Sơ cứu cầm máu vết thương ở tĩnh mạch và mao mạch gồm mấy bước?
Có thể nói, vết thương ở mạch máu là một dạng cấp cứu ngoại khoa. Sau khi sơ cứu vết thương mạch máu đúng cách, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sơ y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Vì sao vết thương mạch máu nguy hiểm?
Vết thương mạch máu rất nguy hiểm vì chúng có thể gây tử vong nhanh chóng bởi có thể gây nên tình trạng sốc mất máu do không sơ cứu kịp thời hoặc không đúng cách, sốc nhiễm độc do chuyển hóa yếm khí, gây nhiễm trùng đặc thù (gây nhiễm trùng huyết, hoại thư sinh hơi, bệnh uốn ván). Do vậy việc nhận diện bản thân đang bị vết thương ở dạng mạch máu nào để có giải pháp can thiệp kịp thời là cực kỳ quan trọng.
Vết thương mạch máu không phải chỉ là chảy máu, vì có một số dạng vết thương huyết mạch đã ngưng chảy. Do vậy việc khám lâm sàng có thể phát hiện được vết thương mạch máu:
- Ngay đường đi của mạch máu có vết thương bạch khí hay hỏa khí: Lúc người bệnh bị thương, vết thương chảy máu đỏ và bắn thành tia, tụ quanh vết thương, đặc biệt là khi máu tụ lan rộng và đập theo nhịp tim, nghe tại chỗ gióng như có tiếng thổi và sờ thấy rung.
- Xuất hiện các triệu chứng thiếu máu ngoại biên: Chân tay lạnh, giảm vận động và cảm giác, mạch ngoại vi giảm hoặc mất đi, độ bão hòa oxy ở phần ngọn chi giảm.
![Các bước sơ cứu cầm máu vết thương ở tĩnh mạch và mao mạch 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cac_buoc_so_cuu_cam_mau_vet_thuong_o_tinh_mach_va_mao_mach_ac0186ee32.jpeg)
Sơ cứu vết thương mạch máu
Theo đó, nguyên tắc khi điều trị những vết thương mạch máu là phải sơ cứu vết thương mạch máu đúng phương pháp, đúng mạch máu và mau chóng để duy trì chức năng sống cho người bệnh.
Một số nguyên tắc sơ cứu vết thương mạch máu
Sơ cứu vết thương mạch máu cần phải khẩn trương, nhanh chóng: Nguyên tắc này là nguyên tắc quan trọng nhất, nhằm mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất sự chảy máu, bởi càng để lâu thì khối lượng máu bị mất đi sẽ càng nhiều, lâu dần sẽ dẫn đến trường hợp người bị thương bị mất máu quá nhiều mà dẫn tới sốc và tử vong.
Sơ cứu vết thương mạch máu cần cầm máu đúng quy định và theo thuộc tính của vết thương: Tùy theo tính chất chảy máu của từng vết thương mà sơ cứu phải có những biện pháp cầm máu phù hợp như: Băng nút cho vết thương chột, đứt mạch máu ở trong sâu, băng ép cho vết thương do bị dập nát khối cơ lớn...
Các kỹ thuật sơ cứu vết thương thường gặp
Kỹ thuật sơ cứu đặt garô
Khi sơ cứu cầm máu vết thương theo kỹ thuật garô thì garô phải được đặt ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, gần với vết thương nhất. Sau đó nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện, lưu ý nên nhớ thời gian bắt đầu đặt garô.
Khi đặt garô, cứ một giờ là phải nới lỏng garô trong vài phút để cho máu chảy xuống, máu cơ thể vẫn tiếp tục nuôi dưỡng phần dưới chỗ bị thương, sau đó lại tiếp tục thắt garô trở lại nếu cảm thấy máu đã chảy qua.
Chỉ nên cầm máu vết thương bằng biện pháp đặt garô khi: Chi bị dập nát, không còn khả năng giữ lại và duy trì chức năng, đặt garô ở ngay nơi xảy ra tai nạn nhưng gần bệnh viện, thời gian di chuyển bệnh nhân tới bệnh viện dưới một giờ, đặt tạm thời trong một thời gian ngắn để chuẩn bị mổ.
Đè ấn động mạch để cầm máu
Phương pháp này tương đối dễ thực hiện hơn. Dùng tay ép chặt động mạch đoạn trên vết thương (chú ý gần tim hơn vết thương). Có thể sử dụng ngón tay cái hoặc cả nắm tay để ấn động mạch, tùy theo mức độ tổn thương nặng hay nhẹ và vị trí ấn.
![Các bước sơ cứu cầm máu vết thương ở tĩnh mạch và mao mạch 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cac_buoc_so_cuu_cam_mau_vet_thuong_o_tinh_mach_va_mao_mach_1_fda8497054.jpeg)
Băng ép cầm máu
Sử dụng băng ép cầm máu là dùng một cuộn băng hay một mảnh khăn gấp nhỏ lại rồi đặt lên vết thương và ép lên trên để cầm máu, sử dụng băng cuộn băng chặt quanh vết thương cho đến lúc không thấy máu thấm ra ngoài băng.
Băng ép cầm máu thường được dùng nhất là sử dụng mẫu băng chun. Phương pháp này đơn giản dễ thực hiện, có tác dụng cầm máu tốt và không gây hậu quả xấu đối với vùng bị tổn thương như gây tím tái, hoại tử.
Gập chi
Đây là phương pháp gấp mạnh các đoạn chi lại với nhau, gấp cánh tay với thân mình, đùi với bụng. Phương pháp này làm cho động mạch bị gấp lại và bị đè ép giữa các khối cơ bao quanh, có tác dụng sơ cứu cầm máu.
Phương pháp này nhanh, dễ thực hiện và có tác dụng cầm máu tốt. Tuy nhiên sẽ gây đau cho nạn nhân, không nên làm lâu và không áp dụng cho những trường hợp bị gãy xương.
Sơ cứu cầm máu vết thương ở tĩnh mạch và mao mạch gồm mấy bước?
Vết thương ở mao mạch và tĩnh mạch
Sơ cứu cầm máu vết thương ở tĩnh mạch và mao mạch gồm mấy bước? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm vì tĩnh mạch và mao mạch là một trong những mạch máu chiếm số lượng lớn trên cơ thể, nếu sơ cứu không đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Các bước sơ cứu cầm máu vết thương ở tĩnh mạch và mao mạch gồm:
- Bước 1: Dùng ngón tay cái bịt chặt miệng vết thương trong vài phút (cho đến khi thấy máu vết thương không chảy nữa).
- Bước 2: Sát trùng vết thương bằng cồn iốt hay nước muối sinh lý.
- Bước 3: Nếu vết thương nhỏ có thể dùng băng dán để cầm máu. Nếu vết thương lớn có thể cho miếng bông vào giữa hai miếng gạc rồi đặt nó vào miệng vết thương, sau đó dùng băng cuộn buộc chặt miệng vết thương lại.
![Các bước sơ cứu cầm máu vết thương ở tĩnh mạch và mao mạch 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cac_buoc_so_cuu_cam_mau_vet_thuong_o_tinh_mach_va_mao_mach_2_d85180cc32.png)
Vết thương chảy máu ở động mạch
Nếu có vết thương chảy máu ở động mạch thì trường hợp này vô cùng nguy hiểm, máu sẽ chảy liên tục và bắn thành tia. Người thân bệnh nhân cần cầm máu gấp và đưa họ đến bệnh viện càng nhanh càng tốt:
- Bước 1: Dùng tay bóp mạnh vào động mạch cánh tay trong vòng vài phút.
- Bước 2: Buộc garô (nên dùng dây cao su hay dây vải mềm, buộc chặt ở vị trí gần sát nhưng cao hơn vết thương, gần tim hơn vết thương). Lưu ý là chỉ nên buộc ga rô ở các vết thương máu chảy động mạch ở tay (chân). Cứ 15phút lại nới dây garô ra và buộc lại sau khi cảm thấy máu đã được lưu thông xuống các mô ở dưới vết buộc. Làm vâỵ để các bộ phận bên dưới không bị thiếu ôxi và các chất dinh dưỡng. Vết thương động mạch ở các vị trí khác chỉ nên dùng biện pháp ấn tay vào động mạch gần vết thương nhưng về phía tim.
- Bước 3: Sát trùng vết thương, đặt gạc và bông lên miệng vết thương rồi băng lại để tránh nhiễm trùng.
- Bước 4: Khẩn cấp đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện cấp cứu.
Trên đây là một số thông tin cũng như hướng dẫn sơ cứu cầm máu vết thương ở tĩnh mạch và mao mạch và cả động mạch. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp quý đọc giả có biện pháp cầm máu vết thương kịp thời, đúng cách.
Như Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp