Cườm nước kiêng gì để kiểm soát tình trạng bệnh?

Tuy không thể chữa khỏi bệnh bằng chế độ dinh dưỡng nhưng việc ăn uống lành mạnh, khoa học có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh cườm nước và bảo tồn thị lực. Nếu bạn vẫn còn loay hoay không biết cườm nước cần kiêng những gì, hãy cùng tìm hiểu ngay thông tin dưới đây.

Bệnh cườm nước là gì?

Bệnh cườm nước (cườm ướt) - Glaucoma hay còn gọi là thiên đầu thống. Đây là một nhóm các bệnh gây tổn thương không hồi phục thần kinh thị giác và có thể sẽ dẫn đến mất thị lực, nặng hơn là mù lòa. Các dây thần kinh thị giác bao gồm một bó với hơn một triệu sợi thần kinh có nhiệm vụ kết nối võng mạc vào não. Tuy vậy, nếu được phát hiện sớm và kịp thời điều trị đúng có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, người bệnh có thể tránh khỏi mất thị lực nghiêm trọng.

Bệnh lý này khá phổ biến, tuy nhiên bệnh sẽ không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, vì vậy rất khó nhận ra. Cườm nước có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng phổ biến nhất ở là người lớn với độ tuổi 70 - 80.

mach-ban-benh-ly-cuom-nuoc-can-kieng-gi-1

Bệnh lý cườm nước là một trong những nguyên nhân gây mù lòa 

Nguyên nhân gây ra bệnh cườm nước

Bệnh cườm nước không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt hay giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác. Điều này có thể là do tổn thương bên trong mắt hoặc do bẩm sinh. Tăng áp suất thủy dịch có thể dẫn đến bệnh cườm nước, tuy nhiên không phải ai cũng bị căn bệnh này khi mắc chứng tăng áp suất thủy dịch. Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cườm nước bao gồm:

  • Lý do tuổi tác: Trên 60 tuổi (Trên 75 tuổi: Khoảng 10 người sẽ có 1 người bị mắc bệnh cườm nước).
  • Do di truyền.
  • Những người có tiền sử bị chấn thương mắt.
  • Nhóm người cận thị nặng.
  • Người bị cao huyết áp.
  • Thành phần hút thuốc lá nhiều.
  • Nhóm người thuộc bề dày giác mạc giảm.

Cườm nước có những dạng bệnh nào?

Cườm nước góc mở

Đây là hình thức phổ biến nhất ở bệnh Glaucoma. Người mắc dạng bệnh này thường bị tắc nghẽn không hoàn toàn ở góc thoát thuỷ dịch của mắt làm tăng áp suất mắt. Việc này diễn ra lâu ngày sẽ khiến các dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Quá trình này diễn ra từ từ đồng thời không gây đau đớn. Điều này sẽ khiến người bệnh khó nhận biết được các triệu chứng bệnh.

Cườm nước góc đóng

Cườm nước góc đóng hay còn gọi là tăng nhãn áp góc đóng hay dân gian gọi là thiên đầu thống. Bệnh này thường xảy ra khi góc thoát thuỷ dịch của mắt bị đóng hoàn toàn. Hiện tượng này khiến cho mắt bị gia tăng áp suất đột ngột, rất nguy hiểm cho người bệnh. Người bị cườm nước góc đóng thường đau đầu, đau mắt và xuất hiện quầng sáng xung quanh khi nhìn vào bóng đèn, buồn nôn… Khi phát hiện các triệu chứng này, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.

Bệnh cườm nước kiêng gì? 

Thực phẩm chứa nhiều đường

Tinh bột và đường là dạng carbohydrat đơn giản nếu tiêu thụ chúng nhiều sẽ làm tăng nồng độ chất insulin trong máu, làm thúc đẩy áp lực trong mắt tăng cao hơn, sẽ khiến mắt tổn thương nhiều hơn. Vì vậy, để bảo vệ mắt tốt, người bệnh cườm nước nên hạn chế sử dụng các carbohydrat đơn giản như: Đường, kẹo ngọt, bánh quy, bánh mỳ, nước ngọt, siro… Thay vào đó, nên chọn lựa nguồn carbohydrat dạng phức tạp như các loại ngũ cốc nguyên hạt như: Yến mạch, đậu đỗ và rau xanh.

mach-ban-benh-ly-cuom-nuoc-can-kieng-gi-2

Thực phẩm chứa nhiều đường - một trong những món kiêng cử khi mắc bệnh cườm nước 

Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ

Với nhóm thực phẩm này sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, nguy cơ cao gây xơ vữa mạch máu mắt, làm cho dây thần kinh thị giác bị thiếu chất dinh dưỡng đồng thời tổn thương nặng nề hơn. Vì vậy, người đang bị cườm nước cần đặc biệt lưu ý hạn chế sử dụng dạng thực phẩm này, tiêu biểu là mỡ bò, mỡ lợn, da gia cầm, nội tạng động vật, phô mai, khoai tây chiên, lạp sườn, xúc xích, dầu dừa, bánh kem,…

Cà phê

Cà phê và các thực phẩm chứa caffeine khác đã được nghiên cứu chứng minh rằng có tác động khiến mắt tăng sản xuất thủy dịch, khiến tăng thêm áp lực trong mắt, gây phá hủy trầm trọng đến hệ thống dây thần kinh thị giác. Vì thế, nếu bạn có thói quen thường xuyên sử dụng cà phê thì nên chú ý tiết chế lại để gìn giữ được ánh sáng cho đôi mắt, đặc biệt là khi bạn có hoặc đang nguy cơ mắc cườm nước cao.

Rượu bia, thuốc lá

Như đã biết, thuốc lá, rượu bia là các thành phần gây tác động rất xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chúng còn là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh lý về mắt và cườm nước cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, nếu muốn thị lực không bị giảm sút một cách nhanh chóng, bạn nên hạn chế tối đa hoặc ngừng việc hút lá, uống rượu bia.

mach-ban-benh-ly-cuom-nuoc-can-kieng-gi-3

Rượu bia, thuốc lá những thành phần có tác động xấu đến bệnh lý cườm nước 

Hy vọng bài viết trên phần nào giúp bạn giải đáp thắc mắc “Cườm nước kiêng gì?”. Việc xây dựng chế độ ăn uống phù hợp kết hợp duy trì lối sống lành mạnh sẽ góp phần làm chậm diễn tiến của bệnh và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Đồng thời, người bệnh cũng cần tái khám mắt đúng lịch và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả.

Kim Tuyền 

Nguồn tham khảo: Tổng Hợp 



Chat with Zalo