Ethionamide
Phân loại:
Dược chất
Mô tả:
Tên thuốc gốc (Hoạt chất)
Ethionamide (Ethionamid)
Loại thuốc
Thuốc chống lao
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén 250 mg ethionamide.
Dược động học:
Hấp thu
Ethionamide được hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa.
Phân bố
Thể tích phân bố 93,5 lít. Ethionamide được phân bố nhanh và rộng trong mô và dịch cơ thể; nồng độ trong huyết tương và các cơ quan gần bằng nhau; 30% của thuốc gắn với protein huyết tương.
Nồng độ ethionamide trong dịch não tủy bằng nồng độ thuốc cùng thời điểm trong huyết tương ở người có màng não bình thường hoặc bị viêm. Sau khi uống liều 15 - 20 mg/kg ethionamide ở trẻ em bị lao màng não, nồng độ đỉnh trong dịch não tủy đạt được trong vòng 1,5 - 2,5 giờ nhưng có sự khác biệt nhiều giữa các cá thể; nhưng ở liều 20 mg/kg thường đạt nồng độ trong dịch não tủy > 2,5 microgam/ml, là nồng độ cần thiết để có kết quả điều trị.
Ethionamide qua nhau thai dễ dàng, nhưng cho đến nay chưa có thông tin ethionamid có qua sữa mẹ hay không.
Chuyển hóa
Ethionamide được chuyển hóa tại gan phần lớn thành chất chuyển hóa có/không có hoạt tính. Chất chuyển hóa có hoạt tính chủ yếu là sulfoxyd có tác dụng đối với vi khuẩn lao.
Thải trừ
Thời gian bán thải khoảng 2 - 3 giờ (dạng bao phim 250 mg là 1,92 giờ). Trong vòng 24 giờ, 1 - 5% của liều uống được bài tiết trong nước tiểu dưới dạng thuốc và chất chuyển hóa có hoạt tính, phần còn lại được bài tiết trong nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa không có hoạt tính.
Dược lực học:
Ethionamide là thuốc chống lao thuộc nhóm carbothionamid, là một dẫn xuất của acid isonicotinic. Trong điều trị, ethionamide được xếp vào nhóm các thuốc chống lao hàng hai dạng uống, bao giờ cũng phải dùng đồng thời với các thuốc trị lao khác. Chỉ dùng ethionamide khi các thuốc trị lao thiết yếu bị kháng hoặc bị chống chỉ định. Ethionamide có tác dụng đặc hiệu với các chủng M. tuberculosis, M. bovis, M. kansasii, M. avium, M. intracellular; ngoài ra thuốc còn có tác dụng với trực khuẩn phong (M. leprae).
Cơ chế tác dụng chính xác của thuốc đối với các Mycobacterium đến nay vẫn chưa được biết đầy đủ nhưng có thể giống như isoniazid (INH). Cả hai thuốc này đều có tác dụng ức chế sự tổng hợp acid mycolic là acid duy nhất và là thành phần cấu tạo chủ yếu của thành tế bào vi khuẩn Mycobacterium. In vitro, INH và ethionamide đều làm cho M. tuberculosis mất đi phản ứng nhuộm kháng toan, một sự thay đổi thường liên quan tới lớp vỏ bọc của trực khuẩn. Người ta cho rằng ethionamide tác động lên lớp vỏ ngoài cùng của trực khuẩn và như vậy bao gồm cả sự mất acid mycolic; tác động này giống như tác động của INH.
Ethionamide có tác dụng kìm khuẩn hay diệt khuẩn tùy thuộc vào nồng độ của thuốc đạt được ở vị trí nhiễm khuẩn và tính nhạy cảm với thuốc của chủng vi khuẩn gây bệnh.
In vitro, ethionamide có tác dụng diệt trực khuẩn lao.
Ethionamide và protionamid thuộc nhóm carbothionamid, có cấu trúc hóa học giống như thioacetazon nên có kháng thuốc chéo một phần giữa ethionamide và thioacetazon; kháng chéo hoàn toàn giữa ethionamide với protionamid.
Cho đến nay chưa có bằng chứng về sự kháng chéo giữa ethionamide và cycloserin, aminosylic acid, hoặc streptomycin.