Ifosfamide
Phân loại:
Dược chất
Mô tả:
Tên thuốc gốc (Hoạt chất)
Ifosfamide (ifosfamid)
Loại thuốc
Thuốc chống ung thư, chất alkyl hóa; mù tạc nitrogen.
Dạng thuốc và hàm lượng
Lọ chứa 1 g hoặc 3 g bột ifosfamide vô khuẩn để pha dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch.
Lọ thuốc tiêm 1 g/20 ml và 3 g/60 ml (50 mg/ml).
Lọ thuốc tiêm 1 g/10 ml và 3 g/30 ml (100 mg/ml) phối hợp với mesna có benzyl alcohol để bảo quản.
Dược động học:
Hấp thu
Ifosfamide thường được dùng theo đường tĩnh mạch nhưng cũng được hấp thu tốt theo đường uống hoặc tiêm dưới da với sinh khả dụng là 90 - 100%.
Nồng độ ifosfamide và các chất chuyển hóa trong huyết tương thay đổi theo cá thể. Sau khi truyền tĩnh mạch liên tục trong 24 giờ ifosfamide liều 1 hoặc 2 g/m2/ngày, nồng độ sau 3 ngày tương ứng là từ 10 - 18 hoặc 15 - 36 microgam/ml. Nồng độ đỉnh mù tạc ifosfamide là dẫn xuất alkyl hóa chính đạt đến trong vòng 20 - 30 phút sau khi truyền một liều duy nhất và vào khoảng 1% nồng độ ifosfamide tính theo mol. Diện tích dưới đường cong của ifosfamide tăng tuyến tính trong phạm vi liều từ 1 - 5 g/m2.
Phân bố
Ifosfamide và các chất chuyển hóa được phân bố khắp cơ thể, kể cả não và dịch não tủy. Thể tích phân bố xấp xỉ 33 lít. Ifosfamide có nửa đời trong huyết tương xấp xỉ 15 giờ sau khi dùng những liều từ 3,8 - 5,0 g/m2 và nửa đời hơi ngắn hơn với những liều thấp hơn.
Chuyển hóa
Sau khi truyền tĩnh mạch 4 - 5 g/m2, nồng độ ifosfamide trong huyết tương giảm tuyến tính, phụ thuộc liều. Nồng độ trong huyết tương của mù tạc ifosfamide và của chất chuyển hóa cloracetaldehyd giảm giống như thuốc mẹ. Nửa đời đào thải tăng theo tuổi và ở người béo phì. Nửa đời đào thải ở người lớn có chức năng gan và thận bình thường là khoảng 15 giờ. Nửa đời đào thải của mù tạc ifosfamide là 5 - 9 giờ.
Thải trừ
Ifosfamide và các dẫn chất được đào thải chủ yếu qua nước tiểu. Khoảng 60 - 80% liều thuốc được bài tiết vào nước tiểu trong 72 giờ; 14 - 34% dưới dạng thuốc không biến đổi; 10 - 14% dưới dạng decloroethylfosfamid; 4 - 7% dưới dạng 2-decloro ethylfosdamid; 1 - 3% dưới dạng carboxyifosfamide; các chất khác có không đáng kể (dưới 1% liều ifosfamide).
Cùng với 4-hydroxy ifosfamide, chất acrolein gây kích ứng bàng quang cũng được bài tiết qua thận và có thể tích lũy tới nồng độ cao trong bàng quang.
Dược lực học:
Ifosfamide là một dẫn chất oxazaphosphorin tương tự cyclophosphamid. Giống như cyclophosphamid, ifosfamide được các enzym ở microsom gan (cytochrom P450) xúc tác để chuyển hóa tạo thành những chất có hoạt tính sinh học. Chất chuyển hóa cuối cùng của ifosfamide liên kết chéo với DNA, ngăn cản sự sao chép của DNA và sự dịch mã của RNA.
Giống như các thuốc alkyl hóa khác, ifosfamide không tác động lên giai đoạn đặc hiệu nào của quá trình phân chia tế bào. Tốc độ chuyển hóa ifosfamide ở gan thành chất chuyển hóa có hoạt tính 4-hydroxy ifosfamide hơi chậm hơn so với cyclophosphamid, mặc dù sự tạo thành acrolein (độc với bàng quang) không giảm. Phổ tác dụng của ifosfamide lên các khối u đặc giống như của cyclophosphamid nhưng ifosfamide có tỷ lệ đáp ứng cao hơn và ít độc hơn.
In vivo, nếu tính theo cân nặng, cyclophosphamid có thể có hoạt tính chống ung thư mạnh hơn ifosfamide vì một tỷ lệ lớn liều ifosfamide bị biến đổi thành các dẫn xuất không có hoạt tính. Điều này giải thích vì sao để có một tác dụng độc tế bào bằng nhau, phải cho liều ifosfamide cao hơn cyclophosphamid.
Do tạo nên acrolein và những chất chuyển hóa gây phản ứng khác, ifosfamide luôn được dùng với mesna, để dự phòng tác dụng độc tại đường tiết niệu. Hiện nay, ifosfamide được dùng phối hợp với những thuốc khác để điều trị ung thư tế bào mầm tinh hoàn và được dùng rộng rãi để điều trị sarcom ở trẻ em và người lớn.
Những thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh ifosfamide có tác dụng đối với ung thư biểu mô cổ tử cung, phổi, và đối với u lympho. Nó là một thành phần thường dùng trong những phác đồ hóa trị liệu liều cao.