Bệnh bạch cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị


Bệnh bạch cầu là một loại ung thư máu do số lượng tế bào bạch cầu bất thường trong cơ thể tăng cao. Mặc dù bệnh bạch cầu là một căn bệnh nghiêm trọng, nhưng nhiều tiến bộ trong điều trị đã giúp cải thiện tỷ lệ sống sót và khả năng thuyên giảm lâu dài.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Sốt;
  • Nhiễm trùng thường xuyên;
  • Hụt hơi;
  • Da nhợt nhạt;
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Đau xương khớp;
  • Gan lách to;
  • Sưng hạch;
  • Dễ bị bầm;
  • Dễ chảy máu bao gồm chảy máu chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết dưới da.
Bệnh bạch cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 1
Dễ mệt mỏi là triệu chứng thường gặp của bệnh bạch cầu

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bạch hầu

Nếu không được điều trị kịp thời bệnh bạch cầu có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như:

  • Thiếu máu;
  • Nhiễm trùng;
  • Lách to, vỡ lách;
  • Viêm phổi;
  • Nguy cơ mắc ung thư thứ 2;
  • Loãng xương, còi xương, gãy xương;
Bệnh bạch cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 2
Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp của bệnh bạch cầu

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dai dẳng nào khiến bạn lo lắng.

Các triệu chứng của bệnh bạch cầu thường mơ hồ và không cụ thể. Bạn có thể bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh bạch cầu vì chúng có thể giống với các triệu chứng của bệnh cúm và các bệnh thông thường khác.

Đôi khi bệnh bạch cầu được phát hiện thông qua xét nghiệm máu để kiểm tra một số tình trạng bệnh khác.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn trên 60 tuổi thường dễ mắc bệnh hơn. Trong trường hợp mắc Bạch cầu cấp dòng tủy dòng lympho thì gặp nhiều ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh bạch cầu

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Điều trị ung thư trước đó: Các phương pháp điều trị ung thư trước đó liên quan đến xạ trị hoặc hóa trị có thể làm tăng khả năng bạn mắc một số loại bệnh bạch cầu.
  • Hút thuốc lá: Nếu bạn có tiền sử hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc lá, bạn có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính cao hơn.
  • Tiếp xúc với hóa chất công nghiệp: Benzen và formaldehyde là những hóa chất gây ung thư được biết đến có trong vật liệu xây dựng và hóa chất gia dụng. Benzene được sử dụng để sản xuất nhựa, cao su, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, thuốc và chất tẩy rửa. Formaldehyde có trong vật liệu xây dựng và các sản phẩm gia dụng như xà phòng, dầu gội đầu và sản phẩm làm sạch.
  • Một số rối loạn di truyền: Các rối loạn di truyền, chẳng hạn như bệnh u xơ thần kinh, hội chứng Klinefelter, hội chứng Shwachman-Diamond và hội chứng Down có thể làm tăng nguy cơ của bạn.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu: Nghiên cứu cho thấy một số loại bệnh bạch cầu có thể di truyền trong gia đình. Hãy đến gặp bác sĩ tư vấn di truyền nếu bạn hoặc một thành viên gia đình mắc bệnh. Họ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền để đánh giá nguy cơ mắc bệnh của bạn.
Bệnh bạch cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 3
Tiếp xúc với hóa chất công nghiệp kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu

Nguyên nhân dẫn đến bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu là do những thay đổi di truyền trong tế bào tủy xương.

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra những thay đổi di truyền trong tế bào tủy xương dẫn đến bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ nhất định có liên quan đến căn bệnh này. Ví dụ, nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tăng theo tuổi tác và căn bệnh này phổ biến nhất ở những người trên 60 tuổi.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bạch cầu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh tiếp xúc với hóa chất công nghiệp và tia bức xạ quá nhiều;
  • Không hút thuốc lá;
  • Hãy đến gặp ngay bác sĩ nếu có các triệu chứng của bệnh bạch cầu đặc biệt là các triệu chứng dễ bầm máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng kéo dài hay có bất kỳ lo lắng nào trong quá trình chăm sóc con bạn.
Bệnh bạch cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Tránh hút thuốc lá có thể giúp hạn chế diễn tiến của bệnh bạch cầu

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể nào giúp ngăn ngừa bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ quá trình chữa bệnh và phục hồi. Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp với tình trạng của bạn.

Phương pháp phòng ngừa bệnh bạch cầu hiệu quả

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Điều quan trọng là bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh để có thể phần nào chống chọi lại bệnh tật. Bạn có thể tham khảo các cách sau để duy trì cuộc sống lành mạnh, bao gồm:

  • Duy trì cân nặng cơ thể khỏe mạnh;
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày;
  • Tập thể dục 30 phút mỗi ngày;
  • Thư giãn;
  • Ngủ đủ giấc (7-9 tiếng mỗi đêm cho người lớn);
  • Không sử dụng thuốc lá hoặc lạm dụng ma túy hoặc rượu.
Bệnh bạch cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Tập thể dục giúp duy trì cuộc sống khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh bạch cầu

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh bạch cầu

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám các dấu hiệu của bệnh bạch cầu, chẳng hạn như da nhợt nhạt do thiếu máu, sưng hạch bạch huyết và gan và lá lách to. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm để giúp hỗ trợ chẩn đoán bao gồm:

  • Công thức máu toàn phần: Xét nghiệm máu này cho phép bác sĩ biết bạn có mức hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu bất thường hay không. Nếu bạn bị bệnh bạch cầu, bạn có thể có số lượng bạch cầu cao hơn bình thường.
  • Sinh thiết tủy xương: Bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết nếu bạn có số lượng tế bào bạch cầu bất thường. Một cây kim dài được đưa vào tủy xương của bạn (thường là ở xương chậu) sẽ hút dịch ra trong quá trình thực hiện. Mẫu dịch được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để tìm tế bào bệnh bạch cầu. Sinh thiết tủy xương giúp xác định tỷ lệ tế bào bất thường trong tủy xương của bạn, xác nhận chẩn đoán bệnh bạch cầu.
  • Các xét nghiệm khác: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang ngực, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu các triệu chứng cho thấy bệnh bạch cầu đã ảnh hưởng đến xương và cơ quan khác.
  • Chọc dò tủy sống: Bác sĩ có thể xét nghiệm mẫu dịch não tủy để xem bệnh bạch cầu có lây lan đến não và tủy sống của bạn hay không.
Bệnh bạch cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Sinh thiết tủy xương có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh bạch cầu

Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu

Nội khoa

Các phương pháp điều trị phổ biến để chống lại bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Hóa trị: Phương pháp điều trị bằng thuốc này sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào bạch cầu.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Các phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích tập trung vào những bất thường cụ thể có trong tế bào ung thư.
  • Xạ trị: Xạ trị sử dụng tia X hoặc các chùm tia năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư bạch cầu và ngăn chặn sự phát triển của chúng.
  • Ghép tủy xương: Ghép tủy xương, còn gọi là ghép tế bào gốc, giúp tái tạo tế bào gốc khỏe mạnh bằng cách thay thế tủy xương không khỏe mạnh bằng tế bào gốc không mắc bệnh bạch cầu, giúp tái tạo tủy xương khỏe mạnh.
  • Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp điều trị này sử dụng một số loại thuốc để tăng cường hệ thống phòng thủ của cơ thể, đó là hệ thống miễn dịch và giúp chống lại bệnh bạch cầu..

Ngoại khoa

Ghép tủy là phương pháp điều trị thay thế các tế bào tạo máu bất thường bằng các tế bào tạo máu mới, khỏe mạnh. Bác sĩ có thể lấy các tế bào tạo máu khỏe mạnh từ người hiến tặng và ghép vào bạn. Các tế bào mới khỏe mạnh sẽ nhân lên, tạo thành tủy xương và các tế bào máu mới trở thành các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu mà cơ thể bạn cần.

Bệnh bạch cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Bệnh bạch cầu thường được điều trị bằng hóa trị 



Chat with Zalo