sau:

  • Khi người bị bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt li ti có thể bám trên bề mặt của đồ chơi, tay nắm cửa hay những vật dùng chung khác.
  • Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh khi họ đang ho hoặc hắt hơi, hoặc tiếp xúc với đồ dùng bị vi khuẩn bám trên bề mặt. Sau đó, trẻ đưa tay lên miệng hoặc mũi. Sau khi tiếp xúc, 2 đến 5 ngày sau các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện.
  • Khi trẻ bị viêm họng hạt, cha mẹ nên giữ trẻ ở nhà cho đến khi các triệu chứng giảm dần.
  • Người lớn không có nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn nhưng có thể truyền vi khuẩn cho trẻ dù bản thân không bị bệnh.
  • Người lớn chăm sóc trẻ bị viêm họng hạt cũng cần rửa tay thường xuyên, thay áo quần và giặt khăn lau mặt, khăn tắm và drap gối đã sử dụng.

Biện pháp đề phòng viêm họng hạt ở trẻ em

Để phòng ngừa bệnh viêm họng hạt ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý:

  • Thường xuyên rửa tay cho trẻ, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay sau khi ho, hắt hơi.
  • Trẻ về từ trường học hoặc các nơi công cộng khác cần được tắm rửa sạch sẽ.
  • Nếu trong gia đình có người bị nhiễm liên cầu khuẩn, không được dùng chung đồ dùng cá nhân.
  • Nếu trẻ bị viêm họng hạt sốt cao, sau khi hết sốt nên thay bàn chải đánh răng của trẻ.
Một số thông tin về viêm họng hạt ở trẻ em cha mẹ cần biết 3
Nên dạy cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn

Viêm họng hạt ở trẻ em thường khiến các bé bị đau và khó chịu ở họng, thậm chí còn phát ban và sốt cao. Do đó khi có bất kì dấu hiệu nào của bệnh lý này, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị, hạn chế nguy cơ về sau.

Như Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo