Tình hình rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam? Bố mẹ cần làm gì để giúp trẻ?
Chứng tự kỷ là một khuyết tật về sự phát triển, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người bệnh và nó nhiều mức độ khác nhau. Khi phát hiện trẻ có những thay đổi, chậm phát triển vận động, không hứng thú với mọi vật xung quanh thì cha mẹ hãy đưa con đi khám để xác định và điều trị bệnh.
Thực trạng rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam
![Tình hình rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam? Bố mẹ cần làm gì để giúp trẻ? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/roi_loan_pho_tu_ky_o_viet_nam_1_3629db49b9.png)
Rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam ngày càng tăng
Ở Việt Nam, bệnh tự kỷ được biết đến vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX. Từ năm 2000, bệnh tự kỷ ở Việt Nam được quan tâm và can thiệp, điều trị nhiều hơn tại các bệnh viện Nhi và trung tâm giáo dục đặc biệt.
Theo Tổng cục Thống kê công bố, ở Việt Nam tính đến tháng 1/2019 có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên. Trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ, trẻ mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% trong số các trẻ em sinh ra. Trong số 1 triệu người tự kỷ ở Việt Nam thì phần lớn không được chẩn đoán do họ không được chăm sóc, giáo dục hay trị liệu phù hợp.
Số trẻ em mắc bệnh tự kỷ tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh do nhận thức của xã hội và các bậc phụ huynh về tự kỷ ngày càng sâu rộng. Trẻ tự kỷ sẽ bị thiếu hụt về ngôn ngữ, giao tiếp, kỹ năng xã hội, thiếu hụt giác quan nên có hành vi khác lạ.
Ở Việt Nam trẻ em được đánh giá và quan tâm về phát triển thể chất lồng ghép vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế cơ sở. Tuy nhiên lại thiếu đánh giá về phát triển tâm thần vận động nhằm phát hiện sớm các rối loạn phát triển và thực hiện sàng lọc sớm rối loạn tự kỷ.
Hỗ trợ và can thiệp thích hợp với người mắc bệnh rối loạn phổ tự kỷ
Để đáp ứng được sàng lọc định kỳ thì cần có các công cụ đánh giá phát triển và sàng lọc chuẩn sao cho phù hợp với khả năng và điều kiện của cộng đồng. Ở Việt Nam hiện nay đã có một số công cụ sàng lọc được dịch sang tiếng Việt và sử dụng rộng rãi. Có thể kể đến như test sàng lọc phát triển DenverII, test sàng lọc tự kỷ M – CHAT. Mặc dù vậy thì ở mức độ cộng đồng vẫn chưa có các công cụ sàng lọc đơn giản, thuận tiện và dễ sử dụng, các công cụ chưa có quá trình đánh giá hiệu lực và độ tin cậy sau khi chuyển dịch ngôn ngữ.
![Tình hình rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam? Bố mẹ cần làm gì để giúp trẻ? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/roi_loan_pho_tu_ky_o_viet_nam_2_ee3d6c5eff.jpg)
Bác sĩ Nhi khoa và Thần kinh sẽ xác định chẩn đoán các rối loạn phát triển đi kèm chứng tự kỷ
Bên cạnh chẩn đoán rối loạn tự kỷ thì cần có bác sĩ Nhi khoa, Thần kinh để xác định chẩn đoán các rối loạn đi kèm. Việc đưa ra quyết định chẩn đoán có thể trải qua một số lần quan sát và phỏng vấn và phải chỉ ra được các thiếu hụt trong phát triển để can thiệp kịp thời. Tại Việt Nam, việc chẩn đoán tự kỷ chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán DSM – IV và ICD -10.
Hiện nay đã có sự phối hợp chặt chẽ của 2 nhà chuyên khoa, nhà tâm lý và giáo dục, bác sĩ tâm thần và tâm lý tại các cơ sở y tế trung ương như BV Nhi Trung Ương, BV Nhi đồng – TP HCM khi đưa ra quyết định chẩn đoán. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân từ các tỉnh thành tập trung đông nên thường bị giới hạn về mặt thời gian và môi trường. Trung bình mỗi trẻ sẽ được khám và đánh giá trong 40 phút. Nhưng nếu chưa xác định rõ ràng được bệnh thì việc đánh giá, chẩn đoán sẽ được giám sát và lặp lại nhiều lần để đạt được chính xác bệnh tự kỷ cùng các rối loạn đi kèm.
Việc đánh giá chẩn đoán bệnh tự kỷ ở Việt Nam hiện nay cũng chỉ mới tập trung vào đối tượng trẻ em. Còn lứa tuổi thanh thiếu niên hay trưởng thành thì chưa được quan tâm và chẩn đoán, can thiệp nhiều.
Một số giải pháp
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng các bậc cha mẹ nên trang bị kiến thức về bệnh tự kỷ, từ đó dễ dàng nhận biết con có mắc tự kỷ hay không để điều trị sớm. Ngoài ra, trong suốt quá trình mang thai, người mẹ nên giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ, đồng thời đi khám thai đúng lịch và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Các nhà can thiệp ở Việt Nam đã sử dụng các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ như ABA, TECCH, PECS…, đây đều là các phương pháp mà các nước phát triển đang áp. Tuy nhiên lại chưa có một mạng lưới can thiệp được quản lý theo hệ thống. Cùng với đó cũng chưa có Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý cho hệ thống này.
![Tình hình rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam? Bố mẹ cần làm gì để giúp trẻ? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/roi_loan_pho_tu_ky_o_viet_nam_3_720876637f.png)
Phát hiện bệnh tự kỷ sớm ở trẻ để được điều trị sớm
Người mắc bệnh tự kỷ cần được quan tâm đúng cách, sống bình đẳng, can thiệp kịp thời để sau này có thể lo được cho bản thân. Chúng ta cần xóa bỏ kỳ thị đối với người tự kỷ từ gia đình đến xã hội. Thời gian tới cần sàng lọc để phát hiện bệnh sớm bằng việc đánh giá định kỳ về phát triển cho trẻ 18 tháng và 24 tháng tại y tế cơ sở. Song song với việc đó cần phối hợp vào các đợt tiêm chủng theo công cụ đánh giá phát triển như ASQ, Denver II để đánh giá mốc phát triển tùy thuộc từng lứa tuổi.
Tập huấn, đào tạo cho các bác sĩ Nhi khoa, bác sĩ tuyến cơ sở các kiến thức cơ bản về rối loạn tự kỷ, tư vấn cho cha mẹ để tiến hành sàng lọc phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn tự kỷ ở trẻ. Chẩn đoán tự kỷ theo quy trình thống nhất: Đánh giá phát triển bệnh, nếu khó khăn => đánh giá sàng lọc M – CHAT, đánh giá thính lực => áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM – V => chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán bệnh lý đi kèm.
Trên đây là những thông tin về chứng rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam. Đây là căn bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển, đời sống hàng ngày của người bệnh nên khi thấy con có những dấu hiệu bất thường liên quan đến bệnh tự kỷ, bố mẹ hãy đưa con đi khám để được phát hiện bệnh sớm nhất.
Hạ Hạ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp