Uống cam thảo có bị nóng không? Có nên dùng hàng ngày không?
Cam thảo là vị thuốc rất thường xuất hiện trong các bài thuốc Đông y. Cam thảo có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, giải độc, nhuận phế, điều kinh. Vì vậy, nhiều người có thói quen uống nước cam thảo. Vậy uống cam thảo có bị nóng không? Có nên uống hàng ngày không?
Uống cam thảo có tác dụng gì với sức khỏe?
Cam thảo là một trong những vị thuốc Đông y có tác dụng bồi bổ cơ thể, giải độc, bảo vệ gan và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cam thảo chứa nhiều thành phần và hoạt chất kháng viêm, chống oxy hóa.
Một số công dụng mà cam thảo mang lại cho sức khỏe có thể kể đến như:
- Uống cam thảo hàng ngày có thể giúp bạn chữa ho, chán ăn, mệt mỏi, tiêu chảy,... Đặc biệt, uống nước cam thảo còn hỗ trợ giải độc tố uốn ván. Theo nghiên cứu y học hiện đại, uống cam thảo mang lại những lợi ích sau:
- Hỗ trợ điều trị viêm da, nhiễm khuẩn: Hoạt chất chính Glycyrrhiza glabra trong cam thảo có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, chống lại các bệnh nhiễm trùng da, chống lại vi khuẩn Staphylococcus aureus, cải thiện tình trạng viêm nang lông, chốc lở hay viêm mô tế bào.
- Chữa lành vết loét dạ dày: Chiết xuất glabren và glabridin trong nước cam thảo hỗ trợ làm lành vết loét dạ dày. Đặc biệt, các chất chống oxy hóa còn làm giảm triệu chứng bệnh dạ dày gây ra như ợ chua, buồn nôn. Nghiên cứu cũng cho biết chất chiết xuất từ cam thảo có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn gây loét dạ dày có tên là Helicobacter pylori.
- Chữa sâu răng: Các hoạt chất chống viêm và chống oxy có thể tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng.
- Hỗ trợ điều trị viêm gan C: Hỗ trợ điều trị viêm gan C nhờ vào hoạt chất glycyrrhizin có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn cao. Hơn nữa, hoạt chất này còn có khả năng giải độc và bảo vệ gan.
- Một số công dụng khác: Uống cam thảo hàng ngày còn giúp trị viêm họng, tiêu đờm, điều hòa nội tiết tố nữ,...
![Uống cam thảo có bị nóng không? Có nên dùng hàng ngày không? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/uong_cam_thao_co_bi_nong_khong_co_nen_dung_hang_ngay_khong_1_fe1501b686.jpg)
Uống cam thảo có bị nóng không?
Để trả lời cho câu hỏi "uống cam thảo có bị nóng không?" thì câu trả lời còn tùy thuộc vào cách sử dụng cũng như liều lượng khác nhau:
- Cam thảo rang: Có tính nóng, dùng chữa tỳ vị hư nhược, ăn không ngon, tiêu chảy, ho, sốt,…
- Cam thảo sống: Cam thảo tươi có tính mát, dùng giúp hạ nhiệt, giải độc, giảm nóng cơ thể, thanh lọc cơ thể, làm lành vết loét đường tiêu hóa.
Do đó trả lời cho câu hỏi uống cam thảo có bị nóng không là không nếu bạn biết sử dụng đúng cách.
Có nên uống cam thảo hàng ngày không?
Do nước cam thảo có tác dụng thanh nhiệt nên nhiều người thường sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, cam thảo chứa khoảng 23% glycyrrhizin - một chất ngọt gấp 50 lần đường mía. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng quá 5g glycyrrhizin/kg thể trọng có thể dẫn đến tử vong. Khi hấp thụ với liều lượng 1g/kg/ngày glycyrrhizin trong cam thảo có thể gây ra các triệu chứng như tăng huyết áp, tích nước và natri, gây tổn thương hệ tim mạch và thận.
Uống quá nhiều nước cam thảo có thể hạ kali máu và tăng huyết áp. Kết quả kiểm tra những người tiêu thụ nhiều sản phẩm có chứa cam thảo có dấu hiệu cao huyết áp. Dùng quá 5g cam thảo có thể gây rối loạn cơ và nhịp tim. Đặc biệt, các triệu chứng khi dùng quá liều cam thảo thường dễ nhận thấy ở những người mắc bệnh gan.
Không nên uống cam thảo với nhân trần
Cam thảo và nhân trần là hai vị thuốc quý. Một số người thấy 2 loại thảo dược này tốt cho sức khoẻ nên chọn uống nước cam thảo kết hợp với nhân trần để thanh nhiệt, giải độc, mát gan. Tuy nhiên, uống nước cam thảo với nhân trần không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng tai biến đông dược.
Mặc dù nhân trần và cam thảo đều có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe nhưng kết hợp hai vị thuốc này có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hại. Vì nhân trần có đặc tính bài tiết, trong khi cam thảo có đặc tính giữ nước. Việc kết hợp 2 thảo dược này không những không có lợi mà còn tiềm ẩn nguy cơ tương tác thuốc rất nguy hiểm, đặc biệt có hại cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Những đối tượng không nên uống cam thảo
Theo nguyên tắc điều trị mà bác sĩ khuyến cáo, khi mật bị viêm hoặc tắc mật, gan có vấn đề thì dùng thuốc nhuận tràng. Nếu cơ thể khỏe mạnh mà uống nước cam thảo quá nhiều có thể khiến gan và mật phải làm việc quá sức, dễ dẫn đến tổn thương và sinh bệnh. Đặc biệt, nước cam thảo không được khuyến khích dùng cho các đối tượng sau:
- Phụ nữ cho con bú: Bà bầu sau sinh không nên uống nước cam thảo hoặc kết hợp với nhân trần. Điều này có thể gây ra tình trạng tắc tuyến sữa, mất sữa hoặc ít sữa cho con bú.
- Phụ nữ mang thai: Khi mang thai tránh dùng nhiều cam thảo và nhân trần. Vì nhân trần có tác dụng lợi tiểu làm đào thải chất dinh dưỡng và nước ra khỏi cơ thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng cho thai nhi, suy dinh dưỡng bào thai, thậm chí dễ dẫn đến thai chết lưu, dị tật bẩm sinh hoặc sinh non.
- Người bị bệnh thận, viêm gan hoặc xơ gan: Đối với người có bệnh gan, thận có biểu hiện phù nề thì nên tránh uống nước cam thảo.
- Người bị viêm phế quản mãn tính: Bệnh nhân viêm phế quản lâu ngày kèm theo triệu chứng khó thở nên tránh dùng cam thảo.
- Người bị huyết áp cao: Tình trạng tăng huyết áp có thể trầm trọng hơn nếu người bệnh uống nhiều nước cam thảo.
- Người bị táo bón: Nước cam thảo không nên dùng cho người bị táo bón kéo dài, nhất là người già hoặc người suy nhược. Uống quá nhiều cam thảo có thể bị táo bón nặng.
![Uống cam thảo có bị nóng không? Có nên dùng hàng ngày không? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/uong_cam_thao_co_bi_nong_khong_co_nen_dung_hang_ngay_khong_2_8899c258f8.jpg)
Uống cam thảo như thế nào cho phù hợp?
Theo một số nghiên cứu gần đây, uống khoảng 8g cam thảo mỗi ngày có thể dẫn đến suy giảm nội tiết tố testosterone và ảnh hưởng sinh lý nam giới. Hơn nữa, uống nước cam thảo sai cách làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, huyết áp tăng, phù nề toàn thân. Do đó, cần chú ý liều lượng sử dụng.
Đối với người khoẻ mạnh bình thường, không nên dùng quá 2 túi trà cam thảo mỗi ngày. Tránh dùng các loại nước có chứa cam thảo để thay thế nước lọc. Đối với những người muốn dùng cam thảo để điều trị bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
![Uống cam thảo có bị nóng không? Có nên dùng hàng ngày không? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/uong_cam_thao_co_bi_nong_khong_co_nen_dung_hang_ngay_khong_3_65efcc42d0.jpg)
Có thể thấy, nước cam thảo bình thường tốt cho cơ thể người khoẻ mạnh nếu sử dụng đúng liều lượng và tần suất. Uống cam thảo có bị nóng không thì câu trả lời là không mà còn giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể nhưng với liều lượng phù hợp. Nếu lạm dụng hoặc một số đối tượng chống chỉ định dùng vẫn cố ý sử dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.