Cách chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh với huyệt túc tam lý
Mỗi một huyệt vị trên cơ thể đều đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Trong đó, huyệt túc tam lý giúp điều hòa khí và huyết trong trường hợp suy nhược toàn thân. Việc hiểu rõ về huyệt đạo này sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe và phòng tránh bệnh tật một cách tốt nhất.
Tổng quan về huyệt túc tam lý
Huyệt túc tam lý còn được biết đến với một số tên gọi khác như huyệt tam lý, trường sinh, hạ lăng, hạ tam lý, quỷ ta. Đây là huyệt vị thứ 36 trong kinh vị, có tác dụng điều hòa khí huyết, bổ hư nhược, lý tỳ vị, điều trung khí và khu phong hóa thấp.
Về tên gọi của huyệt, có thể được lý giải theo 2 cách sau:
- Theo truyền thuyết: Huyệt vị này nằm ở chân (túc). Vào thời Chiến Quốc, binh lính khi được bấm hoặc châm cứu vào huyệt này có thể đi bộ được tới 3 dặm (tam lý) mà không mệt mỏi, nâng cao sức mạnh của toàn bộ đoàn binh. Vì thế mà huyệt được gọi với cái tên túc tam lý.
- Nơi hội tụ của 3 phủ: Vị trí của huyệt là nơi có 3 (tam) phủ (Đại trường, Vị, Tiểu trường) nằm bên trong (lý) nên được gọi là túc tam lý.
![Huyệt túc tam lý là huyệt vị thứ 36 trong kinh vị](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_cham_soc_suc_khoe_va_dieu_tri_benh_voi_huyet_tuc_tam_ly_7dfced97f8.jpg)
Đặc tính của huyệt:
- Đây là huyệt vị nằm trong “Ngũ Du Huyệt” với vai trò của một huyệt Hợp, thuộc hành Thổ.
- Thuộc “Lục Tổng Huyệt”, chủ trị các cơn đau ở vùng bụng.
- Huyệt giúp đưa khí huyết xuống phần dưới cơ thể.
- Nằm trong nhóm huyệt “Hồi Dương Cửu Châm”, có tác dụng cao trong việc hồi phục dương khí, nâng cao sức khỏe.
Vị trí huyệt túc tam lý
Huyệt cách khoảng 3 thốn ở phía dưới tuyến Độc Tỵ. Cách xác định huyệt túc tam lý có thể thực hiện theo 2 cách như sau:
- Cách 1: Xác định vị trí tuyến Độc Tỵ nằm ngang với khoảng trống của khớp gối. Từ vị trí đó đo xuống 3 khoát ngón tay và đo sang ngang 1 ngón, ngón giữa chạm vào mào xương chày. Vị trí huyệt chính là điểm lõm tại vùng này, có thể cảm nhận được bằng cách sờ nắn động.
- Cách 2: Ngồi trên ghế, lòng bàn chân chạm đất. Xác định chỗ lõm phía ngoài của khớp gối bằng cách dùng tay ấn nhẹ. Từ chỗ lõm đó đo xuống 3 thốn (khoảng 4 ngón tay chụm lại), điểm chạm đến là vị trí của huyệt túc tam lý.
Huyệt túc tam lý có tác dụng gì trong trị liệu?
Huyệt được mô tả trong sách cổ với câu thơ “Tam lý cứu bất tuyệt/ Nhất thiết tai bệnh tức”. Có nghĩa là bấm huyệt tam lý sẽ giúp tránh được nhiều tai ương về bệnh tật, cụ thể là những tác dụng như sau:
- Nâng cao khả năng miễn dịch, tăng cường nguyên khí giúp đem lại khả năng chống đỡ các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài.
- Hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tỳ vị như đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, nấc cụt,...
- Cải thiện việc lưu thông khí huyết ở vùng khớp gối và chi bên dưới.
- Hỗ trợ chữa trị các bệnh liên quan đến vấn đề hô hấp như ho hen, khó thở, chức năng phổi bị suy giảm,...
- Tăng cường sinh lực, cải thiện tuần hoàn máu, lưu thông khí huyết toàn thân, làm gia tăng tuần hoàn ngoại biên.
- Phục hồi sức lực và tinh thần ở những người bị suy nhược cơ thể hoặc đang hồi phục sau bệnh mãn tính.
![Huyệt tam thúc có khả năng cải thiện hệ miễn dịch cơ thể, nâng cao sức khỏe](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_cham_soc_suc_khoe_va_dieu_tri_benh_voi_huyet_tuc_tam_ly2_baccbd1e7a.jpeg)
Các cách tác động vào huyệt tam lý để trị bệnh
Bấm huyệt
Khi day bấm huyệt sẽ có cảm giác căng tức dọc xương chày, cơ thể người bệnh sẽ được thư giãn và triệu chứng bệnh lý sẽ được cải thiện.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên ghế và xác định chính xác vị trí của huyệt.
- Đặt ngón tay cái vào huyệt, các ngón còn lại ôm lấy chân và day ấn nhẹ nhàng trong khoảng 5 phút.
- Sau đó dùng lực mạnh hơn ấn huyệt, giữ trong 5 giây rồi nhẹ nhàng thả ra.
Lưu ý: Phương pháp này phù hợp với người tạng hàn, người tạng nhiệt thì nên rút ngắn thời gian. Không nên bấm huyệt trước khi ngủ vì sẽ tiếp thêm sinh lực khiến khó vào giấc ngủ, trằn trọc kéo dài.
Cứu huyệt
Phương pháp cứu huyệt có thể được kết hợp với một số loại thảo dược nhằm tăng tính hiệu quả.
- Cứu bằng điếu ngải: Lấy lá ngải cứu khô đem tán vụn ra rồi cho vào giấy cuốn lại như điếu thuốc. Châm lửa vào điếu ngải rồi hơ trên huyệt trong khoảng 3 - 5 phút đến khi vùng huyệt trở nên nóng ấm thì kết thúc.
- Cứu bằng gừng, tỏi tươi: Đem gừng tươi hoặc tỏi tươi thái thành từng lát mỏng rồi đắp lên vị trí huyệt. Lấy một nhúm nhỏ ngải nhung đắp lên gừng, tỏi thành hình quả núi. Châm lửa cho cháy phần ngải nhung, sau một lát cơ thể sẽ cảm thấy ấm nóng và tinh thần thư giãn.
Huyệt túc tam lý có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, đặc biệt là với các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bệnh xương khớp và thần kinh. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về huyệt vị này và có phương pháp ứng dụng để chữa bệnh hiệu quả.
Cẩm Ly
Nguồn: Tổng hợp