Giải đáp: Say nắng ở bà bầu có nguy hiểm không?
Mùa hè với mức nhiệt độ gay gắt kéo dài trong một khoảng thời gian là thời điểm xuất hiện say nắng, đặc biệt ở các bà bầu. Do có thân nhiệt cao, sức đề kháng yếu nên khi gặp tình trạng say nắng ở bà bầu thường rất dễ bị choáng, thậm chí là ngất.
Dấu hiệu nhận biết say nắng ở bà bầu
Say nắng là hiện tượng xảy ra khi cơ thể bị phơi quá lâu dưới bức xạ (nhiệt, UV,…) của ánh nắng mặt trời. Say nắng thường xảy ra do sự tăng thân nhiệt quá mức (có thể lên tới trên 40,6 độ C), gây nên phản ứng viêm toàn thể. Đồng thời làm biến đổi, tê liệt hệ thần kinh, tri giác và sự rối loạn một số các chức năng sống. Phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị say nắng.
![Giải đáp: Say nắng ở bà bầu có nguy hiểm không 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_dap_say_nang_o_ba_bau_co_nguy_hiem_khong_1_e801625a5b.jpg)
Một số dấu hiệu nhận biết say nắng ở bà bầu đó là:
- Khi đi nắng về, bà bầu xuất hiện tình trạng tim đập nhanh, khó thở hoặc hơi thở yếu.
- Người bủn rủn, thiếu sức sống vì mất nước, da khô, mặt đỏ gay.
- Có hiện tượng chóng mặt, buồn nôn.
- Cơ bắp bị co rút, đặc biệt là phần cánh tay, bắp chân và cẳng chân.
- Cơ thể bị sốt cao (từ 38 - 40 độ C), có thể đổ hoặc không đổ mồ hôi.
- Một số trường hợp nặng hơn, có thể làm cho bà bầu xuất hiện ảo giác, cáu gắt, thậm chí hôn mê.
Phương pháp sơ cứu khi cho bà bầu bị say nắng
Say nắng khá nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Một số phương pháp sơ cứu dưới đây sẽ giúp tình trạng này thuyên giảm, giúp đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé.
Khi phát hiện thấy sản phụ xuất hiện dấu hiệu của tình trạng say nắng, say nóng, thì ngay lập tức bạn phải tìm những phương pháp giúp điều hòa lại thân nhiệt cho thai phụ. Ví dụ như: Đưa thai phụ vào nơi thoáng mát. Sau đó dùng quạt, dùng khăn ướt hoặc đá lạnh (nên bọc thêm lớp gạc mỏng để tránh tình trạng bỏng lạnh),… đắp lên trán, cổ, cánh tay, bắp chân, nách, háng. Lau toàn thân cho người bệnh.
![Giải đáp: Say nắng ở bà bầu có nguy hiểm không 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_dap_say_nang_o_ba_bau_co_nguy_hiem_khong_2_12a1766e93.jpg)
Cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát, nhiều dưỡng khí. Giúp kích thích sự hô hấp và làm tăng có chế tự tỏa nhiệt của cơ thể. Lưu ý: Nên để mẹ bầu nằm ngửa (thai nhi dưới 4 tháng) và nằm nghiêng bên trái (thai nhi trên 4 tháng), kết hợp kê cao chân giúp lưu thông mạch máu và khí huyết.
Cung cấp đủ lượng nước đã mất cho thai phụ. Ngoài ra, có thể cung cấp thêm cho thai phụ một số nước điều hòa như: Oresol hoặc các loại nước có vị chua như nước cam, nước chanh,... giúp mẹ bầu tái tạo lại lượng nước và muối trong cơ thể.
Sau những phương pháp giúp hạ thân nhiệt cho mẹ bầu, bạn cần đưa ngày họ đến bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất để các bác sĩ xử trí. Tuyệt đối không nên để thai phụ ở nhà, mặc dù thai phụ đã có dấu hiệu phục hồi. Bởi tình trạng say nắng có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Một số biện pháp chống hiện tượng say nắng ở bà bầu
Chính vì hệ lụy nguy hiểm sau khi bị say nắng, vì thế bà bầu cần có những cách che chắn cẩn thận, để hạn chế tình trạng say nắng diễn ra, đặc biệt vào thời điểm mùa hè. Dưới đây là một số cách khá hiệu quả, giúp mẹ bầu chống lại sự tấn công của bức xạ đến từ ánh nắng mặt trời.
Hạn chế di chuyển dưới trời nắng
Các mẹ bầu nên hạn chế ra ngoài, khi nhiệt độ đang cao, đặc biệt thời gian từ khoảng 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Bởi đây là thời điểm mà lượng tia UV và bức xạ của mặt trời là lớn nhất.
Trong trường hợp bắt buộc, mẹ bầu nên sử dụng các vật dụng che nắng như mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, bao tay chống nắng,... để hạn chế nhiệt và bức xạ ánh nắng tác động trực tiếp lên làn da.
Chọn những loại trang phục thoải mái, thoáng mát
![Giải đáp: Say nắng ở bà bầu có nguy hiểm không 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_dap_say_nang_o_ba_bau_co_nguy_hiem_khong_3_5ccf2e632c.jpg)
Hạn chế mặc đồ bó sát gây khó chịu, nóng bức, hoặc khó thở. Mẹ bầu nên chọn quần áo được làm từ chất liệu cotton, vải lanh, đảm bảo tối đa sự thoáng mát, và thấm mồ hôi tuyệt đối.
Ngoài ra, mẹ bầu nên cũng nên chọn đồ có màu sắc sáng, nhằm hạn chế hấp thụ nhiệt vào cơ thể như màu trắng, màu be, xanh nhạt, xanh lá cây, màu vàng, màu hồng nhạt…
Lập kế hoạch ăn uống khoa học
Bên cạnh việc lựa chọn những thực phẩm tốt cho bà bầu, thì cần bổ sung các thực phẩm mát, hoặc thức ăn có tính giải nhiệt. Dẫn chứng như: Đậu đen, các loại dưa, nước dừa, bí xanh, các loại củ (mã thầy, củ đậu), hoa quả mọng nước (dưa hấu, cam, quýt, chanh…), giúp cân bằng điện giải và giảm nhiệt cơ thể cho thai phụ.
Ngoài ra, các mẹ bầu cần bổ sung thêm một số dưỡng chất như: Vitamin, khoáng chất, protein,... đến từ thực phẩm tự nhiên, giàu dinh dưỡng, giúp tăng sức đề kháng, cũng như tránh hiện tượng kiệt sức khi thai nhi lớn dần.
Tránh các thực phẩm gây nóng và nhiều đường như: Vải, nhãn, mận, nước ngọt, nước mía…
Có chế độ sinh hoạt hợp lý
Mẹ bầu không nên thực hiện những động tác mạnh như: Tập gym, chạy bộ… hay ra vào những nơi có nhiệt độ dễ thay đổi.
Với những chia sẻ trên đây, hy vọng đã giúp bạn đọc có thêm một số thông tin hữu ích về tình trạng say nắng ở bà bầu. Từ đó, có những hướng xử lý kịp thời, cũng như phòng tránh tốt nhất để hạn chế gặp tình trạng say nắng này.
Minh Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp