Xử trí, phòng ngừa sốt tiêu chảy ở trẻ em và người lớn
Khi ăn phải các thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh, cơ thể có thể xuất hiện các dấu hiệu của sốt kèm tiêu chảy. Việc biết được nguyên nhân và có biện pháp xử trí kịp thời giúp bạn tránh được các biến chứng nguy hiểm của sốt tiêu chảy.
Nguyên nhân sốt kèm tiêu chảy
Sốt tiêu chảy thường do hoạt động hệ tiêu hóa của bạn có vấn đề. Một số nguyên nhân thường gặp:
Ngộ độc thức ăn
Nếu bạn ăn phải các thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh, thức ăn ôi thiu hay các thực phẩm chưa chín kỹ,... có thể khiến cơ thể bị ngộ độc.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện trong khoảng 2 giờ sau khi ăn, với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt và đau bụng dữ dội.
Nhiễm các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng
Việc không giữ vệ sinh cá nhân có thể là con đường giúp cho vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể qua bàn tay, đặc biệt là ở trẻ em. Hầu hết các trường hợp nhiễm vi trùng là do nguồn thức ăn bị nhiễm khuẩn, hoặc uống nước bị ô nhiễm. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường ruột khá giống với khi cơ thể bị nhiễm virus nên rất dễ gây nhầm lẫn, chỉ được chẩn đoán chính xác qua các xét nghiệm máu.
Dùng kháng sinh để điều trị tiêu chảy chỉ có lợi khi bạn bị tiêu chảy do vi khuẩn. Sử dụng kháng sinh để điều trị tiêu chảy do virus không những không có hiệu quả, mà còn dẫn đến những hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh.
Một số bệnh ở đường tiêu hóa
Sốt kèm tiêu chảy còn có thể là triệu chứng của một số bệnh liên quan đến đường ruột, cụ thể như sau:
- Rối loạn tiêu hóa: Việc ăn uống không khoa học và nạp vào cơ thể các thực phẩm không hợp vệ sinh là nguyên nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa. Thêm nữa, việc lạm dụng đồ uống có cồn và các chất kích cũng làm cho đường ruột của bạn bị rối loạn.
- Bệnh lồng ruột: Là tình trạng một đoạn ruột trượt ra khỏi vị trí và lồng sang một đoạn ruột khác nữa. Tình trạng này dẫn đến ruột bị tắc, không hấp thụ được thức ăn, dẫn đến áp lực đẩy mọi thứ trong ruột ra ngoài. Biểu hiện thường gặp là buồn nôn, nôn, tiêu chảy và tim đập nhanh.
- Tắc ruột: Tắc ruột khiến dòng máu đến ruột bị cản trở, gây ra sốt tiêu chảy. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em, nếu không phát hiện sớm có thể gây hoại tử và vỡ ruột rất nguy hiểm.
- Hội chứng ruột kích thích: Là tình trạng hoạt động tại đường ruột bị rối loạn. Điều này trực tiếp biểu hiện ra bên ngoài các triệu chứng như ợ nóng, đắng miệng, đau bụng dữ dội, tiêu chảy hoặc táo bón và có cảm giác khó nuốt.
- Viêm ruột thừa: Biểu hiện với các triệu chứng như xuất hiện cơn đau vùng hố chậu và kèm theo sốt tiêu chảy. Viêm ruột thừa cần được phát hiện và phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa nhanh chóng.
Xử trí khi bị sốt tiêu chảy
Khi trẻ em hoặc người lớn xuất hiện các dấu hiệu của sốt kèm tiêu chảy, một số cách dưới đây giúp xử trí và điều trị sốt tiêu chảy ngay tại nhà:
- Sốt cao và tiêu chảy làm cơ thể mất nước. Người bệnh nên được bù nước và điện giải bằng cách cho uống nước dừa, nước ép trái cây, sữa hoặc dung dịch bù điện giải cho cơ thể như Oresol.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống qua việc ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa, mềm lỏng như cháo hoặc súp.
- Uống thuốc hạ sốt và dùng những cách hạ sốt nhanh chóng.
- Bổ sung lợi khuẩn qua sữa chua và các sản phẩm chứa probiotics.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Sốt tiêu chảy có thể tự khỏi sau vài ngày nếu được điều trị tại nhà đúng cách. Tuy nhiên, một số dấu hiệu dưới đây báo hiệu tình trạng bệnh chuyển nặng và cần phải nhập viện để được chăm sóc y tế kịp thời:
- Sốt cao trên 40 độ và có thể ớn lạnh.
- Liên tục nôn mửa (có thể nôn ra máu), cơ thể suy nhược mệt mỏi kéo dài trên 2 ngày.
- Xuất hiện các dấu hiệu cơ thể mất nước trầm trọng. Biểu hiện qua khô miệng và môi, luôn cảm thấy khát nước, tiểu ít, nước tiểu có màu vàng đậm.
- Đau bụng từng cơn, quằn quại dữ dội.
- Đi đại tiện khó, thấy trong phân có lẫn máu.
Phòng ngừa sốt tiêu chảy hiệu quả
Sốt tiêu chảy khiến cơ thể mất nước và có thể dẫn đến suy nhược trầm trọng. Do vậy, việc ngăn ngừa bệnh lây lan cũng như biết cách phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh là vô cùng cần thiết. Bạn cần ghi nhớ những điều dưới đây để phòng ngừa sốt kèm tiêu chảy.
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên: sau khi đi đại tiện, sau khi thay tã cho trẻ, trước khi nấu ăn và trước khi ăn.
- Thường xuyên vệ sinh bề mặt các vật dụng hằng ngày như đồ chơi của bé, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang và mặt bàn nhà bếp.
- Mua các thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng. Việc sơ chế, chế biến các món ăn cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân bằng cách không dùng chung chén, ly, khăn tắm,...
- Có kế hoạch lên lịch tiêm chủng cho trẻ nhà bạn.
Điều cần thiết là phải chú ý đến những thực phẩm bạn nạp vào cơ thể, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hợp vệ sinh và ăn chín uống sôi để phòng ngừa sốt tiêu chảy. Bằng việc bù nước và điện giải, điều chỉnh chế độ ăn uống, sốt tiêu chảy có thể tự khỏi sau vài ngày mà không để lại biến chứng nguy hiểm nào. Hi vọng thông tin từ bài viết đã giúp ích cho bạn.