Đa nang buồng trứng có con được không?
Mang thai là quá trình khi buồng trứng của phụ nữ phóng noãn chín đậu vào niêm mạc tử cung, sau đó kết hợp với tinh trùng của nam tạo thành phôi. Phôi qua quá trình mang thai sẽ dần phát triển thành một sinh linh mới chào đời. Tuy nhiên, ở những phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng thì một lo lắng thường trực đó là liệu mắc đa nang buồng trứng có con được không?
Đa nang buồng trứng là gì?
Đa nang buồng trứng là một hội chứng rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản với nhiều tên gọi khác nhau như PCOS - Polycystic ovarian syndrome hoặc hội chứng Stein - Leventhal. Đa nang buồng trứng làm tăng tiết androgen mạn tính không phóng noãn với loại androgen chính là testosterone.
Buồng trứng đa nang thường chứa nhiều nang noãn có kích thước từ 2 tới 6mm và đôi khi xuất hiện những nang lớn hơn chứa các tế bào sẹo. Buồng trứng có thể phình to ra, lớp vỏ bên ngoài có thể dày và căng bóng.
Chính vì hội chứng đa nang buồng trứng tác động trực tiếp tới quá trình chín và phóng noãn nên chị em thường lo rằng rằng nếu bị đa nang buồng trứng có con được không? Hãy cùng tìm câu trả lời trong phần dưới đây nhé!
Nguyên nhân gây đa nang buồng trứng
Hiện chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng gây nên PCOS. Tuy nhiên, các nhà khoa học ghi nhận một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân mắc buồng trứng đa nang có bất thường chức năng của hệ thống enzyme cytochrome P450c17 ảnh hưởng tới enzyme 17-hydroxylase. Kết quả gây rối loạn chức năng phóng noãn hoặc hoàn toàn không phóng noãn, đồng thời tăng sản lượng nội tiết tố nam, với hormone chính là testosterone.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể góp phần gây nên hội chứng buồng trứng đa nang có thể kể tới như:
Cơ thể kháng insulin gây đa nang buồng trứng
Insulin là loại hormon được sản xuất từ tuyến tụy nội tiết, chúng có vai trò vô cùng quan trọng giúp điều hòa đường huyết trong cơ thể. Cụ thể, Insulin tham gia chuyển hóa lipid và carbohydrate thành năng lượng cung cấp cho cơ thể.
Theo thống kê, khoảng 70% phụ nữ mắc PCOS có hiện tượng kháng insulin, tức là các tế bào trong cơ thể họ giảm nhạy cảm với insulin. Từ đó, nồng độ đường huyết của những đối tượng này cũng bị rối loạn, đồng thời cơ thể cũng kích thích tăng tạo insulin. Chính lượng insulin dư thừa kích thích buồng trứng tăng tiết nội tiết tố nam, đặc biệt là testosterone, tác động tới quá trình phóng noãn.
Đa nang buồng trứng do di truyền
Nghiên cứu đã ghi nhận xác suất phụ nữ mắc buồng trứng đa nang cao hơn khi họ có chị gái hoặc mẹ cũng mắc buồng trứng đa nang. Nguồn gốc của gen có thể tới từ di truyền gen gây rối loạn hệ thống enzyme cytochrome P450c17 hay enzyme 17-hydroxylase. Cũng không thể loại trừ trường hợp người bệnh mang gen gây buồng trứng đa nang do quá trình đột biến gen mà không phải di truyền hoàn toàn.
Vì vậy, nếu trong gia đình chị em có mẹ hoặc chị gái mắc hội chứng này thì nên đi khám và kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần. Nhờ vậy, chị em có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh được nhiều triệu chứng cũng như phòng chống biến chứng của bệnh đa nang buồng trứng.
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt
Yếu tố góp phần gây nên bệnh buồng trứng đa nang có thể đến từ chế độ dinh dưỡng mất cân bằng. Một chế độ ăn với hàm lượng tinh bột và đường dư thừa gây nên tình trạng thừa cân, béo phì là thực trạng hay gặp ở phụ nữ mắc PCOS.
Tuy nhiên, người có thể trạng gầy cũng không loại trừ nguy cơ, đặc biệt ở đối tượng phụ nữ có thể trạng gầy nhưng béo vòng bụng.
Ngoài ra, chế độ sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng tới tình trạng bệnh, như căng thẳng kéo dài, ngủ không ngon giấc khiến cơ thể mệt mỏi…
Vì vậy, chị em cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng các nhóm thức ăn như tinh bột, mỡ, đạm và thực vật. Đồng thời, chị em cũng cần chăm sóc cơ thể khỏe mạnh, tránh thức khuya, làm việc điều độ và nghỉ ngơi đầy đủ.
Dấu hiệu đa nang buồng trứng
Hội chứng đa nang buồng trứng gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống hàng ngày, do bản chất bệnh là rối loạn nội tiết tố. Vì vậy, chị em cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để có phương pháp điều trị sớm, tránh biến chứng về sau. Triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm:
Rối loạn chu kỳ hành kinh
Triệu chứng thường gặp nhất là rối loạn chu kỳ hành kinh khiến kinh nguyệt không đều. Đặc biệt ở đối tượng mắc đa nang buồng trứng do di truyền thì triệu chứng sẽ thường xuất hiện sớm vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tuổi dậy thì.
Do tác động của PCOS, quá trình rụng trứng bị ảnh hưởng khiến niêm mạc tử cung cũng không thể bong ra hàng tháng, gây hiện tượng kinh nguyệt không đều, trễ kinh kéo dài (quá 35 ngày từ lần hành kinh trước mà kinh nguyệt chưa xuất hiện) hay thậm chí là vô kinh (khi mất kinh nguyệt từ ba tháng trở lên).
Mụn nhọt, rậm lông
Người mắc bệnh buồng trứng đa nang có thể gặp tình trạng da tiết nhiều dầu nhờn và nổi nhiều mụn ở mặt, lưng hay ngực gây mất thẩm mỹ. Đồng thời, da của phụ nữ bị PCOS thường bị sạm thâm, đặc biệt những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng như da mặt, bàn tay và bàn chân.
Ngoài ra, một dấu hiệu đặc trưng khác của bệnh PCOS gây ra bởi sự rối loạn nội tiết tố đó là triệu chứng rậm lông. Lông đen và cứng, mọc với số lượng nhiều hơn bình thường ở các vùng trên cơ thể như cánh tay, cẳng chân, trước ngực, lưng và vùng kín, gây nhiều bất tiện cho người phụ nữ.
Đa nang buồng trứng có con được không?
Một trong những thắc mắc thường gặp nhất ở phụ nữ mắc bệnh đa nang buồng trứng đó là “đa nang buồng trứng quan hệ có thai không?”. Chị em không nên quá lo lắng, vì mặc dù bệnh đa nang buồng trứng gây ảnh hưởng nhiều tới sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể nhưng đây là một bệnh phụ khoa thường gặp và phụ nữ hoàn toàn có khả năng mang thai tự nhiên.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu được điều trị sớm thì chị em vẫn có thể đậu thai tự nhiên. Tuy nhiên, trong trường hợp đối tượng tới điều trị muộn thì ghi nhận tới 70% tới 80% phụ nữ mắc PCOS bị ảnh hưởng về khả năng sinh sản. Đồng thời, phụ nữ mắc đa nang buồng trứng cũng tăng nguy cơ biến chứng trong thời gian mang thai như sinh non thiếu tháng, tăng nguy cơ sảy thai, nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cũng như cao huyết áp.
Giải pháp mang thai với bệnh nhân tới điều trị muộn đó là sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản và kích thích quá trình rụng trứng. Kết hợp với các phương pháp này là chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp giảm cân, giảm đường huyết, từ đó làm tăng cơ hội đậu thai và sinh đẻ khỏe mạnh.
Điều trị đa nang buồng trứng
Đầu tiên, để quá trình điều trị PCOS được hiệu quả cần thay đổi lối sống, bao gồm ăn kiêng, giảm cân và tập thể dục đều đặn.
Một nghiên cứu đã ghi nhận kết quả rằng chỉ giảm 5% tới 10% cân nặng cũng hỗ trợ làm ổn định chu kỳ kinh nguyệt và cải thiện đáng kể các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang. Đồng thời, giảm cân giúp làm giảm lượng đường huyết, cải thiện nồng độ cholesterol trong máu, từ đó làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường hay cao huyết áp.
Đặc biệt, chị em nên áp dụng phương pháp giảm cân với chế độ ăn ít carbohydrate, ít đường và nhận nguồn carbohydrate và đường từ thành phần tự nhiên như trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại nước ngọt tự nhiên như nước dừa, nước ép trái cây tươi…
Hơn thế, khi chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp thói quen tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày, ít nhất ba ngày một tuần không chỉ giúp phụ nữ giảm cân mà còn giúp điều hòa nội tiết tố, làm giảm triệu chứng cũng như hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị buồng trứng đa nang.
Tuy nhiên, khi các dấu hiệu như chậm kinh, mọc lông rậm hơn, nổi nhiều mụn tiến triển tăng dần hay khi chị em đã cố gắng có thai được hơn 10 tháng nhưng không thành công thì cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, tái khám thường xuyên mỗi 6 tháng một lần để có thể phát hiện bệnh sớm nhất và điều trị kịp thời.
Trên đây là bài viết của Hà An Pharmacy nhằm giải đáp câu hỏi đa nang buồng trứng có con được không. Hy vọng với bài viết, bạn có thể nắm được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Hội chứng đa nang buồng trứng có thể tác động tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm qua những triệu chứng đặc trưng và điều trị kịp thời, đều đặn thì phụ nữ vẫn có khả năng đậu thai tự nhiên.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp