Naltrexone


Phân loại:

Dược chất

Mô tả:

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Naltrexone

Loại thuốc

Thuốc giải độc; thuốc đối kháng opiat.

Dạng thuốc và hàm lượng

Lọ 380 mg naltrexone (chứa polylactid-co-glycolid) dạng vi cầu để pha hỗn dịch tiêm bắp, tác dụng kéo dài; kèm theo lọ dung môi để pha hỗn dịch, bơm tiêm, 2 kim tiêm có vỏ bọc an toàn.

Viên nén 25 mg, 50 mg, 100 mg (dạng muối hydroclorid).

Dược động học:

Hấp thu

Naltrexone hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa (96%). Nồng độ đỉnh huyết tương của naltrexon và 6-beta-naltrexol (chất chuyển hóa chủ yếu có hoạt tính của naltrexon) thường đạt được trong vòng 1 giờ sau khi uống 1 viên nén và 0,6 giờ sau khi uống dung dịch.

Nồng độ huyết tương 6-beta-naltrexol thường gấp 1,5 - 10 lần nồng độ huyết tương của naltrexone.

Phân bố

Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng 21% - 28%. Naltrexone hydroclorid phân bố rộng khắp cơ thể, vào được dịch não tủy, nhưng các thông số phân bố thay đổi đáng kể giữa các cá thể trong 24 giờ đầu tiên sau khi uống một liều duy nhất. Thể tích phân phối naltrexone sau khi tiêm tĩnh mạch ước tính là 1350 lít.

Naltrexone và chất chuyển hóa chủ yếu 6-beta-naltrexol có phân bố vào sữa mẹ.

Chuyển hóa

Chuyển hóa rất nhiều qua vòng tuần hoàn đầu tại gan. Thuốc chuyển hóa ở gan tạo chất chuyển hóa chính là 6-beta-naltrexol có hoạt tính như naltrexone nhưng yếu hơn nhiều và ở mức độ thấp hơn, thành 2-hydroxy-3-methoxy-6-beta-naltrexol.

Naltrexon dùng đường uống (không phải tiêm bắp) bị chuyển hóa mạnh qua vòng tuần hoàn đầu tại gan, nên nồng độ 6-beta-naltrexo sau khi tiêm bắp thấp hơn nhiều so với nồng độ chất chuyển hóa đạt được sau khi uống.

Thải trừ

Cả thuốc gốc và các chất chuyển hóa đều được thải trừ chủ yếu qua thận (53% đến 79% liều dùng) trong vòng 48 giờ dưới dạng đã chuyển hóa, chỉ khoảng dưới 2% ở dạng chưa chuyển hóa, khoảng 5% thải trừ qua phân chủ yếu ở dạng 6-beta-naltrexol. Nửa đời thải trừ của naltrexone khoảng 4 giờ, của 6-beta-naltrexol khoảng 13 giờ không phụ thuộc vào liều.

Nồng độ naltrexone hydrochloride trong huyết tương cao gấp 5 đến 10 lần đã được báo cáo ở bệnh nhân xơ gan.

Dược lực học:

Naltrexone là thuốc đối kháng đặc hiệu trên thụ thể opiat tương tự naloxon, nhưng tác dụng mạnh hơn naloxon 2 - 9 lần và thời gian tác dụng dài hơn, naltrexone mạnh hơn nalorphin 17 lần và bằng 1/10 lần cyclazocin.

Cơ chế: Chưa biết rõ cơ chế chính xác tác dụng đối kháng của naltrexone. Tuy nhiên cũng giống naloxone, naltrexone có lẽ đối kháng cạnh tranh trên các thụ thể m, k, và d của opiat ở thần kinh trung ương. Trong đó, naltrexone có ái lực mạnh nhất trên thụ thể m. Naltrexone cạnh tranh với thuốc opiat để gắn vào thụ thể, nhưng thuốc opiat cũng có thể đẩy naltrexon ra khỏi thụ thể.

Cơ chế điều trị nghiện rượu của naltrexone chưa rõ, tuy nhiên các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng rượu có thể kích thích giải phóng các chất chủ vận opiat nội sinh, có thể làm tăng một vài tác dụng bổ ích do uống rượu qua hoạt tính chủ vận tại các thụ thể opiat (ví dụ, thụ thể m). Các thuốc đối kháng opiat (naltrexone) ức chế tác dụng của opiat nội sinh vì vậy làm giảm sự hứng thú với rượu nên được dùng điều trị nghiện rượu.

Thuốc cũng có thể làm giảm tác dụng kích thích và làm tăng tác dụng an thần của rượu mà không làm thay đổi hiệu năng tâm thần vận động trên những cá thể dùng rượu với liều gây nhiễm độc. Naltrexone không gây phản ứng giống disulfram sau khi uống rượu.



Chat with Zalo