Bệnh chốc lở ở mũi có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?
Chốc lở là căn bệnh da liễu thường phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi mầm non. Thông thường, bệnh được điều trị nhanh chóng sẽ không quá nguy hiểm. Nhưng nếu không điều trị hoặc điều trị sai cách bệnh chốc lở sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vậy chốc lở ở mũi có nguy hiểm không, nguy hiểm như thế nào và nên điều trị ra sao? Lời giải đáp sẽ có trong bài viết dưới đây.
Bệnh chốc lở ở mũi có nguy hiểm không?
Các dấu hiệu của bệnh chốc lở không chỉ khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu, cảm giác nóng rát châm chích khi các bọng nước bị vỡ ra, và nếu không điều trị đúng cách, bệnh chốc lở ở mũi sẽ gây ra các hệ lụy như:
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Thông thường, các vết chốc lở ở mũi sẽ được điều trị khỏi sau 2 – 4 tuần tùy vào mức độ của bệnh. Các tổn thương này thường nông và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị hoặc điều trị không đúng cách các vết loét sâu sẽ để lại rất nhiều sẹo, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ. Càng quan ngại hơn khi bị chốc lở ở mũi, mặt và những vị trí dễ bị nhìn thấy.
Gây nhiễm trùng
Như đã đề cập ở trên, bệnh chốc lở ở mũi sẽ diễn tiến từ nhẹ đến nặng qua nhiều giai đoạn, từ khi mới khởi phát cho đến khi xuất hiện bọng nước, các bọng nước vỡ ra và khô lại. Bọng nước khi vỡ ra không chỉ gây cảm giác nóng rát khó chịu mà vết thương hở này còn tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn tấn công và gây ra nhiễm trùng.
Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh chốc lở.
Chàm hóa
Bệnh chốc lở ở mũi sẽ tái đi tái lại nhiều lần với mức độ và phạm vi ngày càng gia tăng nếu không được điều trị dứt điểm. Chốc lở tái diễn liên tục với những tổn thương cũ chưa biến mất lại thêm những tổn thương mới sẽ gây ra tình trạng chàm hóa, đe dọa nghiêm trọng đến thẩm mỹ và việc điều trị trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Viêm mô tế bào
Một số trường hợp người bệnh bị chốc lở với nhiều tổn thương dưới da sẽ gây bệnh viêm mô tế bào. Nguy hiểm hơn, bệnh viêm mô tế bào với khả năng lây lan nhanh, tấn công vào máu và các hạch bạch huyết từ đó đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Như vậy, bệnh chốc lở nói chung và chốc lở ở mũi nói riêng là bệnh lý với nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là vô cùng quan trọng. Tốt hơn hết, ngay khi có các dấu hiệu của bệnh chốc lở bạn nên nhanh chóng tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhất khi khi đối tượng bị chốc lở là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.
Điều trị chốc lở ở mũi như thế nào?
Sau khi được thăm khám, tùy thuộc vào mức độ chốc lở cũng như thể trạng và tiền sử mắc bệnh mà bạn sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Tiếp đó, bạn sẽ được xử lý vết thương và chỉ định một số loại thuốc điều trị.
Nguyên tắc điều trị chốc lở chú trọng vào việc giảm thiểu triệu chứng, giảm ngứa, điều trị tại chỗ và phòng ngừa biến chứng. Bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng một số loại kháng sinh uống và thuốc bôi ngoài da.
Trong quá trình điều trị, bạn cần vệ sinh da mặt đặc biệt là vùng mũi đúng cách với dung dịch vệ sinh chuyên dùng, hạn chế tối đa việc sờ mó, gãi ngứa khiến các bọng nước càng lở loét và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Bệnh chốc lở có lây lan, do đó bạn cần thận trọng khi vệ sinh, tránh tiếp xúc với các chất dịch rỉ ối ở vết lở loét. Ngoài ra, bạn cũng cần để riêng các vật dụng cá nhân như: khăn lau mặt, khăn tắm, khăn trải giường,… của người bệnh.
Thông thường việc điều trị chốc lở nếu tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ thì chỉ sau 7 – 10 ngày bạn sẽ khỏi bệnh, các vết chốc lở sẽ khô cội và rụng đi, bệnh nhân sẽ không còn cảm giác đau đớn khó chịu. Nhưng với những người bệnh đã bị chốc lở thể mủ thì việc điều trị có thể cần 20 – 30 mới ngày có tiến triển rõ ràng. Bạn không nên tự điều trị mà cần tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ, tránh điều trị sai cách khiến tình trạng bệnh càng thêm nghiêm trọng.
Bên cạnh việc chủ động điều trị và vệ sinh da sạch sẽ, để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất bạn cũng nên tìm hiểu về người bị chốc lở ở mũi nên ăn gì, kiêng ăn gì, nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh, hợp lý giúp bệnh tiến triển nhanh nhất.
Bệnh chốc lở ở mũi có nghiêm trọng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của bạn, có chủ động thăm khám và điều trị hay không. Tốt hơn hết, bạn nên phòng ngừa bệnh chốc lở ngay từ hôm nay, đặc biệt phòng ngừa đối với trẻ em – đối tượng có nguy cơ cao mắc chốc lở để cơ thể luôn khỏe mạnh, không bị chốc lở cũng như các bệnh lý khác. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe.
Lại Thảo
Nguồn tham khảo: Tổng hợp