Domperidone


Phân loại:

Dược chất

Mô tả:

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Domperidone (Domperidon)

Loại thuốc

Thuốc chống nôn/thuốc đối kháng dopamin.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén: 10 mg.
  • Hỗn dịch uống: 30 mg/30 ml. 
  • Thuốc đạn: 30 mg.
  • Ống tiêm: 10 mg/2 ml. 
  • Cốm sủi: 10 mg/gói.

Dược động học:

Hấp thu

Domperidone được hấp thu ở đường tiêu hóa, nhưng có sinh khả dụng đường uống thấp (uống lúc đói chỉ vào khoảng 15%) do chuyển hóa bước đầu của thuốc qua gan và chuyển hóa ở ruột. Thuốc cũng được hấp thu khi đặt trực tràng với sinh khả dụng tương đương với sinh khả dụng sau khi uống, nhưng nồng độ đỉnh trong huyết tương chỉ bằng 1/3 nồng độ đỉnh đạt được sau khi uống và hấp thu chậm hơn (đạt nồng độ đỉnh sau 1 giờ so với 30 phút sau khi uống hoặc tiêm bắp).

Sinh khả dụng đường tiêm bắp đạt khoảng 90% với nồng độ đỉnh đạt sau khoảng 30 phút. Sinh khả dụng của thuốc sau khi uống tăng lên rõ rệt (từ 13% lên khoảng 23%) nếu uống thuốc 90 phút sau khi ăn, nhưng thời gian để đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương thì chậm lại.

Phân bố

Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng từ 91 - 93%. Thể tích phân bố của thuốc khoảng 5,71 lít/kg. Có khoảng 0,2 - 0,8% lượng thuốc có khả năng xâm nhập qua hàng rào nhau thai. Domperidone hầu như không qua hàng rào máu - não.

Chuyển hóa

Thuốc chuyển hóa rất nhanh và nhiều ở gan nhờ quá trình hydroxyl hóa và khử N-alkyl oxy hóa.

Thải trừ

Thời gian bán thải ở người khỏe mạnh khoảng 7,5 giờ và kéo dài ở người có suy giảm chức năng thận (thời gian bán thải có thể tăng lên đến 21 giờ trên bệnh nhân có nồng độ creatinin huyết tương lớn hơn 530 mmol/lít). Không có hiện tượng thuốc bị tích tụ trong cơ thể do suy thận, vì độ thanh thải của thận thấp hơn nhiều so với độ thanh thải toàn phần của huyết tương.

Domperidone đào thải theo phân và nước tiểu, chủ yếu dưới dạng các chất chuyển hóa, 30% liều uống đào thải theo nước tiểu trong 24 giờ (0,4% ở dạng nguyên vẹn); 66% đào thải theo phân trong vòng 4 ngày (10% ở dạng nguyên vẹn).

Dược lực học:

Domperidone là chất đối kháng cả thụ thể D1 và D2 của dopamin, tương tự như metoclopramid. Do thuốc hầu như không có tác dụng lên các thụ thể dopamin ở não nên domperidone không có ảnh hưởng lên tâm thần và thần kinh. Domperidone thúc đẩy nhu động của dạ dày (prokinetic agent), làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị sau bữa ăn, nhưng lại không ảnh hưởng lên sự bài tiết của dạ dày. Thuốc dùng để điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn cấp, cả buồn nôn và nôn do dùng levodopa hoặc bromocriptin ở người bệnh Parkinson.

Tuy nhiên, do không vào được thần kinh trung ương, chỉ tác dụng ở ngoại biên (trên vùng cò súng, chemoreceptor trigger zone, CTZ ở sàn não thất 4 và trên ống tiêu hóa) nên tác dụng chống nôn của domperidone không bằng metoclopramid nhưng ít gây hội chứng ngoại tháp hơn. Domperidone cũng có khả năng đối kháng lại tác dụng ức chế bài tiết prolactin gây ra bởi dopamin hoặc apomorphin, làm tăng rõ rệt nồng độ prolactin trong huyết tương.



Chat with Zalo