Trẻ sơ sinh uống canxi có bị táo bón không?
Ai cũng hiểu canxi vô cùng quan trọng cho cơ thể. Ngoài nguồn thực phẩm, các bà mẹ còn cho trẻ dùng thêm viên uống canxi hoặc các loại cốm. Dù vậy, việc thừa và thiếu canxi cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy đáng lo lắng. Chẳng hạn, nếu cơ thể trẻ bé không thể hấp thụ hết lượng canxi nạp vào, phần dư thừa sẽ tồn đọng trong ruột gây nên chứng táo bón, khó tiêu, buồn nôn, vôi hóa, sỏi thận,…
Trẻ sơ sinh uống canxi có bị táo bón không?
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể trẻ phát triển khỏe mạnh. Vì lợi ích đó nên các bậc cha mẹ thường chú ý bổ sung thêm canxi cho trẻ. Dầu vậy, sau khi uống canxi, nhiều trẻ bị táo bón nên không ít cha mẹ lo lắng liệu trẻ sơ sinh uống canxi có bị táo bón không.
![Trẻ sơ sinh uống canxi có bị táo bón không?](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_so_sinh_uong_canxi_co_bi_tao_bon_khong_1_3862011fd7.jpg)
Trên thực tế, canxi không phải là nguyên nhân gây táo bón hay làm nóng trong của cơ thể. Trẻ táo bón có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như có chế độ ăn uống không hợp lý, cơ thể bị thiếu nước, bị rối loạn tiêu hóa hoặc các bệnh liên quan tới đường ruột. Ngoài ra, không ít trường hợp trẻ đang dùng một số loại thuốc nào đó cũng có khả năng gây táo bón.
Tuy nhiên, nếu trẻ uống canxi không đúng cách, không đúng liều lượng thì nó cũng có thể là gây táo bón cho trẻ.
Trẻ uống canxi như thế nào sẽ bị táo bón?
Trẻ sơ sinh uống canxi có bị táo bón không? Câu là: "Có" nếu trẻ uống canxi không đúng cách. Dưới đây là một số nguyên nhân chính khiến trẻ mắc bệnh táo bón khi uống canxi. Mẹ hãy tham khảo để có biện pháp chữa trị kịp thời:
Canxi có hàm lượng quá cao
Các bậc cha mẹ thường nghe cái gì tốt cho con là lập tức tìm cách bổ sung cho trẻ từ uống bổ sung hay tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi. Canxi giúp xương và hệ miễn dịch phát triển khỏe mạnh nên sẽ là thành phần được cha mẹ chú trọng. Dầu vậy, không ít người chỉ cho con uống bổ sung canxi mà không hiểu rõ về canxi hay hàm lượng bổ sung cho trẻ ra sao.
Theo đó, canxi có nhiều loại. Canxi vô cơ như canxi cacbonat khi đưa vào cơ thể, nó thường được hấp thụ ít và hạn chế hơn rất nhiều so với canxi hữu cơ, đặc biệt là loại canxi hữu cơ có trong thức ăn. Khi cơ thể không hấp thu hết, gây dư thừa và lắng đọng. Điều này sẽ gây ra cho trẻ tình trạng táo bón, sỏi thận...
Trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu axit oxalic, chất béo
Các loại mì, sợi phở, các loại rau quả củ hạt như rau chân vịt, sắn, măng, măng tây, cà tím, hạt điều, khoai tây chiên… là những thực phẩm giàu axit oxalic. Ăn quá nhiều những thực phẩm này khiến cơ thể không hấp thụ hết canxi và lắng đọng oxalat canxi. Lâu ngày, nó sẽ gây ra sỏi thận, sỏi tiết niệu cùng những bệnh lý liên quan tới thận và đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều các loại thực phẩm giàu đạm, chất béo cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón thường xuyên. Vì vậy, cha mẹ nên hạn chế ăn những thực phẩm này. Nếu có, hãy tăng cường thêm chất xơ và các loại rau, trái cây.
![Trẻ sơ sinh uống canxi có bị táo bón không? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_so_sinh_uong_canxi_co_bi_tao_bon_khong_687149bff7.jpg)
Thừa hoặc thiếu nhiều chất xơ
Trẻ bị táo bón cũng có thể là do thiếu chất xơ. Khi thiếu chất xơ, nó sẽ làm phân cứng, rắn và gây khó khăn cho trẻ khi đi ngoài. Phân ứ đọng làm đầy đường ruột khiến trẻ kén ăn. Hệ tiêu hóa của trẻ vì thế cũng bị ảnh hưởng, làm chậm quá trình hấp thu dinh dưỡng.
Ngược lại, nếu ăn quá nhiều chất xơ, mất cân đối giữa các chất như ăn nhiều các loại rau chứa axit oxalic như rau dền, măng, rau chân vịt, cần tây, hành tây… cũng không tốt. Nó lại gây ra tình trạng cơ thể không hấp thu hết canxi.
Trộn canxi chung với thực phẩm
Nhiều bậc cha mẹ thường trộn canxi với thức ăn để dễ cho ăn hoặc cho uống. Khi đó, hệ tiêu hóa của trẻ còn quá non nớt lại phải tiêu hóa và hấp thụ cả thức ăn lẫn canxi khiến lượng canxi vừa bổ sung sẽ không được hấp thụ triệt để. Hơn nữa, trong thức ăn có thể chứa các chất sắt, protein… sẽ gây ức chế quá trình hấp thụ canxi và gia tăng việc bài tiết canxi ra khỏi cơ thể.
Uống ít nước hoặc uống loại nước không phù hợp
Nếu đã loại được những nguyên nhân trên nhưng khi uống canxi, trẻ vẫn bị táo bón, có thể là do cơ thể bé không được cung cấp đủ lượng nước hoặc bạn đã cho trẻ uống một loại nước không phù hợp. Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ bú mẹ hoàn toàn có thể không cần uống nước. Trường hợp trẻ bị táo bón, trẻ nên được cung cấp lượng sữa từ 100 - 200ml/ngày.
Làm gì khi trẻ uống canxi bị táo bón?
Canxi chỉ gây táo bón khi cho trẻ uống không đúng cách. Dầu vậy, nếu không may trẻ uống canxi bị táo bón, bạn hãy tham khảo một số phương pháp dưới đây để khắc phục:
![Trẻ sơ sinh uống canxi có bị táo bón không? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_so_sinh_uong_canxi_co_bi_tao_bon_khong_2_e04f83ebd6.jpeg)
Kiểm tra tình trạng cơ thể của trẻ
Đầu tiên, mẹ hãy xem cơ địa của trẻ có nóng hay trẻ có mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa như dạ dày, đại tràng hay không. Bên cạnh đó, hãy để ý chế độ ăn, khẩu phần ăn, chế độ sinh hoạt của trẻ có vấn đề gì không, trẻ có đang bị rối loạn tiêu hóa hay không.
Kiểm tra lại đơn thuốc nếu có
Nếu trẻ đang mắc bệnh và có sử dụng các loại thuốc điều trị như thuốc kháng sinh, những thành phần trong các loại thuốc này cũng có gây ra tác dụng phụ là táo bón, chướng bụng, đầy hơi… Khi đó, bạn hãy kiểm tra lại các loại thuốc và thành phần của thuốc để xem có thành phần nào không tương thích với canxi không. Tốt hơn hết, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi cho trẻ uống canxi.
Bổ sung lượng canxi phù hợp tình trạng cơ thể của trẻ
Chỉ nên bổ sung canxi với một lượng vừa đủ và phù hợp với độ tuổi, tình trạng của trẻ. Ví dụ, trẻ từ 1 - 3 tuổi thì chỉ nên uống 700mg canxi mỗi ngày. Lượng canxi bổ sung như thế nào sẽ được tính dựa trên cân nặng, hiện trạng sức khỏe của bé. Vì vậy, việc cho trẻ uống canxi cần được bác sĩ tư vấn. Cha mẹ không tự ý bổ sung canxi cho trẻ.
Chia nhỏ liều uống canxi làm nhiều lần trong ngày
Bạn nên chia nhỏ liều canxi thành nhiều lần trong ngày. Không được cho trẻ uống canxi vào chiều tối hay trước giờ bé đi ngủ. Những thời điểm này trẻ ít hoạt động. Điều này có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi, gây ra tình trạng thừa canxi. Nó có thể làm trẻ mất ngủ, khó tiêu, táo bón. Thời gian tốt nhất để uống canxi là vào buổi sáng, sau bữa ăn sáng từ 1 - 2 giờ.
![Trẻ sơ sinh uống canxi có bị táo bón không? 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_so_sinh_uong_canxi_co_bi_tao_bon_khong_4_ea83c5fee9.jpg)
Uống nhiều nước
Đối với trẻ bú mẹ, bạn phải đảm bảo đủ lượng sữa cần thiết cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ bổ sung canxi. Bên cạnh chế độ ăn khoa học, mẹ cũng cần uống đủ nước, có thể kết hợp nhiều loại nước nước lọc, nước ép rau quả, nước luộc rau… để đảm bảo chất lượng sữa. Mẹ phải cho bé bú đủ kể cả khi bé không thấy khát hay đói.
Ăn nhiều rau củ, trái cây
Bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn sẽ giúp trẻ có hệ tiêu hóa ổn định hơn, dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng, trong đó có canxi. Nên chọn loại trái cây rau củ có tính mát, dễ tiêu, nhuận tràng vừa tốt cho đường ruột, vừa đảm bảo cho bé có cơ thể phát triển khỏe mạnh, đủ chất.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc "Trẻ sơ sinh uống canxi có bị táo bón không?". Mẹ bỉm cần lưu ý bất cứ bổ sung vitamin và khoáng chất nào cũng cần đúng cách, đúng liều lượng mới tốt cho sự phát triển của trẻ. Việc lạm dụng, hoặc bổ sung bất hợp lý sẽ gây ra những tác hại khôn lường về lâu dài cho bé mà mẹ vô tình không hay biết.
Uyên Hồ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp