Hướng dẫn cách phân biệt cà gai leo và cà độc dược
Cà gai leo và cà độc dược cùng thuộc họ cà lại, hình dáng có nhiều điểm tương đồng nên dễ gây nhầm lẫn. Vì công dụng, cách dùng và hàm lượng độc tố trong hai loại cà dược liệu này khác nhau nên chúng ta cần biết cách phân biệt cà gai leo và cà độc dược trước khi sử dụng. Không phân biệt được và dùng nhầm mục đích thì dù là dược liệu tốt đến mấy cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Điểm giống nhau giữa cà gai leo và cà độc dược
Cây cà gai leo còn được biết đến với các tên gọi khác như cà gai dây, cà lù, cà quánh, cà vạnh. Tên khoa học của cà gai leo là Solanum procumbens Lour. Cây cà độc dược cũng có nhiều tên gọi khác nhau như cà lục lược, sùa tùa, mạn đà la, cà diên, cà dược. Tên khoa học của cà độc dược là Datura metel L. Dù là hai loài khác nhau nhưng giữa chúng cũng có nhiều đặc điểm chung như:
Đều thuộc họ nhà cà và đều dùng làm thuốc chữa bệnh
Điểm chung đầu tiên của hai loài thực vật này là đều thuộc họ nhà cà và trong thành phần hóa học đều có dược tính nên đều được dùng làm thuốc chữa bệnh. Y học cổ truyền Trung Hoa và Việt Nam có nhiều bài thuốc chữa bệnh từ 2 loài thảo dược này và chúng còn được lưu truyền đến tận ngày nay. Về công dụng:
- Cà gai leo có các tác dụng như: Bảo vệ tế bào gan, tốt cho chức năng gan, hỗ trợ điều trị viêm gan, phòng ngừa ung thư, chữa phong thấp, phòng ngừa hen suyễn, giảm đau nhức xương khớp, chữa cảm cúm hiệu quả.
- Cà độc dược được dùng trong các bài thuốc chữa đau xương khớp, viêm xoang, hen suyễn, đau thần kinh tọa, mụn nhọt, sâu răng,…
![phan-biet-ca-gai-leo-va-ca-doc-duoc-1.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/phan_biet_ca_gai_leo_va_ca_doc_duoc_1_c19841d1a8.jpg)
Giống nhau và thành phần dược lý và hóa học
Trong thành phần hóa học của cả hai loại cà này đều có chữa các alkaloid. Alkaloid là nhóm các hợp chất có chứa nitơ (nhiều nhất), carbon, hydro, oxy,… được tổng hợp bởi nhiều vi khuẩn, nấm. Các hợp chất này nhằm bảo vệ cây khỏi các tác nhân gây hại như ký sinh trùng, côn trùng, nấm, động vật ăn cây cỏ.
Thực tế, alkaloid được ứng dụng trong y học với công dụng giảm đau, gây tê. Nhưng nếu dùng quá liều chúng có thể gây tác dụng phụ hoặc ngộ độc ngoài ý muốn.
Đối tượng không được sử dụng
Cả hai loại cà được liệu này đều không thể dùng tùy tiện. Một số đối tượng không phù hợp để sử dụng cà gai leo và cà độc dược như:
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc phụ nữ mới sinh đang nuôi con bằng sữa mẹ.
- Người đang mắc các bệnh lý liên quan đến thận, tim mạch, cao huyết áp.
- Người đang có bệnh lý nền và đang dùng thuốc điều trị hoặc điều trị bệnh theo phác đồ đặc biệt.
- Trẻ em không được dùng các bài thuốc từ cà gai leo hay cà độc dược.
![phan-biet-ca-gai-leo-va-ca-doc-duoc-2.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/phan_biet_ca_gai_leo_va_ca_doc_duoc_2_fa545cc054.jpg)
Tại sao cần phân biệt cà gai leo và cà độc dược?
Nếu muốn chữa bệnh bằng hai loại dược liệu trên, tốt nhất chúng ta nên biết cách phân biệt cà gai leo và cà độc dược. Lý do là bởi trong cả 2 dược liệu này đều có độc tính nhưng độc tính trong cà độc dược nặng hơn. Nếu nhận biết và sử dụng nhầm sẽ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cà độc dược, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người dùng.
Ngoài nhóm hợp chất Alkaloid mà cả cả gai leo cùng cà độc dược đều có, riêng cà độc dược còn có thêm các thành phần độc tố khác như hyoscyamine, atropine, scopolamine. Các thành phần này nếu dùng quá liều sẽ gây ra các triệu chứng ngộ độc hơi giống ngộ độc rượu như:
- Ngộ độc atropine gây triệu chứng giảm tiết mồ hôi, khô miệng, khó nói, khó nuốt, tim đập nhanh, giãn đồng tử, da nóng đỏ, ảo giác, mê sảng hoặc hôn mê.
- Ngộ độc scopolamine trong cây cà độc dược gây các triệu chứng mất định hướng, ảo giác, mất trí nhớ, mê sảng hay phấn khích thái quá.
- Ngộ độc hyoxin cũng có triệu chứng gần giống với ngộ độc atropine nhưng các triệu chứng ức chế thần kinh sẽ nhiều hơn phấn khích, người bệnh cũng bị giãn đồng tử nhanh hơn.
Người hít khói từ cây cà độc dược, nếu bị ngộ độc sẽ xuất hiện triệu chứng sớm nhưng tác dụng thường ngắn hơn. Người ăn phải hoa, lá, quả cà độc dược nếu ngộ độc, triệu chứng xuất hiện muộn hơn nhưng lại kéo dài hơn.
![phan-biet-ca-gai-leo-va-ca-doc-duoc-3.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/phan_biet_ca_gai_leo_va_ca_doc_duoc_3_9a3587dcfb.jpg)
Hướng dẫn cách phân biệt cà gai leo và cà độc dược
Bằng cách quan sát mắt thường, chúng ta cũng có thể phân biệt cà gai leo và cà độc dược nếu nắm bắt được các đặc điểm khác biệt giữa hai loài. Cụ thể là:
Cà gai leo | Cà độc dược |
Là loài thực vật sống lưu niên. | Là loài thực vật sống hàng năm. |
Cà gai leo thường mọc thành bụi, cây bò trườn dưới mặt đất hoặc leo vào các cây cối, vật thể xung quanh. | Cây cà độc dược là loài thân thảo, mọc thẳng, có thể cao đến 2m. |
Thân cây nhỏ, hóa gỗ, có lông trắng và nhiều gai nhọn trên toàn thân, từ gốc đến ngọn. Thân và cành cây đều màu xanh. | Gốc cây hóa gỗ, thân và cành non lông tơ. Thân và cành có màu xanh hoặc tím, tùy từng giống cà độc dược. |
Lá cà gai leo có kích cỡ nhỏ hơn và mỏng hơn cà độc dược. Là mọc đối xứng, hình trứng hoặc thuôn dài. | Lá cà độc dược là lá đơn, hình trứng, kích cỡ lớn hơn và dày hơn lá cà gai leo. |
Hoa màu trắng hoặc tím, nhỏ, mọc thành cụm. | Hoa cà độc dược có hình giống hoa rau muống, màu trắng, tím hoặc lai giữa trắng và tím. Hoa cà độc dược là hoa đơn, khá lớn. |
Quà khi xanh màu xanh, khi chín màu đỏ mọng, bóng và bắt mắt. | Quả lớn hơn cà gai leo, kho già có gai nhọn, bên trong nhiều hạt màu nâu. |
Độc tính nhẹ hơn. | Độc tính mạnh hơn và có thể đe dọa tính mạng con người. Thậm chí chất độc trong cà độc dược còn được Bộ Y tế quản lý như thuốc độc bảng A. |
Trong Đông y, cà gai leo có vị hơi the, tính ấm. | Cà độc dược có vị cay, tính ôn. |
Chất gây độc trong cà gai leo là Alkaloid | Ngoài, Alkaloid, cây cà độc dược còn có chứa các chất độc khác như hyoscyamine, atropine, scopolamine. |
Được bào chế thành các loại viên uống cà gai leo, trà cà gai leo rất tiện sử dụng. | Chưa có dạng bào chế sẵn để sử dụng liền. |
Nếu không thể phân biệt cà gai leo và cà độc dược, việc nhầm lẫn sẽ khó tránh khỏi. Ngộ độc cà độc dược có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Tốt nhất, người dân không nên tự ý sử dụng cả hai loại dược liệu này nếu chưa có sự hướng dẫn của các thầy thuốc. Khi có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cách điều trị khoa học nhất.
Xem thêm: