Trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái: Nguyên nhân, hướng xử trí và cách chăm sóc
Vậy trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái có sao không? Đâu là nguyên nhân khiến trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái? Phải làm sao khi trẻ gặp phải tình trạng này? Những thông tin Hà An Pharmacy chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp toàn bộ các thắc mắc này một cách chi tiết nhất.
Tổng quan về tình trạng trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trên cơ thể, trung bình có hơn 600 hạch bạch huyết, tập trung chủ yếu ở vùng đầu, cổ, nách, háng, ngực và bụng. Các hạch này có thể nằm ở bên dưới da hoặc nằm sâu trong khoang ngực, bụng. Chúng liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành hệ bạch huyết.
Hạch bạch huyết có vai trò như một bộ lọc giúp phát hiện và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Ở một số trẻ khỏe mạnh, bạn có thể sờ thấy hạch ở cổ của trẻ. Nếu thấy hạch ở cổ của trẻ có hình dạng như hạt đậu với kích thước dưới 1,2cm, không kèm theo triệu chứng bất thường nào thì đây là hạch bình thường và cha mẹ không cần quá lo lắng. Vậy trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái là tình trạng như thế nào?
Trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái là hiện tượng nhóm tế bào lympho thuộc hệ thống hạch bạch huyết tập trung ở vùng cổ bên trái của trẻ phì đại bất thường. Khi này, hạch thường có kích thước lớn hơn 1cm, sưng to, có thể nhìn thấy được bằng mắt thường và có thể đi kèm với một số triệu chứng như vị trí hạch bị sưng, mệt mỏi, khó nuốt, sốt… tùy thuộc vào nguyên nhân khiến hạch bị sưng.
![Trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái: Nguyên nhân, hướng xử trí và cách chăm sóc 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_noi_hach_o_co_ben_trai_nguyen_nhan_huong_xu_tri_va_cach_cham_soc_2_d581877414.png)
Nguyên nhân khiến trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái
Theo các chuyên gia, đa số các trường hợp trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái đều có liên quan đến các vấn đề như chấn thương, dị ứng, nhiễm trùng hoặc do một số bệnh lý mạn tính khác. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái, bạn đọc có thể tham khảo:
Do bệnh lao
Lao, thường là lao hạch có thể là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái. Khi mắc bệnh lao, hạch sưng to dai dẳng song lại không gây đau. Các hạch này thường có xu hướng kết dính với các hạch gần đó tạo thành chuỗi, chùm sờ nhẵn.
Do ung thư hoặc do một số bệnh lý ác tính
Trẻ bị nổi hạch ở cổ có thể do trẻ bị ung thư, đó có thể là ung thư hạch hoặc do di căn của các ung thư gần đó như ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng… Hạch nổi do ung thư thường có kích thước lớn, sờ cứng, đau và dính chặt với các mô xung quanh, thường khó hoặc không di chuyển. Ngoài ung thư, trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý ác tính như bệnh Hodgkin, u lympho ác tính không Hodgkin…
Do nhiễm trùng
Nhiễm trùng hay viêm nhiễm ở vùng đầu cổ và các khu vực lân cận đều có thể gây ra tình trạng sưng hạch bạch huyết ở cổ. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái thường gặp nhất là do bệnh nhiễm trùng hô hấp gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus. Tùy từng loại nhiễm trùng mà trẻ sẽ có các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng do virus: Hạch sưng với kích thước từ 12 - 25mm, mềm, có thể xuất hiện ở cổ bên trái, cổ bên phải hay thậm chí là cả 2 bên cổ. Trẻ nổi hạch cổ do nhiễm trùng virus thường kèm theo các triệu chứng như sốt, viêm họng, viêm tuyến nước bọt, viêm tai giữa…
- Nhiễm trùng do vi khuẩn: Hạch thường sưng to với kích thước trên 25mm, chỉ xuất hiện ở một bên cổ và có thể kèm theo một số triệu chứng như sốt, đau, phát ban đỏ, cứng cổ…
![Trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái: Nguyên nhân, hướng xử trí và cách chăm sóc 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_noi_hach_o_co_ben_trai_nguyen_nhan_huong_xu_tri_va_cach_cham_soc_2_40a3a5c3fd.jpg)
Phải làm sao khi trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái?
Như đã trình bày phía trên, đa số các trường hợp trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái thường xuất phát từ nguyên nhân trẻ bị nhiễm trùng. Thường thì tình trạng này sẽ khỏi khi trẻ hết nhiễm trùng mà không để lại bất cứ ảnh hưởng hay di chứng nghiêm trọng nào.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nguyên nhân trẻ bị nổi hạch có liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm. Việc chậm trễ trong thăm khám có thể khiến hiệu quả điều trị giảm, trẻ có nguy cơ gặp biến chứng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, tốt nhất, cha mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu nổi hạch cổ.
Trên thực tế, nếu mức độ sưng hạch nhẹ, không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ, bác sĩ thường sẽ hướng dẫn chăm sóc tại nhà mà không cần chỉ định dùng thuốc hay có bất cứ can thiệp nào. Tùy thuộc vào kết quả thăm khám, độ tuổi, tiền sử bệnh, mức độ ảnh hưởng và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Chẳng hạn như:
- Nổi hạch do nhiễm trùng gây ra bởi virus: Bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc kháng virus nếu bệnh diễn tiến nặng.
- Nổi hạch do nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn: Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh với liều lượng phù hợp.
- Nổi hạch do các bệnh lý mạn tính, ác tính: Việc điều trị sẽ tập trung vào điều trị nguyên nhân gây nổi hạch ở cổ.
- Trong trường hợp hạch sưng to kèm theo các triệu chứng như đau, sốt, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt để cải thiện triệu chứng.
- Ngoài ra, nếu hạch sưng to gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác, bác sĩ có thể sẽ chỉ định sử dụng thuốc kết hợp với các thủ thuật rạch, sinh thiết, dẫn lưu nếu cần.
![Trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái: Nguyên nhân, hướng xử trí và cách chăm sóc 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_noi_hach_o_co_ben_trai_nguyen_nhan_huong_xu_tri_va_cach_cham_soc_1_9b9237b562.png)
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái
Các chuyên gia cho biết, việc chăm sóc trẻ đúng cách khi trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái sẽ giúp cho việc điều trị bệnh hiệu quả hơn, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái, bạn đọc có thể tham khảo:
- Cho trẻ tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, nếu phát hiện trẻ có bất thường hoặc gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, cha mẹ nên thông báo với bác sĩ để có hướng điều chỉnh và can thiệp phù hợp, kịp thời.
- Cho trẻ tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, đảm bảo đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung rau xanh trong mỗi bữa ăn, bổ sung thêm vitamin thông qua việc cho trẻ uống các loại nước ép, cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày…
- Cho trẻ ngủ nghỉ nhiều hơn.
- Đảm bảo các yếu tố vệ sinh như vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ hàng ngày, vệ sinh đồ dùng cá nhân cho trẻ, vệ sinh khu vực sống… Mỗi ngày, cha mẹ nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý đồng thời tạo cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng khử khuẩn sau mỗi lần đi vệ sinh, trước và sau khi ăn…
![Trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái: Nguyên nhân, hướng xử trí và cách chăm sóc 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_noi_hach_o_co_ben_trai_nguyen_nhan_huong_xu_tri_va_cach_cham_soc_4_7e55ca1e09.jpg)
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái mà Hà An Pharmacy đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, qua những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng này từ đó biết cách chăm sóc trẻ tốt hơn nếu không may trẻ bị nổi hạch ở cổ bên trái. Cảm ơn bạn đọc đã dõi theo bài viết sức khỏe hôm nay của Hà An Pharmacy.