Loét thực quản là gì? Những vấn đề cần biết về loét thực quản


Khi lớp chất nhầy lót bên trên lớp niêm mạc thực quản bị bào mòn do axit dạ dày và các loại dịch dạ dày, khả năng bảo vệ đường tiêu hóa giảm đi dẫn đến hình thành vết loét tại thực quản gọi là loét thực quản. Tình trạng này xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, một số loại thuốc, nhiễm các loại nấm, vi khuẩn,... tình trạng này có thể được điều trị hiệu quả khi thay đổi lối sống hay sử dụng một số loại thuốc.

Những triệu chứng của loét thực quản

Các dấu hiệu và triệu chứng loét thực quản xuất hiện thường tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây bệnh:

Loét thực quản do GERD gây ra thường biểu hiện các triệu chứng thực quản và dạ dày như trào ngược, khó nuốt, đau ngực, ợ nước, nuốt đau, buồn nôn, nôn, đau sau xương ức và đặc trưng là cảm giác nóng rát.

Thông thường, nuốt đau, khó nuốt và đau sau xương ức được báo cáo ở bệnh nhân loét thực quản do thuốc và viêm thực quản truyền nhiễm.

Hơn nữa, bệnh trào ngược dạ dày mãn tính dai dẳng với trương lực cơ của cơ thắt thực quản trên giảm, khi nghỉ ngơi có thể gây ra các triệu chứng thanh quản như hắng giọng, đau họng và ho khan dai dẳng.

Khi có vết loét thực quản đang hoạt động, bệnh nhân có thể bị nôn ra máu, nôn ra bã cà phê, đau ngực dưới xương ức lan ra sau lưng.

Loét thực quản là gì? Những vấn đề cần biết về loét thực quản 1.jpg
Đau rát sau xương ức kéo dài gợi ý bệnh lý ở vùng thực quản

Tác động của loét thực quản với sức khỏe

Loét thực quản khiến người mắc bệnh ăn uống kém, lo lắng, suy mòn,... khiến người mắc khó chịu và mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp loét thực quản

Các biến chứng có thể phát sinh do loét thực quản bao gồm:

  • Xuất huyết đường tiêu hóa trên;
  • Loét dạ dày tá tràng tái phát;
  • Hẹp thực quản;
  • Ung thư thực quản;
  • Giảm cân quá mức do chán ăn và khó nuốt;
  • Thủng thực quản;
  • Tử vong trong do xuất huyết, thủng vết loét.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào kể trên bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm giúp vết loét mau lành, hạn chế diễn tiến nặng thêm.

Những ai có nguy cơ mắc phải chứng loét thực quản?

Những đối tượng sau có nguy cơ bị loét thực quản nhiều hơn những người khác:

Người già: Người lớn tuổi thường có tổng trạng kém, ăn uống kém, mắc nhiều bệnh lý khác nhau nên sử dụng nhiều loại thuốc đặc biệt là thuốc giảm đau làm tăng nguy cơ loét thực quản.

Người bệnh không thể tự ăn uống: Người cần sự chăm sóc của người thân, không tự ăn uống có thể gặp chứng loét thực quản nhiều hơn do khả năng nuốt kém kèm uống ít nước, không thể ngồi lâu sau khi ăn hoặc uống thuốc.

Người có các bệnh lý đường tiêu hóa: Các bệnh lý khác trên đường tiêu hóa làm tăng nguy cơ mắc chứng loét thực quản như ung thư thực quản, GERD, viêm dạ dày tá tràng, bệnh Crohn,...

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chứng loét thực quản

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng loét thực quản gồm:

  • Hút thuốc, uống rượu;
  • Stress;
  • Mắc bệnh suy giảm hệ miễn dịch như HIV - AIDS, đái tháo đường.

Nguyên nhân gây loét thực quản

GERD là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây loét thực quản, ngoài ra còn nhiều nguyên nhân gây loét thực quản như sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID, kháng sinh) kéo dài, xạ trị, bệnh Crohn, uống nhầm độc chất, bệnh da liễu, ung thư và tác nhân truyền nhiễm như nấm candida, virus herpes simplex (HSV) cytomegalovirus (CMV) và tình trạng suy giảm miễn dịch (HIV). Các nguyên nhân gây loét thực quản cụ thể như sau:

GERD: Nguyên nhân phổ biến nhất gây loét thực quản là trào ngược dạ dày thực quản với phần lớn bệnh nhân có kèm bất thường cơ vòng thực quản dưới (LES) khi đánh giá qua nội soi. Cơ vòng thực quản dưới có nhiệm vụ ức chế sự trào ngược của các chất trong dạ dày lên thực quản. Khi cơ này yếu đi, lượng thức ăn chứa axit trào lên thực quản tiếp xúc niêm mạc thực quản gây loét.

Nôn kéo dài: Nôn mửa kéo dài hay gặp ở những bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn, nghén nặng,... nôn kéo dài gây ra sự tiếp xúc thường xuyên của niêm mạc thực quản với các chất acid trong dạ dày cũng gây trầy xước, loét thực quản.

Thuốc: Thuốc có thể gây ra do bỏng cục bộ trên niêm mạc thực quản nếu bị kẹt tại thực quản trên bệnh nhân có vấn đề về khả năng nuốt (đột quỵ, bại não, chấn thương, hôn mê,...). Điều này thường xảy ra với những viên thuốc có độ pH thấp, gây phá hủy hàng rào bảo vệ lạnh của niêm mạc và hình thành vết loét.

Thủ thuật: Một số loại phẫu thuật, thủ thuật qua thực quản- dạ dày như nội soi dạ dày, đặt sonde mũi dạ dày hoặc nuốt phải dị vật cũng có thể là những nguyên nhân gây loét thực quản.

Loét thực quản là gì? Những vấn đề cần biết về loét thực quản 2.jpg
Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những nguyên nhân phổ biến gây loét thực quản

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến loét thực quản

Chế độ sinh hoạt:

Thay đổi lối sống để điều trị loét bao gồm:

  • Ăn chậm;
  • Không ăn quá nhiều đặc biệt là lúc sắp ngủ;
  • Tránh nằm trong khoảng 3 giờ sau khi ăn;
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh;
  • Mặc quần áo rộng rãi để giảm áp lực lên dạ dày;
  • Bỏ hút thuốc vì những người hút thuốc có nguy cơ mắc GERD cao hơn;
  • Nâng cao đầu giường để giảm chứng trào ngược axit vào ban đêm.

Chế độ dinh dưỡng:

Một số loại thực phẩm làm tăng tiết acid dạ dày, làm nghiêm trọng thêm bệnh lý đường tiêu hóa như:

  • Rượu bia, cà phê, socola;
  • Cam quýt, cà chua và các loại thực phẩm từ cà chua;
  • Đồ chiên, thực phẩm giàu chất béo;
  • Tỏi, củ hành;
  • Đồ ăn cay.

Vì các loại thực phẩm gây trào ngược axit và GERD có thể khác nhau giữa các cá nhân, nên việc ghi nhật ký về lượng thức ăn hàng ngày và các triệu chứng liên quan có thể hữu ích trong việc theo dõi bệnh.

Loét thực quản là gì? Những vấn đề cần biết về loét thực quản 4.jpg
Chế độ ăn nhiều rau xanh giúp cơ thể khỏe mạnh hơn

Phương pháp phòng ngừa loét thực quản hiệu quả

Để ngăn ngừa các vết loét vùng thực quản bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Duy trì chế độ ăn, thói quen ăn uống lành mạnh;
  • Điều trị tốt các bệnh lý dạ dày thực quản, bệnh lý mạn tính đang mắc phải.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán loét thực quản

Để chẩn đoán bệnh việc khai thác bệnh sử, triệu chứng bệnh, cũng như các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đóng vai trò quan trọng. Một số cận lâm sàng có thể được sử dụng để chẩn đoán loét thực quản và nguyên nhân của loét như:

Nội soi đường tiêu hóa trên: Nội soi đường tiêu hóa trên có thể nhìn thấy trực tiếp bề mặt thực quản. Điều này cho phép các bác sĩ có thể đánh giá trực tiếp vết loét đồng thời có thể sinh thiết vết loét hoặc điều trị cầm máu nếu có. Nhưng thông thường, nội soi đường tiêu hóa chỉ được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng mơ hồ không rõ về nguyên nhân  hoặc các triệu chứng gợi ý bệnh lý nguy hiểm khác như nôn ra máu, khó nuốt,...

Chụp thực quản có cản quang: Chụp X-quang thực quản có thuốc cảng quan giúp các bác sĩ có những thông tin cơ bản về vết loét thực quản.

Xét nghiệm khác: Những xét nghiệm này giúp kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, chẳng hạn như HSV-1, H. Pylori và CMV trong thực quản qua lấy dịch trong dạ dày, thực quản để xét nghiệm.

Loét thực quản là gì? Những vấn đề cần biết về loét thực quản 3.jpg
Nội soi thực quản giúp nhìn rõ tổn thương bên trong thực quản

Phương pháp điều trị loét thực quản

Nội khoa

Việc điều trị loét thực quản phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh vì mỗi nguyên nhân có hướng điều trị nội khoa khác nhau, cũng như không phải nguyên nhân nào cũng cần điều trị ngoại khoa ngay từ đầu. Vì thế việc xác định nguyên nhân giúp việc điều trị được tiến hành nhanh chóng và khu trú hơn.

Điều trị loét thực quản thứ phát do GERD nhằm mục đích ức chế axit, kiểm soát sự tiết axit, thúc đẩy nhu động và làm lành thành niêm mạc. Thuốc chẹn H2 thường được sử dụng nhằm giảm đau tạm thời. Nó hoạt động bằng cách trung hòa axit dạ dày và giảm lượng axit vùng tá tràng.

Trong trường hợp loét thực quản có đồng nhiễm H. pylori, phương pháp điều trị tiêu chuẩn là liệu pháp ba thuốc (PPI, clarithromycin, amoxicillin trong 14 ngày), điều trị 4 thuốc (bismuth subsalicylate, metronidazole và tetracycline trong 14 ngày) hoặc điều trị ba thuốc (lansoprazole, amoxicillin và clarithromycin trong 10 đến 14 ngày).

Điều trị loét thực quản do thuốc bao gồm ngừng sử dụng các thuốc nghi ngờ gây bệnh, uống nhiều nước, không nằm ngay sau khi uống thuốc và dùng thuốc ức chế bơm proton.

Thuốc chống lao (lao phổi) có Isoniazid, rifampicin, ethambutol và pyrazinamide trong 6 đến 9 tháng có thể được sử dụng để điều trị loét thực quản do bệnh lao.

Các chất kháng khuẩn được sử dụng để điều trị tổn thương niêm mạc do viêm thực quản truyền nhiễm. Nhiễm trùng do cytomegalovirus được điều trị bằng ganciclovir trong khi fluconazole là lựa chọn ưu tiên trong điều trị bệnh nấm candida thực quản.

Các trường hợp tổn thương thực quản nặng được điều trị tích cực với dịch truyền, nuôi ăn qua ống thông mũi dạ dày, điều trị dự phòng bằng kháng sinh, giảm đau bằng thuốc giảm đau và điều trị loét bằng thuốc đối kháng thụ thể H2 và PPI.

Ngoại khoa

Trong trường hợp vết loét thực quản chảy máu phẫu thuật cầm máu qua nội soi có thể được đề nghị, sau phẫu thuật bệnh nhân thường cần 8-12 tuần để hồi phục.



Chat with Zalo