Decidophobia là gì? Làm sao để thoát khỏi Decidophobia?
Có bao giờ bạn cảm thấy bối rối khi đưa ra một quyết định nào đó, kể cả khi quyết định đó không thực sự quan trọng. Ví dụ như bạn không biết nên chọn chiếc áo màu xanh hay màu đỏ; bữa sáng nên ăn phở hay bánh mì? Những tình huống nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng nó có thể là dấu hiệu liên quan đến vấn đề về sức khỏe tâm lý của bạn. Nếu bạn thường xuyên gặp những vấn đề tương tự thì có lẽ bạn đang mắc hội chứng Decidophobia. Vậy chính xác thì Decidophobia là gì?
Decidophobia là gì?
Decidophobia không phải là thuật ngữ quá mới trong lĩnh vực tâm lý, tuy nhiên với những ai không phải là người trong ngành hoặc không mắc phải hội chứng này thì cụm từ này còn khá xa lạ. Decidophobia được hiểu là “hội chứng sợ hãi khi phải đưa ra quyết định”. Hội chứng này chỉ những người bị ám ảnh và mắc kẹt với việc phải đưa ra các quyết định trong cuộc sống. Tùy theo mức độ mà những người mắc phải hội chứng này sẽ phải đối mặt với sự khó khăn trong tâm lý khi đưa ra quyết định từ việc nhỏ đến việc lớn.
![Decidophobia là gì? Làm sao để thoát khỏi decidophobia? 0](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/decidophobia_la_gi_0_6bb5a65df9.jpg)
Những có khăn này có thể lớn đến mức khiến người bị chứng sợ quyết định cảm thấy lo lắng, hoảng loạn hoặc thậm chí căng thẳng kéo dài. Tuy không phải ai mắc phải hội chứng Decidophobia cũng gặp vấn đề nói trên, tuy nhiên thực tế cho thấy tỉ lệ xảy ra là rất cao.
Chính vì những ám ảnh và lo lắng nên những người bị chứng sợ quyết định này thường có xu hướng từ chối, né tránh những công việc, sự việc cần phải đưa ra quyết định trực tiếp. Và cũng chính điều này sẽ khiến họ gặp vấn đề trong lúc đi tìm lý do cho sự từ chối và né tránh đó. Nếu để điều này kéo dài, chúng sẽ phát triển và hình thành nên những bệnh như khủng hoảng tinh thần, căng thẳng, rối loạn lo âu hay trầm cảm,...
Biểu hiện của người bị Decidophobia
Sau khi đã biết Decidophobia là gì, một vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm đó là những dấu hiệu, biểu hiện của những người mắc phải hội chứng này. Không phải ai bị Decidophobia cũng ở mức nghiêm trọng, tùy vào mức độ mà người mắc chứng sợ quyết định cũng sẽ có những biểu hiện khác nhau. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến của người mắc hội chứng Decidophobia mỗi khi nghĩ đến hoặc sắp phải đưa ra một quyết định nào đó:
- Tìm cách né tránh việc phải đưa ra một quyết định bất kỳ.
- Có tâm lý hoang mang, lo lắng thậm chí là sợ hãi.
- Thở mạnh liên tục, nhịp tim và huyết áp tăng cao.
- Tiết nhiều mồ hôi, run rẩy chân tay, các cơ bắp căng cứng.
- Không thể kiểm soát và đối mặt với những lần phải đưa ra quyết định.
- Sợ hãi khi phải đưa ra nhiều quyết định một cách liên tục.
![Decidophobia là gì? Làm sao để thoát khỏi decidophobia? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/decidophobia_la_gi_1_3eabf5f44a.jpg)
Bên cạnh đó, những biểu hiện nêu trên có thể thay đổi và trở nên tiêu cực hơn nữa nếu người mắc hội chứng Decidophobia gặp thêm những tác động tâm lý khác, tùy vào mức độ.
Nguyên nhân dẫn đến Decidophobia
Qua những thông tin về Decidophobia là gì và biểu hiện mà Decidophobia đem lại cho người gặp hội chứng này, ta có thể thấy hội chứng sợ quyết định là một hội chứng khá nguy hiểm, thậm chí nó có thể ăn mòn tâm trí con người. Nhất là là với những đối tượng chưa có đủ kinh nghiệm sống như các bạn thanh thiếu niên, hay những người kém may mắn trong cuộc sống, những người từng trải qua thất bại, từng đưa ra quyết định sai lầm.
Vậy đâu là lý do khiến một người mắc hội chứng sợ quyết định? Trên thực tế, chưa có ai hay nghiên cứu nào khẳng định được cụ thể là nguyên nhân gì khiến một người mắc phải Decidophobia. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng môi trường sống và gen di truyền có thể là một trong những nguyên nhân cốt lõi trong việc hình thành cũng như phát triển thành hội chứng sợ hãi khi đưa ra quyết định.
Một người từng thất bại nhiều lần bởi những quyết định của bản thân sẽ dễ mắc phải hội chứng Decidophobia. Hoặc những người có người thân mắc các bệnh về tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm thì cũng có khả năng mắc Decidophobia cao hơn một người mà tất cả những người thân trong gia đình đều có sức khỏe tinh thần khỏe mạnh.
![Decidophobia là gì? Làm sao để thoát khỏi decidophobia? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/decidophobia_la_gi_2_39094f4050.jpg)
Làm sao để thoát khỏi Decidophobia?
Bất cứ một lời nói dối nào cũng có thời hạn, chỉ có sự thật mới là thứ tồn tại mãi mãi. Do đó, điều đầu tiên bạn cần làm là chấp nhận sự thật, chấp nhận việc bản thân đang cảm thấy lo lắng và sợ hãi trước những lần đưa ra quyết định, chấp nhận ra có thể mình đang mắc phải Decidophobia. Đó là tiền đề để bạn có thể thoát ra khỏi Decidophobia. Khi đã dám đối mặt với việc mình đang mắc phải hội chứng sợ đưa ra quyết định, bạn có thể thử vượt qua Decidophobia bằng cách:
- Tin tưởng bản thân: Bạn hãy thử tin tưởng và trao quyền cho chính mình. Để bản thân mình làm chủ trước những quyết định bằng cách phân tích, đưa ra những giả định về những quyết định sắp tới. Song song với đó, hãy không ngừng động viên cũng như nhắc nhở bản thân rằng mình sẽ làm được, mình có thể đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình được.
- Phân tích vấn đề trước khi đưa ra quyết định: Đừng để nỗi sợ chiếm cứ suy nghĩ của bạn mà hãy cố gắng điều chỉnh tâm trí và để não vận động. Hãy xem xét, phân tích các mặt lợi hại của vấn đề, thậm chí chuẩn bị sẵn cho những rủi ro có thể xảy ra và đưa ra lựa chọn thích hợp hơn với bạn ở thời điểm đó. Nếu làm được điều này, bản thân bạn sẽ ở tâm thế chủ động khi đối mặt kết quả do bạn quyết định nên, kể cả đó có là kết quả xấu nhất.
- Đúc kết kinh nghiệm và phát triển: Số người đưa ra quyết định đúng ngay trong những lần quyết định đầu tiên chỉ là thiểu số. Do đó cái bạn cần làm là chuẩn bị một tinh thần lạc quan, dám đương đầu với những quyết định sai lầm rồi từ đó học hỏi, rút ra kinh nghiệm cho những những quyết định tiếp theo.
- Học cách điều chỉnh nhịp thở: Việc điều chỉnh và kiểm soát nhịp thở sẽ giúp tâm lý của bạn vững vàng hơn. Từ đó giúp hạn chế những suy nghĩ lo lắng, sợ hãi, tiêu cực. Bạn có thể học cách điều chỉnh hơi thở thông qua việc ngồi thiền hay tập yoga.
![Decidophobia là gì? Làm sao để thoát khỏi decidophobia? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/decidophobia_la_gi_3_4c4f91ae52.jpg)
Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn để giải đáp cho thắc mắc Decidophobia là gì. Có lẽ đây là một tình trạng còn khá xa lạ, thế nhưng đối với những ai không may mắc phải thì những biểu hiện của nó sẽ xảy ra mỗi ngày, nhất là khi cuộc sống phải đối mặt với quá nhiều vấn đề cần phải đưa ra quyết định.