Đục thủy tinh thể có nên mổ không?

Ở Việt Nam tỷ lệ mù lòa khá cao, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, nước ta có khoảng hai triệu người mù lòa, trong đó mù lòa do đục thủy tinh thể chiếm đến 66,1%. Đục thủy tinh thể là bệnh có thể hoàn toàn chữa được, mang lại hiệu quả hồi phục lại thị lực cho người bệnh.

Đục thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể là một thành phần quan trọng của nhãn cầu, có vai trò như một thấu kính trong suốt ở trong mắt. Thủy tinh thể nhờ các cơ thể mi có khả năng điều tiết độ dày mỏng của thấu kính, nhờ vậy giúp chúng ta có thể nhìn các vật ở khoảng cách xa gần khác nhau. Thủy tinh thể còn giúp lọc các tia tử ngoại, ngăn các tia có hại từ bức xạ mặt trời chiếu vào mặt. Các chức năng này chỉ được toàn vẹn khi thủy tinh thể còn trong suốt và bề mặt cong của nó nằm trong giới hạn bình thường.

Đục thủy tinh thể có nên mổ không? 1 Cấu tạo thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là tình trạng mờ đục của thủy tinh thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Sự lắng đọng, tích tụ các phân tử protein trong thủy tinh thể theo thời gian gây ra hiện tượng này. Các phân tử protein làm biến đổi độ trong, độ cong, độ dày, độ đàn hồi của thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể phân loại thành 3 nhóm chính bao gồm: Đục nhân, đục vỏ, đục bao. Mức độ đục cũng khác nhau, tiến triển từ bắt đầu đục đến đục hoàn toàn. Một trong những nguyên nhân chính của bệnh lý này chính là sự lão hóa của cơ thể, tuổi càng cao tỉ lệ mắc đục thủy tinh thể càng tăng.

Biểu hiện đục thủy tinh thể giai đoạn đầu thường mờ nhạt, dễ làm người bệnh bỏ qua, nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Ban đầu, bệnh nhân sẽ chỉ có biểu hiện nhìn mờ, chói mắt, cảm giác như có màng sương che mờ mắt,... Khi bệnh tiến triển, biểu hiện giảm thị lực rõ ràng hơn, nhìn thấy các điểm đen trước mắt, nhìn mờ nhiều, thậm chí gây mù lòa.

Đục thủy tinh thể có nên mổ không? 2 Đục thủy tinh thể gây nhìn mờ

Đục thủy tinh thể có nên mổ không?

Khi có các triệu chứng như trên, đặc biệt ở người trên 50 tuổi, cần nhanh chóng đi khám để chẩn đoán bệnh sớm, việc điều trị sớm cũng dễ dàng và hiệu quả tốt hơn. Tùy vào giai đoạn bệnh, mức độ tiến triển của bệnh mà người bệnh sẽ được bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp, giúp cải thiện thị lực và điều trị tình trạng đục nhân mắt một cách thích hợp nhất.

Ngoài sử dụng một số loại kính hỗ trợ thị lực, phẫu thuật thay thủy tinh thể là phương pháp an toàn, hiệu quả. Lịch sử của phẫu thuật đục thủy tinh thể đã có từ xa xưa, kéo dài ngàn năm. Ngày nay, mổ đục thủy tinh thể có nhiều tiến bộ vượt bậc với phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhờ vậy hiệu quả hồi phục thị lực ngày càng cao và giảm bớt các biến chứng. Vì vậy khi bị đục thủy tinh thể, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm tin tưởng vào lợi ích của phương pháp mổ điều trị đục thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể có nên mổ không? 3 Đục thủy tinh thể có nên mổ không?

Có nhiều phương pháp mổ đục thủy tinh thể, trong đó phương pháp PHACO là hiện đại, ưu việt, phù hợp với nhiều bệnh nhân nhất. PHACO là sử dụng năng lượng từ sóng siêu âm, không cần đến dao mổ, để tán thủy tinh thể bị đục thành những mảnh vụn nhỏ rồi chúng được hút ra ngoài nhờ một vết mổ rất nhỏ vài milimet, sau đó thủy tinh thể nhân tạo được thay vào. Phương pháp này có rất nhiều ưu điểm nổi trội như sau:

  • Thời gian thực hiện ngắn chỉ 10-15 phút.
  • Vết mổ nhỏ, tự liền, giảm bớt các biến chứng nhiễm trùng sau mổ.
  • Phẫu thuật gần như không gây đau, không gây chảy máu sau mổ.
  • Bệnh nhân thường có thể xuất viện ngay trong ngày.
  • Thị lực được cải thiện gần như hoàn toàn nhanh chóng chỉ sau mổ vài ngày. 

Chăm sóc sau khi mổ đục thủy tinh thể

Theo dõi sau mổ đục thủy tinh thể

Tuy được đánh giá là phương pháp mổ an toan nhất trong các loại phẫu thuật, nhưng mổ đục thủy tinh thể vẫn có một số biến chứng nhất định như nhiễm khuẩn, xuất huyết,…

Những ngày đầu sau mổ, người bệnh có thể có biểu hiện khó chịu như: Đỏ mắt nhẹ, cảm giác hơi cộm, chảy nước mắt,… Những biểu hiện này bệnh nhân không phải quá lo lắng vì nó sẽ tự hết sau 3-5 ngày sau mổ.

Bên cạnh đó, người bệnh cần theo dõi sát, đi khám lại ngay khi có một số dấu hiệu bất thường sau: Nhìn mờ trở lại, đỏ mắt nhiều, chảy nước mắt nhiều liên tục, đau nhức kéo dài, hay thấy hình ruồi bay hoặc chớp sáng trước mắt. Đó là những dấu hiệu cảnh báo của một số tình trạng sau mổ như nhiễm khuẩn, chảy máu, bong võng mạc, tăng nhãn áp,…

Chế độ ăn uống

Sau mổ, bệnh nhân có thể ăn uống hoàn toàn bình thường. Chế độ ăn nên được bổ sung tăng cường nhiều thực phẩm bổ cho mắt như vitamin A, B, C... trong các loại rau củ như cà rốt, quả cà chua, quả bơ, các loại rau cải xanh, các loại hạt… Người bệnh cũng nên tránh các chất kích thích, rượu bia, thức ăn cay nóng…

Biện pháp bảo vệ mắt sau phẫu thuật đục thủy tinh thể

Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng, chúng ta cũng cần thực hiện một số biện pháp để bảo vệ mắt, giúp mắt sáng khỏe sau mổ đục thủy tinh thể, bao gồm:

  • Sau mổ, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt.
  • Tiến hành vệ sinh mắt đúng cách hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%, lau quanh mắt bằng khăn mềm, sạch.
  • Hạn chế dùng các thiết bị điện tử quá lâu như máy tinh, điện thoại… Nếu phải làm việc với máy tinh cần cho mắt nghỉ ngơi mỗi 30 phút sau làm việc. Nếu làm việc hàn xì, cần có kinh bảo hộ để bảo vệ mắt.
  • Cần bảo vệ mắt khỏi khói bụi, các tia cực tím từ bức xạ ánh sáng mặt trời bằng cách đeo kính râm khi ra ngoài trời.
  • Nên đi ngủ sớm, tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe nói chung.
  • Nếu có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc sử dụng các thuốc có hại cho mắt,… cần thông báo với bác sĩ, và tiến hành thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng ảnh hưởng cho mắt.

Đục thủy tinh thể đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây mù lòa tại nước ta. Việc phát hiện bệnh sớm, và tiến hành mổ đục thủy tinh thể góp phần giảm bớt tình trạng mù lòa. Hy vọng với bài viết trên, người đọc có thể hiểu thêm về bệnh lý này cũng như có đáp án cho mình về câu hỏi "Đục thủy tinh thể có nên mổ không?".

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo