Bệnh hen suyễn ở trẻ và mối nguy hại nếu không được chữa trị kịp thời

Tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em cao gấp đôi người lớn. Trên thực tế, việc chẩn đoán bệnh hen ở trẻ cũng chậm trễ hơn nhiều và nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các vấn đề xung quanh bệnh hen suyễn ở trẻ các mẹ nhé.

1. Hen suyễn là gì?

Hen suyễn là chứng viêm mãn tính của phổi và đường hô hấp. Khi bé bị hen suyễn, các đường thở bị viêm và sưng phù lên, khiến việc hít thở trở nên khó khăn.

bệnh hen suyễn ở trẻ và mối nguy hại nếu không được chữa trị kịp thời 1
Hen suyễn là chứng viêm mãn tính của phổi và đường hô hấp

2. Điều gì xảy ra khi bé bị hen suyễn cấp?

Nếu con bạn bị hen suyễn cấp tính, đường hô hấp xuất hiện nhiều chất nhầy và dịch đặc. Sau đó, các cơ xung quanh đường thở bị thắt chặt và ống thở sẽ bị thu hẹp. Lúc này trẻ xuất hiện các triệu chứng như: hít thở nhanh, ho, thở khò khè. Nếu không được điều trị nhanh chóng và kịp thời bệnh hen suyễn có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, ngay khi nhận thấy các triệu chứng như đã kể trên, mẹ cần cho bé dùng thuốc chống hen suyễn và nếu các triệu chứng không có dấu hiệu giảm sút thì đừng chần chừ mà hãy đưa bé đến bệnh viện gần nhất có thể.

3. Bệnh dị ứng ở trẻ có liên quan gì với bệnh hen suyễn?

Tiếp xúc với các chất gây dị ứng như bọ ve, gián, nấm mốc, phấn hoa, hoặc lông động vật có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng ở một số trẻ có tiền sử bị hen. Đây gọi là hen suyễn dị ứng. Các dị ứng theo mùa đối với các phấn hoa ngoài trời sẽ không gây vấn đề gì nghiêm trọng cho đến khi bé được 4 đến 5 tuổi. Dị ứng với bọ ve, nấm mốc, lông động vật có thể gây ra ở trẻ nhỏ bất kì độ tuổi nào. Theo khảo sát cho thấy, khoảng 75%-80% trẻ em bị hen suyễn cũng bị dị ứng nặng. Nếu con bạn có tiền sử bệnh hen suyễn và bạn đang nghi ngờ bé bị dị ứng thì cách tốt nhất là bạn nên đưa bé đến bệnh viện để khám và điều trị.

bệnh hen suyễn ở trẻ và mối nguy hại nếu không được chữa trị kịp thời 2
Có 75%-80% trẻ em bị hen suyễn cũng bị dị ứng nặng

4. Các nguyên nhân khác gây ra bệnh hen suyễn 

Các nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn có thể bao gồm không khí lạnh, nhiễm virut (như cảm lạnh thông thường), khói thuốc lá và các chất ô nhiễm trong không khí. Trẻ em thường chơi đùa ngoài trời và tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài vì vậy khả năng bị hen suyễn cũng rất lớn. Thực tế, nếu bé có biểu hiện ho, thở khò khè sau khi chơi đùa ngoài sân thì có thể bé đang mắc chứng hen do tập thể dục.

5. Bệnh hen ở trẻ em phổ biến như thế nào?

Hen suyễn là bệnh mãn tính nghiêm trọng nhất khi trẻ còn nhỏ và nó là nguyên nhân khiến những bé dưới 15 tuổi thường xuyên phải nhập viện. Khoảng 50% trẻ em dưới 5 tuổi bị phát hiện có dấu hiệu hen suyễn.

6. Làm thế nào để biết bé bị hen suyễn?

Rất khó để chẩn đoán bệnh hen ở trẻ dưới 2 tuổi vì có rất nhiều nguyên nhân gây ra các triệu chứng thở khò khè và ho ở trẻ em như nhiễm trùng đường hô hấp chẳng hạn. Vì vậy, để biết chính xác nguyên nhân mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được khám và chẩn trị. Tuy nhiên, nếu bé bị ho thường xuyên đi kèm các triệu chứng dị ứng hoặc eczema và gia đình bạn cũng có tiền sử bệnh hen suyễn, dị ứng hoặc eczema thì nguy cơ bé bị hen suyễn là rất cao.

bệnh hen suyễn ở trẻ và mối nguy hại nếu không được chữa trị kịp thời 3
Hen suyễn là bệnh có tính di truyền

7. Điều trị hen suyễn như thế nào?

Đầu tiên bạn cần tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh hen ở bé và sau đó nếu đã tìm ra nguyên nhân thì hãy để bé tránh xa chúng càng nhanh càng tốt. Một số trẻ bị hen khi cảm thấy lạnh, trong khi các bé khác lại bị tấn công sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích như khói thuốc lá. Tuy nhiên, viêc tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp điều trị cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cha mẹ trẻ và bệnh viện là tốt nhất.

8. Phòng ngừa hen suyễn ở trẻ em

Các loại thuốc chữa hen được sử dụng để phòng ngừa các cơn hen đến bất ngờ. Chúng bao gồm steroid dạng hít, có thể giúp làm giảm chứng viêm, sưng và giúp bé dễ thở hơn. Tuy nhiên cần dùng thuốc theo liều lượng mà bác sỹ đã khuyến cáo.

Hường

Nguồn: Babycenter



Chat with Zalo