Bệnh đau đầu ở phụ nữ là do nguyên nhân nào?
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh đau đầu ở phụ nữ. Ngoài đau đầu, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Do vậy, bệnh nhân cần xác định được nguyên nhân gây đau đầu để có cách điều trị hiệu quả.
Vì sao phụ nữ hay bị đau đầu?
Theo các thống kê gần đây, phụ nữ thường hay bị đau đầu hơn nam giới, phổ biến nhất là đau đầu do stress và đau nửa đầu (tình trạng này chiếm tỷ lệ cao gấp 3 lần nam giới).
Nguyên nhân chủ yếu là do:
Nồng độ hormone trong cơ thể dao động
Nồng độ estrogen có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện của chứng đau nửa đầu ở phụ nữ và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Sự tăng giảm bất thường của estrogen trong lúc mang thai, kỳ kinh nguyệt, giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh, do thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone… sẽ làm ảnh hưởng đến các tế bào xung quanh dây thần kinh sinh ba và các mạch máu nối dây thần kinh, làm chúng trở nên nhạy cảm, dẫn đến bệnh đau đầu ở phụ nữ.
![Bệnh đau đầu ở phụ nữ là do nguyên nhân nào? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bai_vietbenh_dau_dau_o_phu_nu_la_do_nguyen_nhan_nao_html_1_8bf86578ee.png)
Trong khi đó, cơ thể của nam giới sản sinh nhiều nội tiết tố testosterone (giữ vai trò quan trọng trong việc chống lại cơn đau nửa đầu) nên nam giới ít bị đau đầu hơn.
Dễ căng thẳng, nhạy cảm
Nam giới thường chịu được áp lực và dễ dàng bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài để giải tỏa nên không ảnh hưởng nhiều đến thần kinh. Ngược lại, phụ nữ rất nhạy cảm với những áp lực của cuộc sống, thường có xu hướng chịu đựng và không giãi bày. Khi cảm xúc liên tục bị đè nén sẽ dẫn đến stress, căng thẳng, gây đau đầu kéo dài.
Rối loạn giấc ngủ
Phần lớn phụ nữ đến giai đoạn 30 - 50 tuổi dễ bị mệt mỏi, đau nửa đầu vì thường gặp các vấn đề rối loạn về giấc ngủ, khó ngủ hoặc mất ngủ.
Các yếu tố khác
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, bệnh đau đầu ở phụ nữ còn do nhiều yếu tố khác như:
- Uống quá ít nước;
- Thói quen ăn uống không điều độ;
- Ăn kiêng để giảm cân;
- Ăn nhiều thức ăn nhanh;
- Thời tiết thay đổi;
- Yếu tố di truyền;
- Dùng đồ uống có cồn, chất kích thích thường xuyên.
Triệu chứng của cơn đau đầu
Hiện nay có đến hơn 150 kiểu đau đầu khác nhau. Mỗi loại đau đầu đều có một biểu hiện riêng. Một số loại đau đầu phổ biến có các triệu chứng như sau:
Đau đầu căng cơ
Cơn đau đầu từ nhẹ đến vừa, gây cảm giác đầu bị bó, kẹp là triệu chứng của đau đầu căng cơ. Tình trạng đau căng đầu xuất hiện ở cả hai bên đầu trong thời gian ngắn.
Đau nửa đầu
Đau nửa đầu là cơn đau đầu từ vừa đến nặng, đau dồn dập, chỉ xuất hiện ở một bên đầu, khi cơn đau xảy ra, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn. Người bị đau nửa đầu thường nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và mùi. Cơn đau lặp lại thường xuyên, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
![Bệnh đau đầu ở phụ nữ là do nguyên nhân nào? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bai_vietbenh_dau_dau_o_phu_nu_la_do_nguyen_nhan_nao_html_2_72b22f64bc.png)
Triệu chứng đau từng cụm
Cơn đau nhức nhối kéo dài từ 15 phút - 3 giờ, bắt đầu ở phía trong, phía sau hoặc xung quanh một mắt.
Triệu chứng có thể đi kèm là chảy nước mắt, sưng mắt, sụp mí, chảy nước mũi, nghẹt mũi ở bên phần đầu bị ảnh hưởng.
Đau đầu như thế nào thì nguy hiểm?
Thường khi người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn, phần lớn các cơn đau sẽ biến mất trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu gặp phải những dấu hiệu sau đây khi đau đầu:
- Đau đột ngột, đau nặng trong vòng vài giây hoặc vài phút, hoặc đau dữ dội không thể chịu được.
- Đau đầu dữ dội kèm theo cứng cổ, sốt.
- Người bệnh có thể bị co giật, lú lẫn, thay đổi tính cách hoặc bị ngất xỉu.
- Sau khi tập thể dục gắng sức hoặc bị chấn thương nhẹ, cơn đau sẽ xuất hiện nhanh chóng.
- Vừa đau đầu đã xuất hiện tình trạng yếu, tê tay chân, nhìn mờ.
Giải pháp cải thiện bệnh đau đầu ở phụ nữ
Để làm giảm triệu chứng của bệnh đau đầu ở phụ nữ, bạn có thể áp dụng những điều sau:
Khắc phục tại nhà
Bạn có thể khắc phục cơn đau đầu ngay tại nhà với trường hợp bị đau đầu không do bệnh lý bằng một số cách dưới đây:
- Nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, tránh tiếng ồn và quá nhiều ánh sáng ở không gian yên tĩnh.
- Uống nhiều nước, từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
- Tập hít thở sâu hoặc luyện các bài tập thư giãn khác.
- Chườm đá, xoa bóp, massage tại chỗ đau.
Sử dụng thuốc giảm đau
Với những cơn đau đầu nhẹ, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc uống giảm đau không kê đơn như Paracetamol (Acetaminophen), Aspirin, Ibuprofen… có tác dụng giảm đau khi cơn đau đầu vừa mới xuất hiện. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng nhóm thuốc đặc trị Triptans, làm giảm mức độ của cơn đau nửa đầu.
![Bệnh đau đầu ở phụ nữ là do nguyên nhân nào? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bai_vietbenh_dau_dau_o_phu_nu_la_do_nguyen_nhan_nao_html_3_b7ca5769c1.png)
Tuy nhiên, người bệnh không tự ý uống thuốc giảm đau hoặc lạm dụng trong thời gian dài mà không có sự chỉ định của bác sĩ vì có thể khiến cơn đau nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều tác dụng phụ khác như loét dạ dày, tổn hại thận, chảy máu đường tiêu hóa...
Liệu pháp hormone
Bác sĩ có thể khuyến khích sử dụng liệu pháp hormone với phụ nữ thường xuyên bị đau đầu do nội tiết. Bạn có thể bổ sung estrogen mỗi ngày thông qua dạng miếng dán hoặc thuốc uống.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu vùng xung quanh cổ và vai bằng các bài tập thể dục với sự hỗ trợ của thiết bị rất hữu ích cho việc giảm căng cứng cơ, tác nhân gây đau đầu. Cần chọn bài tập phù hợp để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, giúp kiểm soát và ngăn ngừa cơn đau tái phát.
Trị liệu thần kinh cột sống
Với các trường hợp đau đầu do bệnh cột sống như thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thoái hóa đốt sống cổ… hay căng cơ cổ, chèn ép dây thần kinh dẫn đến cơn nhức đầu liên tục, người bệnh nên đi thăm khám sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa bệnh đau đầu ở phụ nữ
Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh đau đầu tại nhà như:
- Ngủ đủ giấc (6 - 8 giờ/ngày).
- Có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, mệt mỏi quá độ.
- Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất, nhất là vitamin và khoáng chất thiết yếu.
- Hạn chế hút thuốc lá, uống bia rượu, lạm dụng cà phê…
- Vận động cơ thể thường xuyên như đi bộ thư giãn, yoga, thiền.
![Bệnh đau đầu ở phụ nữ là do nguyên nhân nào? 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bai_vietbenh_dau_dau_o_phu_nu_la_do_nguyen_nhan_nao_html_4_1e9e283960.png)
Nhìn chung, nếu xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, bệnh đau đầu ở phụ nữ có thể được khắc phục hiệu quả. Do đó nếu hay bị đau đầu và có các triệu chứng bất thường khác, người bệnh nên đến bệnh viện ngay.